BÍ MẬT NHỎ CỦA NGƯỜI MẸ

TẤN TUẤN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bà Miền mất cách đây cũng đã lâu, dễ chừng gần chục năm có lẻ, bà mất khi thằng út con bà vừa tốt nghiệp ra trường, năm đứa còn lại cuộc sống cũng đã ổn định. Lúc lâm chung bà gọi sáu đứa con lại dặn dò rằng tuy các con không cùng một mẹ sinh ra nhưng phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ở đời hợp quần nên sức mạnh…

 Lời bà Miền chỉ có thế, không biết thực hư ra sao nhưng sau này cứ đến ngày giỗ bà thì các con về đông đủ không thiếu đứa nào. 

Tôi với thằng út con bà chơi với nhau khá thân, từ nhỏ hai đứa gắn bó nhau như hình với bóng, lớn lên học cùng trường, ra trường công tác cùng cơ quan. Đôi khi chuyện của nó thành chuyện của tôi, chuyện của gia đình nó lắm khi tôi lấy làm suy ngẫm. Năm nay, giỗ mẹ nó, tức bà Miền, người mà ngày nhỏ tôi sang chơi hay gọi bằng bác đúng vào dịp cuối tuần, nó rủ tôi đánh xe về quê ăn giỗ. Từ xa, thấp thoáng trong sương mờ sớm mai tôi đã thấy ngôi nhà ngói cũ nép mình dưới rặng tre già, bình yên, thanh thản. Bao nhiêu ký ức tuổi thơ của tôi và nó lại ùa về. Nó bảo nhiều khi sáu anh em nhà nó cũng muốn phá gian nhà cũ ấy đi để xây lại ngôi nhà mới khang trang và đẹp đẽ, ít ra thì cũng để mở mày mở mặt với bà con lối xóm hay chí ít cũng làm đẹp lòng mẹ nó nơi chín suối. Nhưng, nghĩ mãi thế nào lại thôi, nó bảo ngôi nhà ấy gắn bó với mẹ nó cả một thời cơ cực gian nan.

BÍ MẬT NHỎ CỦA  NGƯỜI MẸ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nơi ấy, mỗi khi trở về, anh em nhà nó như được tắm mình trong những ký ức thơ dại sau những tháng ngày bôn ba nơi phồn hoa đô thị. Song đó có phải là lý do chính đáng hay vì một lý do nào nữa thì tôi thật sự không biết, tôi chỉ cảm nhận được rằng anh em nhà nó sống đoàn kết và thương yêu nhau hết mực, dù rằng hoàn cảnh gia đình nhà nó khá đặc biệt. Vợ mất, ông Miền một mình nuôi ba đứa con thơ gồm hai gái một trai, cám cảnh gà trống nuôi con, mặc cho gia đình ngăn cản bà vẫn quyết tâm về ở với ông rồi sinh thêm cho ông hai đứa con gái nữa rồi mới đến lượt thằng út bạn tôi. Như vậy tổng cộng các con ông bà Miền có đến sáu đứa, hai trai bốn gái cả chung lẫn riêng hết thảy. Đã thế, sống với nhau không được bao lâu, khi thằng con út, bạn tôi lên ba thì ông Miền mất, một mình bà phải oằn mình với sáu đứa con thơ.

Bỏ thì thương vương thì tội, bà nghĩ dù gì cũng đã mang điều tiếng mẹ ghẻ con chồng, giờ đem chia đàn xẻ nghé con chung con riêng ra thì tụi nhỏ biết nương tựa vào đâu giữa những năm tháng đói no khốn khó như thế này. Nuốt nước mắt vào lòng, bà ôm cả sáu đứa trẻ về lại quê nhà, dẫu cho người đời gièm pha, mai mỉa: Mấy đời bánh đúc có xương… Rồi cứ thế sáu đứa trẻ lớn lên với bàn tay chăm sóc của bà. Hai người con gái lớn là con riêng của chồng giờ đã là giáo viên, anh con trai đi bộ đội xong thì ở lại phục vụ trong quân ngũ. Hai đứa con gái của bà với ông Miền giờ một là cán bộ ngân hàng, một làm giám đốc doanh nghiệp, thằng bạn tôi đang giữ chức trưởng phòng tổ chức cán bộ cùng cơ quan. Âu thế cũng là niềm hãnh diện của bà Miền khi đã về với tổ tiên. Bởi, giữa cái vùng quê khốn khó này đâu dễ mấy ai nuôi con ăn học thành tài như nhà bà Miền. Đó là chưa kể cảnh thân cò một mình nuôi con như bà.

BÍ MẬT NHỎ CỦA  NGƯỜI MẸ - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Ngày còn sống người ta bảo bà không quản nhọc khó khăn, sáng tháng mười trời lạnh như cắt da cắt thịt, khi mà mọi người còn cuộn tròn trong chăn ấm thì bà Miền đã ra đồng cắt cỏ, trưa tháng sáu nắng như đổ lửa mọi người vẫn thấy một mình bà tát nước bên đám ruộng khô. Thương mẹ vất vả, các con bà cũng cố gắng chăm ngoan học giỏi, rảnh rỗi lại phụ giúp mẹ lúc ra đồng. Nhưng ngặt nỗi các con của bà còn quá nhỏ, lại sống thiếu thốn, kham khổ nên đau ốm liên miên. Thương con, mỗi buổi chợ bà thường dành tiền mua cho miếng quà, tấm bánh. Lúc thì cái bánh tráng bẻ làm năm, bịch chè chia làm bốn. Đến lúc nhận phần mỗi đứa chỉ còn một mẩu bé tí teo, thấy con thòm thèm mà lòng mẹ xót xa. Tuy nhiên vì nhà nghèo lại đông miệng ăn nên việc chạy gạo không thôi đã khiến mình bà đuối sức. Thương con bà nghĩ ra cách để sáu đứa đều được miếng ngon như nhau. Và đó cũng là câu chuyện bạn tôi hay kể trong mỗi lần về quê giỗ mẹ. 

Số là ngày ấy quê tôi nghèo lắm, cả chợ chỉ có mỗi một hàng bán trứng vịt lộn, món quà quê tương đối xa xỉ giữa những ngày đói. Chỉ có trẻ con còi cọc và người già lúc khó ở trong người mới được ăn. Bà Miền muốn mua để bồi dưỡng các con nhưng không dám, vì mua một lúc hơn nửa chục trứng thì không đủ tiền chạy gạo. Nhưng nếu đứa ăn đứa nhịn miệng thì không đành. Vậy là mỗi bữa chợ bà chỉ dành đủ tiền mua một trứng, lúc thì bà gọi chị cả ra góc hiên nhà đưa cho ăn, hôm thì bà gọi anh ba ra sau bếp, ngày sau chị năm hí hửng trốn trong buồng ăn trứng một mình. Bữa nọ, đến lượt thằng út, bạn tôi, nó được mẹ cho ăn trứng và còn được bà Miền dặn dò: “Trong sáu đứa, mẹ thương con nhất, con út ít lại còi cọc, mẹ mua cho con quả trứng, con kiếm chỗ nào kín đáo mà ăn đừng để các anh chị thấy lại bảo mẹ thiên vị”. Và thế là trong cái đầu óc non nớt của nó lúc nào cũng hí hửng rằng nó là người được mẹ thương nhất, nó thầm cho rằng đó là cái bí mật vĩ đại mà không dễ gì nói ra. Nó đâu biết rằng, trước nó các anh chị khác vì một lý do nào đó mà cũng được mẹ “trọng thưởng” như vậy. 

BÍ MẬT NHỎ CỦA  NGƯỜI MẸ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Câu chuyện ngày nhỏ vẫn cứ len lỏi trong nó như một ký ức đẹp về mẹ và chỉ có dịp được chia sẻ ra khi ngày giỗ đầu các anh em nhà nó về lại đông đủ, cùng nhau kể lại nghe những buồn vui lúc mẹ còn sống, ai cũng âm thầm nuôi dưỡng một suy nghĩ rằng mẹ chỉ thương riêng mình, để rồi vỡ lẽ hóa ra mẹ thương các con như nhau, không thiên vị con trai hay con gái, phân biệt con chung hay con riêng, con đầu hay con út. Chính câu chuyện đơn sơ cảm động đó càng khiến các con của bà bây giờ sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, biết chia sẻ nhau lúc giàu sang hay khốn khó. Bài học xưa cũ nhưng vẫn mang một giá trị tươi mới trong cuộc sống gia đình của các con của bà ngày hôm nay, về tình yêu của cha mẹ đối với con cái, về quan niệm bình quyền, bình đẳng với những đứa trẻ trong chính ngôi nhà của mình. Và bạn tôi vẫn thường hay tự hào với tôi về mẹ mình như thế.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.