Biện pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia vào không gian mạng

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Internet được coi như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Không chỉ có người lớn, ngay cả trẻ em cũng có thể dễ dàng truy cập, tìm kiếm những điều mình thích trên không gian mạng. Song hành cùng tiện ích lành mạnh, internet cũng chứa đựng nhiều thông tin xấu, độc, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ.

Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi trò chuyện với bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông về những kỹ năng nhận biết và kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn.

Thưa bà Đinh Thị Như Hoa, bà đánh giá như thế nào về thực trạng tần suất và thời gian mà trẻ em Việt Nam hiện nay đang sử dụng vào mạng xã hội và internet?

Trong tình hình đại dịch Covid-19, gần như hoạt động của mọi người đều chủ yếu thông qua các hình thức trao đổi thông tin trực tuyến. Người trưởng thành thì làm việc, hội họp online, trẻ em cũng tham gia các lớp học trực tuyến, tìm kiếm thông tin trên internet. 
Trẻ em có độ tuổi càng lớn thì các nhu cầu sử dụng internet cả về thời lượng và mục đích ngày càng cao. 

Gần đây, “We are social” đã công bố báo cáo thị trường Digital của năm 2022, trong đó có Việt Nam. Công bố cho thấy: Hiện, Việt Nam có 72.1 triệu người dùng internet, chiếm 73.2% dân số. Số người dùng internet này tăng 4.9% (tương đương với 3.4 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. Khoảng 95.8% người dùng Việt Nam sử dụng internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng 38 phút mỗi ngày.  

Biện pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia vào không gian mạng - ảnh 1
Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

Những rủi ro mà trẻ em gặp phải khi tham gia mạng xã hội là gì, thưa bà? 

Đối với đối tượng chưa có đầy đủ nhận thức như trẻ em, các rủi ro, nguy cơ khi hoạt động trên không gian mạng càng lớn và gây ra nhiều hậu quả khôn lường, có thể kể đến như:

- Trẻ tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; 

- Phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ; 

- Trẻ bị bắt nạt trực tuyến; 

- Trẻ sử dụng internet quá mức dẫn đến nghiện game. Nhiều trường hợp từ nghiện game đã trở thành tội phạm do trộm cắp, lừa đảo, hơn thế là đánh, chém giết người do ảo giác từ các nhân vật trong game.

- Trẻ bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, mại dâm, bị xâm hại tình dục. 

Hiện nay, Nhà nước đã có những quy định pháp luật về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các tổ chức Chính phủ và đoàn thể cũng đã lên tiếng trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, dụ dỗ trên không gian mạng. Theo bà, những biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay mà chúng ta đang có đã đủ an toàn và hiệu quả so với tốc độ phát triển hàng phút, hàng giây của những thông tin trên mạng xã hội hay chưa?

Có thể nói, trên thế giới không có một giải pháp cũng như công cụ hoàn hảo nào trong triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hiện nay triển khai hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam đã được đề cập khá rõ ràng tại Quyết định 830/QĐ-TTg về Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng 2021-2025. Cụ thể, chúng tôi đang thực hiện và triển khai các công cụ dựa trên 5 nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:

- Xây dựng hành lang pháp lý với việc đặt trẻ làm trung tâm trong việc xây dựng chính sách, và lấy ý kiến của trẻ về cơ chế và chính sách tác động đến trẻ. Trẻ có thể thoải mái bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua mạng website VN-COP phần tiếp nhận ý kiến. Đây cũng được coi là công cụ hữu ích bên cạnh tiến hành các khảo sát trong việc lấy ý kiến trẻ.

- Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng ở quy mô quốc gia. Việc nâng cao nhận thức được thể hiện thông qua chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức về môi trường mạng cho trẻ em; khuyến khích cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên cập nhật các kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, có khả năng tự phát hiện và tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia trên môi trường mạng.

- Triển khai các biện pháp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu; thu thập, phân tích thông tin, giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, công cụ tiếp nhận báo cáo xâm hại trên website VN-COP là một trong các giải pháp đang được triển khai. Ngoài ra, tại các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, các nhà phát triển sản phẩm phần cứng cũng được yêu cầu kích hoạt các công cụ bảo vệ trẻ em để cha mẹ có thể giám sát trẻ.

 Các công ty công nghệ như Cyber Purify, Kapersky hay Google cũng phát triển các phần mềm, công cụ trong việc cài đặt phát hiện, chặn lọc các website độc hại cho trẻ hay công cụ giám sát giữa cha mẹ và con về việc sử dụng internet. Thời gian tới Cục An toàn thông tin sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá các sản phẩm an toàn cho trẻ và khuyến cáo tới người dùng.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng…

- Tăng cường hợp tác quốc tế: Đây là vấn đề tất yếu khi chia sẻ thông tin, cập nhật các giải pháp để các quốc gia cùng nhau hỗ trợ bảo vệ trẻ em khi sử dụng internet.

Công nghệ ngày càng phát triển, thủ đoạn xâm hại trẻ ngày càng tinh vi, do đó chúng ta cũng phải cập nhật mới các biện pháp bảo vệ hỗ trợ trẻ tương ứng với 5 nhóm nhiệm vụ trên. Tôi hy vọng, mục tiêu bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng sẽ phát huy hiệu quả nhất định.

Hiện các trường học cũng đã có hướng dẫn cơ bản cho học sinh sử dụng internet, không ít phụ huynh đang tìm cách bảo vệ con trên không gian mạng. Bà có thể “hiến kế” giúp bố mẹ đồng hành cùng con khi tham gia mạng xã hội?

Để đồng hành cùng con khi tham gia mạng xã hội, điều đầu tiên, bố mẹ cần lưu ý: Độ tuổi nào các con được phép tham gia? 

Thông thường các mạng xã hội đều giới hạn độ tuổi tham gia là 13. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bố mẹ thường chủ động tạo tài khoản cho con nhưng sai tuổi, trước tiên là nhằm những mục đich tốt như lưu lại những khoảng khắc đáng yêu của con, sau dần đưa tài khoản cho trẻ sử dụng mà có thể trẻ chưa đến tuổi sử dụng dẫn đến trẻ có thể gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng. 

Do đó, phụ huynh có thể sử dụng một số công cụ để đồng hành cùng con như sử dụng các tính năng sẵn có trên các thiết bị di động, trình duyệt. Ví dụ: Trên các thiết bị iphone có tính năng giới hạn thời gian sử dụng; bật giới hạn sử dụng (chặn nội dung không phù hợp)… hay cho trẻ sử dụng youtube kid thay vì youtube; hoặc nếu sử dụng youtube cũng nên kích hoạt chế độ hạn chế. 

Biện pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia vào không gian mạng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ngoài ra bố mẹ cũng nên tham khảo một số ứng dụng có thể đồng hành cùng con như: Google familylink; kapersky safe kid; safemode; cyberpurify kid… 

Phụ huynh cũng cần hướng dẫn con nhận biết rủi ro và báo cáo, tìm sự trợ giúp. Khi trẻ gặp vấn đề trên môi trường mạng có thể liên hệ Tổng đài 111 hoặc mạng lưới VN-COP tại website https://vn-cop.vn/ (mục Báo cáo xâm hại).

Việc giáo dục, giúp các em có thể tương tác và tự bảo vệ mình là biện pháp có ý nghĩa cốt lõi, tích cực nhất mang lại sự an toàn cho trẻ trên không gian mạng. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? 

Một trong những mục tiêu giải pháp chính khi triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Quyết định số 830/QĐ-TTg là trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm sử dụng mạng lành mạnh, an toàn, tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Giáo dục trong việc đưa ra các giải pháp lồng ghép các chương trình giáo dục việc “đào tạo kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi tại từng cấp giáo dục; đồng thời xây dựng mô hình, quy chế quản lý việc dạy học trực tuyến và các hướng dẫn cho nhà trường, giáo viên về nội dung đảm bảo an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý, giáo dục.

Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng điểm mà chúng tôi đang triển khai tại Quyết định 830/QĐ-TTg nhằm tập trung giáo dục để trẻ em trở thành những công dân số có trách nhiệm trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn bà đã tham gia buổi phỏng vấn. Kính chúc bà sức khỏe và hạnh phúc!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.