Bình đẳng giới để trẻ em gái được phát triển toàn diện

Chia sẻ

Mặc dù đã bước đầu được “cởi trói”, song không ít người, không ít gia đình vẫn còn nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Ở những vùng miền khác nhau, tư tưởng này cũng mang góc độ khác nhau, khiến cho trong nhiều gia đình vì sinh toàn con gái mà mâu thuẫn, bạo lực đã xảy ra…

“Tội” sinh con một bề

Hơn 40 năm chung sống, bà B cam chịu đắng cay, nhẫn nhịn đi hỏi vợ cho chồng để “săn” quý tử, thế mà vẫn bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” không thương xót.

Vợ chồng bà B sinh được 4 cô con gái. 20 năm trước, vì không có con trai, chồng bà – ông T chán nản, lạnh nhạt với vợ rồi ngoại tình. Để công khai mối quan hệ bất chính đó, ông T ép vợ phải cho mình cưới “vợ lẽ”. Bị phản đối, ông T dùng “khổ nhục kế”. Hành hạ, chửi bới, rồi đánh đập, ném cả bát cơm đang ăn dở vào người vợ trước mặt con cái… tất cả ông T đều thực hiện. Buổi tối, ông bắt vợ đứng ngoài trời đêm đông rét 10 – 120C. Đến đêm thứ 2 thì bà phải quỳ lạy xin ông được vào nhà. Ông T đồng ý, nhưng lại bắt bà B đứng suốt cả đêm, không cho ngủ. Vì đứng nhiều, hai cơ chân bà căng cứng. Không chịu đựng được “đòn chồng”, bà B đành “nhắm mắt đưa chân”, mang cau trầu đi hỏi vợ cho chồng. Ông T cứ đi về giữa hai người phụ nữ suốt 20 năm tiếp theo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khao khát có “quý tử” của chồng cuối cùng cũng được thoả mãn khi người vợ thứ hai sinh cho ông 1 cậu nhóc kháu khỉnh. Nhưng bản tính vẫn không thay đổi. Mỗi lần giận vợ hai, ông T lại trút bực dọc lên đầu vợ cả. Có lần, bà B bị chồng đánh gãy tay, các con phải đưa đi bó bột. Có lần, vì giận vợ hai không nghe điện thoại, ông quay sang đánh đuổi bà B ra khỏi nhà. Cú đạp mạnh vào đùi phải khiến bà ngã quỵ. Lần đó, bà B bị gãy xương khớp háng, nằm điều trị mất 10 ngày, bị tổn thương sức khỏe trầm trọng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông T đã thừa nhận đã có hành vi bạo lực với vợ. Các cán bộ hòa giải cho rằng, ông T đã vi phạm ba văn bản luật: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và yêu cầu ông cam kết không được có hành vi bạo lực với vợ, yêu cầu ông T trả tiền cho bà B điều trị bệnh, đồng thời, hứa cam kết không đánh chửi vợ nữa.

Gia đình chị M và anh N từng được hàng xóm láng giềng trầm trồ, khen ngợi bởi sự hoà thuận, chăm chỉ lại “xứng đôi vừa lứa”. Hàng ngày, anh chạy xe kiếm tiền, ở nhà lại phụ vợ buôn bán, chăm sóc các con. Do thuận vợ, thuận chồng nên kinh tế gia đình của vợ chồng anh N ngày càng khá giả. Dù gia đình đã có “của ăn, của để” song ngặt một nỗi là vợ của mình chỉ sinh hai đứa con gái nên trong những lúc “trà dư, tửu hậu”, N bị bạn bè “cà khịa”. Một lần dễ bỏ qua nhưng nghe mãi như mưa dầm thấm đất nên mang lòng “oán hận” vợ vì “tội” sinh con một bề. Mỗi lần như vậy, N trút cơn giận vào vợ bằng những trận đòn không thương xót. Cứ thế, mặc cho những lời can ngăn của người thân, hòa giải của các đoàn thể mỗi lần vui vẻ cùng bạn bè, anh N lại bạo hành vợ. Không thể chịu mãi những trận đòn vô cớ, chị M làm đơn trình báo sự việc. Anh N đã bị pháp luật xử lý về hành vi bạo hành gia đình…

Vẫn còn nhức nhối

Đó chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện buồn mà phụ nữ đang phải gánh chịu chỉ vì “sinh con một bề là gái”. Hiện nay, mặc dù tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã được cởi trói nhiều song quan niệm phải có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại, các gia đình luôn bị đòi hỏi phải sinh con trai trong nhà. Dù nhiều gia đình trẻ đã có ý thức về vấn đề này, nhưng sự thúc ép lại đến từ ông bà tổ tông nhiều hơn. Và rõ ràng, các định kiến xã hội về nam nữ này vẫn âm thầm tồn tại trong nền giáo dục hiện đại. Ở những vùng miền khác nhau, tư tưởng này cũng mang góc độ khác nhau. Khoa học đã chứng minh việc sinh con trai hay con gái phần lớn do nam giới quyết định, nhưng rất nhiều người vẫn đổ tội cho người phụ nữ bằng những lời lẽ miệt thị, coi thường.

Tư tưởng lạc hậu này kéo theo những nhận thức lệch lạc. Ở vùng sâu vùng xa, quan niệm con gái như cọng cỏ, ngọn rau, lớn lên sẽ “theo chồng” nên nhiều bé gái không được bố mẹ đầu tư học hành đầy đủ, nhiều gia đình vì sinh con một bề mà chán nản không muốn làm ăn, xây nhà cửa hay tích lũy tài chính… Nhiều ông bố tỏ thái độ ghét bỏ, cay nghiệt với con gái ra mặt, gây tổn thương tâm lý đứa trẻ. Trong cơn “khát” con trai, rất nhiều gia đình tan vỡ vì chồng muốn tìm quý tử bên ngoài hay bố mẹ chồng ruồng rẫy con dâu, con cái sớm phải sống cảnh chia ly. Tư tưởng “khát con trai” cũng khiến cho nhiều gia đình tìm đến các dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi và sử dụng các dịch vụ phá thai, nguy cơ mất cân bằng giới tính lại tăng lên một cách đáng báo động.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2021, Việt Nam có tỷ lệ giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên tình hình hiện tại, Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho rằng, theo quy luật tự nhiên, trung bình 100 trẻ gái sinh ra tương ứng với 104-106 trẻ trai. Thế nhưng, hiện tại, tỷ lệ giới tính khi sinh của nước ta dao động xung quanh ngưỡng 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố chênh lệch giới tính khi sinh. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh có thể sẽ tiếp tục gia tăng và lan rộng, cả ở nông thôn, thành thị và tại tất cả vùng, miền trên cả nước. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu phụ nữ.

Trả lời báo chí bên lề một hội nghị về dân số, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, không chỉ đơn thuần sinh con trai để nối dõi tông đường mà còn do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập tục bố mẹ thường ở với con trai. Do đó, nhiều người có tâm lý cố sinh cho được con trai, thậm chí, họ tìm cách dựa vào tiến bộ của y học để lựa chọn giới tính ngay từ khi mang thai. Chính vì vậy, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi. Từ đó, người cao tuổi bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh khung pháp lý với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi, cơ sở thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh.

Đầu năm 2021, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 01/2021/TT-BYT nhằm hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Đây là biện pháp nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034. Theo tinh thần của Thông tư, các địa phương sẽ chủ động lựa chọn và quyết định việc hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con.

Theo TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số, các địa phương có thể tuỳ theo tình hình thực tế tại cơ sở để có những quyết định khác nhau. Các hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, hiện vật hay các hình thức khác sẽ do địa phương quyết định. Kinh phí thực hiện sẽ được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

Bên cạnh các chính sách của nhà nước, trong các gia đình, trước hết là cha mẹ, ông bà cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đối xử công bằng giữa trẻ trai và trẻ gái ngay từ khi mới chào đời. Gia đình mà trong đó nam giới và nữ giới được bình đẳng với nhau sẽ tiếp tục là môi trường tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất về bình đẳng giới.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.