Bình luận khiếm nhã, phản cảm trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hồng Hải
Chia sẻ

(PNTĐ) Cho tôi hỏi việc bình luận khiếm nhã, xúc phạm người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào? Nguyễn Thị Quyên (Đông Anh)

Bình luận khiếm nhã, phản cảm trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm là những hành vi dùng lời nói khó nghe, mang tính sỉ nhục, thô bỉ, nhục mạ nhằm hạ thấp, chà đạp giá trị của người khác, làm giảm uy tín, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của họ.

Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Bình luận khiếm nhã, xúc phạm người khác trên mạng xã hội, trường hợp đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, người vi phạm bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Mức hình phạt cao nhất của Tội làm nhục người khác là 5 năm tù, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm.

Trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính, theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 37 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ, thực hiện một trong các hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Nếu “tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, theo khoản 2 của Điều này, bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Thêm nữa, theo khoản 3 Điều này, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

Như vậy, hành vi bình luận khiếm nhã, phản cảm trên mạng xã hội nhầm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng.

Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên áp dụng với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp cá nhân vi phạm như của tổ chức, mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Vì dụ, cá nhân bình luận khiếm nhã, phản cảm trên Zalo, Facebook… nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm:

“a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định”.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.