Bình yên

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Ngỡ ôm chèo theo sông

Lại ngược lên với suối

Bắt đầu là bóng núi

Vô cùng như mắt em

 

Gió níu gió lặng im

Thế là trời để ngỏ

Cho ta đến với mình

Trong thầm thì tiếng cỏ

 

Anh muốn bế cả chiều

Hôn lên ngày gặp mặt

Tình đầy trăng vẫn khuyết

Em xanh ngày đang xanh

 

Những chùm quả bình yên

Rời xuống triền núi vắng

Trời muốn nói câu gì

Ngó ta

Rồi im lặng!...

                       Hữu Thỉnh

Bình yên - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Nhà thơ Hữu Thỉnh là một thi sĩ rất đặc biệt. Thường thì, người ta sẽ làm thơ tình khi còn trẻ và chiêm nghiệm cuộc đời bằng thơ lúc tuổi già. Thế nhưng, với tác giả của “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” thì ngược lại, có lẽ với ông tình yêu là một dạng thức sống đặc biệt và thơ tình yêu chính là một chiêm nghiệm sâu sắc nhất. Bởi thế, những Thơ viết ở biển, Chiều sông Thương được người đọc yêu mến. Và lúc này, chúng ta cùng đọc một Bình yên mới mẻ.

Ngỡ ôm chèo theo sông

Lại ngược lên với suối

Bắt đầu là bóng núi

Vô cùng như mắt em

Bình yên được mở đầu bằng những bất ngờ. Cứ ngỡ thế này, lại hóa thế kia, tưởng đã xuôi mái chèo hóa ra lại tìm đến ngọn nguồn, từ “bóng núi”, tìm thấy “mắt em”… sự liên tưởng có phần trừu tượng, giãn cách nhưng đọng lại là điểm nhìn của tình yêu (mắt em). Có “bắt đầu” nhưng lại không có kết thúc mà mở ra bất tận bởi “vô cùng”, đó là điều khá thú vị. Ở khổ thơ tiếp theo, xu hướng vận động rõ nét hơn:

Gió níu gió lặng im

Thế là trời để ngỏ

Cho ta đến với mình

Trong thầm thì tiếng cỏ

Thơ Hữu Thỉnh là một sự cách tân các thi liệu, cấu trúc lại những dạng thức ca dao. “Gió” và “trời” ở đây vừa như những biểu tượng ví von, vừa ước lệ, kiểu như: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” (Sang thu). Chính nhờ sự mới mẻ đó mà cách viết mộc mạc của ông vẫn đầy sức hút. Khi tất cả đã rất rõ ràng, như sắp đặt, dàn dựng trước thì câu thơ thứ tư buông hờ hững, lãng đãng, mơ hồ, nhưng đổi lại là cảm giác vu vơ, hồn nhiên: “Trong thầm thì tiếng cỏ”. Nhưng có lẽ như thế là chưa đủ, vẫn có những éo le:

Anh muốn bế cả chiều

Hôn lên ngày gặp mặt

Tình đầy trăng vẫn khuyết

Em xanh ngày đang xanh

Cả khổ thơ đầy ắp sự hồ hởi, nồng nàn nhưng chỉ một câu thơ lạnh lùng khiến người đọc phải suy tư. “Tình đầy trăng vẫn khuyết” ấy là sự thiếu vắng, chưa trọn vẹn hay là non nớt, hồn nhiên. Chỉ biết rằng nhân vật “em” vẫn đang sống trong những tháng năm tươi đẹp của mình. Mùa “xanh”ấy là mùa xuân, tuổi trẻ, là khi không thuộc về ai. Nhưng thôi, hãy xem bài thơ thú vị này kết lại như thế nào:

Những chùm quả bình yên

Rời xuống triền núi vắng

Trời muốn nói câu gì

Ngó ta

Rồi im lặng!...

Một ông trời được nhân hóa mới thú vị làm sao. Ông biết hết mà không nói, có phải vì muốn mọi sự trên đời cứ “tự nhiên nhi nhiên” như thế hay chẳng biết nói gì? Có những người tự cho mình bình yên, tĩnh tại nhưng thực sự trong tâm hồn vẫn đầy ắp khát vọng, vẫn đầy âu lo của tình yêu. Có thể Bình yên của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nằm trong số đó khi các câu thơ chỉ làm nhiệm vụ gợi “ý tại ngôn ngoại” mở ra một thế giới nghệ thuật rộng lớn ngoài văn bản.

Chỉ biết rằng, với những người đang yêu hay nông nổi, say mê, hãy “ném”mình vào cõi bình yên đầy khát khao như thế như nhân vật trữ tình trong bài thơ này để được yêu, được cảm nhận hạnh phúc trong cuộc đời này.          

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.