Bộ đồ bơi mới của ông

THÁI ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Ông ngoại tôi cuối tuần đi biển Cửa Lò cùng hội người cao tuổi ở phường. Bố tôi hỏi: “Ông cần gì, thiếu gì cho chúng con biết để mua cho ông mang đi nhé”. Ông tôi bảo: “Không, bố có đủ hết rồi. Các con không cần mua thêm gì cho bố cả”.

Nhưng hóa ra là ông vẫn thiếu một đôi dép xăng đan. Tôi chỉ biết điều đó khi tôi vô tình đi mua một đôi dép xăng đan mới cho mình. Đôi dép cũ vẫn còn lành lặn, chỉ hơi xước một chút da ở mũi dép tôi cho vào túi định vứt đi. Ngờ đâu, ông nhìn thấy, vội níu lấy tay tôi: “Ôi mừng quá, cháu để lại đôi dép này ông đi cho. Ra biển mà có đôi dép này thì nhất rồi”.

Lúc này, tôi mới thấy mình vô tâm không nhận ra ông tôi chỉ toàn đi giầy. Đúng hơn là ông toàn đi giày thể thao của tôi thải ra. Chân tôi và chân ông vốn cùng một số đo, nên ông đi giày của tôi rất vừa vặn. Tôi cũng đã từng đề nghị mua cho ông giày mới nhưng ông cũng không đồng ý. Ông bảo ông thích đi giày cũ vì nó mềm chân. Bây giờ, khi ông sắp đi biển, tôi cũng chẳng nghĩ ra là ông không thể đi giày thể thao ra biển được.  

Bộ đồ bơi mới của ông - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trưa đó, tôi đề nghị giúp ông sắp xếp hành lý để đi biển. Tôi nhìn vào chiếc túi du lịch của ông, bên trong đựng mấy bộ quần áo, vài cái quần soóc nhưng lại không có bộ đồ bơi. À là vì tôi chưa bỏ đi bộ đồ bơi nào nên… ông làm gì có đồ bơi. 

- Ông ơi, ông không mang đồ bơi đi thì bơi như thế nào? tôi hỏi.

- À, không cần, ông mặc quần soóc, cởi trần bơi cũng được. Ngày trước ông cũng toàn mặc như vậy mà bơi ngang sông Hồng.

- Thời đó là thời ông trẻ, và cũng xa xưa rồi. Bây giờ không ai mặc quần soóc đi bơi cả.

Thế là mặc cho ông từ chối, tôi vẫn quyết định đèo ông đi mua đồ cho chuyến đi biển.

Ra cửa hàng đồ bơi, tôi nhờ cô bán hàng chọn cho ông tôi một bộ quần áo bơi dài tay (vì tôi sợ ông ra biển bơi sẽ lạnh, nhỡ khi lại bị cảm), mũ, kính bơi. Ông cứ nằng nặc bảo làm vậy phí lắm, ông chỉ dùng có mấy ngày thôi rồi về bỏ đó. Rồi ông bảo cần thì ông ở trong khách sạn chứ không ra biển bơi nữa là được.

Nhìn ông vậy, tôi lại thấy thật thương ông. Chung quy cũng chỉ là ông tôi sợ tốn tiền của con cháu. Để ông yên tâm, tôi cười, bảo ông: 

- Vậy, cháu có giải pháp như thế này. Mọi lần, ông vẫn hay mặc thừa đồ của cháu. Vậy lần này, ông để cháu được dùng đồ thừa của ông. Ông cứ an tâm mang đồ bơi đi biển, sau này nếu cần đi bơi, cháu lại dùng đồ của ông được không nào. 

Nghe đến đây, ông tôi mới đồng ý. Ông còn cam đoan với tôi là ông sẽ giữ cho bộ đồ cẩn thận để tôi sau này còn có cái mà dùng.

Mấy ngày sau, ông tôi đi biển. Trong bức ảnh gửi về, ông mặc bộ đồ bơi, đội mũ, đeo kính thật là… ngầu. Dưới chân ông vẫn đi đôi dép xăng đan cũ của tôi vì tôi nói thế nào ông cũng không đồng ý tôi mua dép mới cho ông. Nhưng thôi thì tôi cũng đã vui rồi. Ít nhất là tôi cũng đã có cơ hội để mua tặng ông bộ đồ mới. Gần hết cuộc đời, chẳng mấy khi ông tôi có đồ mới để mặc.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.