Bố dượng tôi

Chia sẻ

Khi tôi lên năm tuổi, cái tuổi còn ngơ ngác thì mẹ và bố dượng đã nắm tay nhau cùng sắp xếp lại gia đình. Bởi vì tôi là người mà mẹ tôi yêu quý nhất, bà coi tôi như viên ngọc quý của mình và cuộc tái hôn của mẹ tôi đương nhiên đưa tôi đến bên bà.

Vì vậy, tôi rời căn nhà thân thuộc của mình đến một ngôi nhà xa lạ, sống cùng với một người đàn ông xa lạ. Lúc đầu, tôi cảm thấy không thoải mái với những gì đã xảy ra, trong lòng vẫn nghĩ về ngôi nhà cũ của mình. Nhất là khi nhìn thấy người đàn ông xa lạ trước mặt, tôi không thể tỏ ra phản cảm nhưng cũng hoàn toàn không có chút vui mừng nào cả.

Một hôm, mẹ tôi ôm tôi vào lòng và ân cần nói: "Dĩnh à, chú này yêu con biết bao nhiêu, sau này chú ấy sẽ là bố mới của con". Mẹ yêu cầu tôi gọi ông ấy là bố, tôi toài ra khỏi mẹ và dõng dạc trả lời: "Con đã có bố, vậy tại sao lại phải gọi ông ấy là bố?". Mẹ không trách khi nghe tôi nói, trong thâm tâm bà biết rất rõ những thay đổi trong hôn nhân của cha mẹ thì chính con là người bị tổn thương nhiều nhất. Trong lòng tôi trước sau vẫn không thể hiểu, giữa cha mẹ tôi không thấy có gì là mâu thuẫn, sao lại đường ai nấy đi mà không quan tâm đến tình cảm của tôi? Người đàn ông do mẹ tôi chọn có đáng tin cậy không? Liệu ông ta có bắt nạt mẹ mình không? Lúc nhỏ, dù trong đầu tôi có rất nhiều suy nghĩ nhưng vô luận thế nào cũng không thể hiểu được tâm sự của bố mẹ. Tóm lại, trong lòng tôi cực lực phản kháng người bố mới mà mẹ tôi đã tìm cho tôi.

Bố dượng nhiều hơn mẹ tôi sáu tuổi, là con một, bố mẹ mất sớm. Khi bố dượng 23 tuổi, mẹ ông qua đời vì bạo bệnh. Hai năm sau, bố ông không may bị nhồi máu não nằm liệt trên giường, bố dượng đang học đại học phải buông bút, bỏ dở việc học về quê chăm sóc bố. Bất ngờ, người bố dượng trở thành người con có hiếu trong làng, việc làm của ông cũng được tuyên truyền trên đài truyền hình huyện, gây xôn xao dư luận. Năm năm sau, tấm lòng hiếu thảo của người con cũng không giữ được sinh mạng của người cha, ông đã lên thiên đường, đem theo tình yêu của mình dành cho con trai. Lúc đó, khi bố dượng đã đến tuổi “nhi lập” nhưng vẫn chưa có gia đình. Sau này, mẹ tôi hỏi ông vì sao trong suốt bấy nhiêu năm không tìm được bạn gái thì ông đáp rằng vì không muốn làm khổ lụy con gái nhà người ta.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Tôi vốn dĩ đã có một ngôi nhà hạnh phúc. Bố là lái xe taxi, mẹ làm ở một siêu thị, từ khi sinh ra tôi, bố không cho mẹ đi làm nữa. Sau này, bố tôi thấy lái xe taxi không kiếm được nhiều tiền nên chuyển hướng đi lái xe tải nặng, mỗi chuyến xe thường đi mất nửa tháng, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Lúc đầu, tiền lương hàng tháng của bố giao hết cho mẹ, về sau lương bố đưa giảm dần, mẹ hỏi lý do thì ông ngập ngừng, trả lời qua loa cho xong chuyện. Mẹ tôi thấy chuyện có vẻ lạ nên hỏi bà nội, bà nội nghe chuyện thì không an ủi mẹ mà còn bênh vực con trai. Khi nghe giọng nói mơ hồ, khó tin thì mẹ tôi càng hoang mang, nghi hoặc. Thế là, mẹ tôi đã âm thầm nghe ngóng khắp mọi nơi về tình hình của bố tôi. Thì ra, bố tôi có bồ bên ngoài. Cái tin như tiếng sét ngang tai ấy làm mẹ tôi buồn lắm. Dẫu biết rằng, trong xã hội có rất nhiều người đàn ông không đáng tin cậy, nhưng mẹ tôi không ngờ người đàn ông của chính mình cũng sẽ như thế. Càng nghiêm trọng hơn là bố tôi đã có một bé trai với người phụ nữ đó, đây là lý do tại sao bà nội lại bảo vệ bố. Trong mắt bà nội, tôi chỉ là một đứa cháu gái, bà tôi luôn tâm tưởng một đứa cháu trai nên bố tôi đã chiều theo ý bà để gia đình tiếp tục có người nối dõi, hương khói. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong chuyện này, mẹ tôi đã bị lừa bởi cả gia đình chồng. Sau khi biết chuyện, mẹ tôi đã không vội đi tìm bố để làm rõ, mà đợi bố tôi về.

Nửa tháng sau, bố trở về nhà như thường lệ. Mẹ không nhịn được nữa, cơn tức giận trong lòng bùng lên tức thì, gầm lên với bố, tát bố một cái nổ đom đóm mắt. Bố đứng đó ngây ngốc, bất động, để mẹ trút căm giận. Chờ mẹ tôi đã quá mệt mỏi và khóc lóc đủ điều, bố tôi quỳ xuống cầu xin mẹ tôi duy trì cuộc hôn nhân. Mẹ tôi đã thẳng thừng cự tuyệt yêu cầu của bố.

Mẹ tôi tủi thân, một đêm muộn, bà một mình chạy ra con sông nhỏ sau làng và khóc òa lên, vừa lúc người bố dượng nhà ở làng bên đi ngang qua nhìn thấy. Ông thuyết phục mẹ tôi đừng nản lòng, hãy sống mạnh mẽ vì con, biết đâu sẽ gặp được một người bạn tri âm để gắn bó cả đời. Từ đó họ lưu lại số điện thoại di động của nhau. Mẹ thường đau khổ nói chuyện với bố dượng, thời gian trôi qua mẹ tôi cảm thấy ông là người có thể nương tựa, nhược điểm duy nhất là gia cảnh của bố dượng quá nghèo. Bà ngoại tôi khuyên mẹ tôi rằng, ừ, người ta nghèo một chút cũng không sao, miễn là tâm không quanh co, mắt luôn nhìn thẳng là được. Thế là, mẹ tôi ly hôn với bố tôi và kết hôn với bố dượng tôi. Cưới xong, ông theo mẹ khắp nơi và kết tinh của tình yêu của họ vào năm thứ hai là đứa em gái nhỏ của tôi ra đời. Từ đó, gia đình có thêm nhiều niềm vui, tôi không còn cô đơn nữa mà rất vui khi được chơi với em gái mỗi ngày.

Ngày qua ngày, hai chị em tôi cùng nhau lớn lên. Có lần em gái tôi tinh ý, tò mò hỏi tôi tại sao tôi không bao giờ gọi bố dượng là “bố”, mặt tôi bất giác đỏ bừng và nói câu gì đó cho qua chuyện.

Nghĩ đến chuyện đã qua, tôi cũng cảm thấy mình có hơi quá đáng, bố dượng tuy là người bình thường nhưng có thể đem lại an toàn và làm chỗ dựa cho cả nhà. Ông chưa bao giờ đánh đập, mắng mỏ và rất ủng hộ tôi trong học tập. Tôi đặc biệt cảm động vì từ cấp 1 đến cấp 2, dù trời lạnh giá hay nắng nóng, bố dượng đều đưa đón tôi đi học. Tôi chỉ ngồi trên xe của ông nhưng vẫn không gọi ông là bố, vì việc này, mẹ tôi nhiều lần mắng tôi, bảo rằng tôi kém hiểu biết. Còn tôi thì ngược lại, mẹ càng ép tôi gọi ông ấy là bố thì tôi lại càng không thể thốt nên lời. Bố dượng nói với mẹ tôi, đừng ép con, chỉ cần con vui, còn có gọi bố hay không cũng không sao.

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tôi nộp đơn vào trường trung học trọng điểm của quận. Ngày niêm yết danh sách, tôi cùng em gái đến xem, đột nhiên tôi thấy trước mặt có một bóng người quen thuộc, trang phục giản dị, tóc muối tiêu, sau tai có một vết sẹo. “Bố!” Tôi và em gái đồng thời hét lên, người đàn ông nhanh chóng quay mặt lại, nhìn tôi bằng đôi mắt nhòe ướt, tôi sững sờ một lúc rồi tự hỏi trong lòng, tôi đã gọi bố rồi, thật sự có phải tôi đã gọi bố rồi không? Cô em gái từ bên cạnh vui mừng hét lên: Chị đã gọi bố rồi nhé! Lúc đó, tôi xấu hổ cúi đầu xuống. Cái gọi là lòng tự trọng bao nhiêu năm qua thế là bị chính mình vô ý phá vỡ.

Em gái tôi một tay ôm bố và tay kia ôm tôi. Ba chúng tôi, bố và con gái, cùng tìm kiếm tên tôi trên bảng danh sách đỏ. Vừa tìm thấy, bố dượng hào hứng chỉ vào tên tôi, em tôi mừng rỡ nhảy cẫng lên: “Chị gái tôi trúng tuyển vào trường cấp 3 trọng điểm rồi”. Về nhà, em tôi lập tức háo hức kể cho mẹ tôi nghe chuyện xem bảng đỏ, mẹ tôi cũng xúc động để rơi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Khi học năm thứ hai trung học, tôi sơ ý bị tai nạn ô tô trên đường đi học. Rất may là tôi không bị thương cơ và xương, chân trái bị rách một vết rộng 7cm, mất rất nhiều máu. Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ yêu cầu tiếp máu, bố dượng lo lắng về nguồn cung cấp máu trong bệnh viện không bảo đảm an toàn và nhất quyết muốn tiếp máu của chính mình. Ông nói: "Tôi và con gái đều có nhóm máu A và sức khỏe của tôi rất tuyệt vời, vì vậy xin đừng lo lắng"... Bác sĩ thấy bố dượng cương quyết, thành khẩn nên đã thực hiện theo ý muốn của ông. Tôi nằm trên giường bệnh, nhìn túi máu đỏ tươi, từng giọt, từng giọt một truyền vào huyết quản của mình, trong lòng cảm thấy hạnh phúc vô cùng, ấm áp vô cùng. Từ đó về sau không chỉ có dòng máu của cha mẹ chảy trong cơ thể tôi, mà còn có cả dòng máu của bố dượng.

Những nỗ lực trong ba năm trung học vất vả không phải là vô ích, tôi đã được nhận vào một trường đại học mà tôi đã chọn như mong muốn. Đối mặt với bản thông báo vàng trúng tuyển đại học, tôi không quá phấn khởi, vì tôi biết khó khăn của gia đình và muốn từ bỏ lý tưởng, đi làm để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ và tập trung vào việc học hành cho em gái. Bố dượng biết điều tôi đang suy nghĩ, ông nói: "Con người không được nản lòng khi gặp khó khăn, phải tìm cách vượt qua và giải quyết, không được né tránh", bố dượng nói rất nhẹ nhàng nhưng làm tôi rất cảm động. Ông muốn tôi ngừng suy nghĩ linh tinh và tập trung tinh thần, sức lực vào việc học đại học, ông đã giải quyết vấn đề học phí cho tôi thông qua nguồn vốn từ người thân, bạn bè và vay ngân hàng. Tôi thầm hạ quyết tâm nhất định sẽ không phụ lòng mong mỏi của mọi người, chăm chỉ học hành và đền đáp công lao cho gia đình.

Khi tôi vừa vào đại học, kết thúc khóa huấn luyện quân sự thì mẹ tôi đã gọi điện cho tôi, nói rằng để kiếm thêm tiền, bố dượng đã đi làm ăn ở nơi khác xa nhà. Ông không có nhà, sợ mẹ không được khỏe nên đã cho người ta thầu lại 6 sào ruộng.

Thời gian trôi nhanh, tôi đã kết thúc thành công cuộc sống bốn năm đại học của mình. Trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe, tôi được nhận vào một công ty niêm yết cổ phiếu với mức lương hàng năm là 70.000 nhân dân tệ, cộng với các khoản tiền thưởng, thu nhập có thể đến gần 100.000 nhân dân tệ. Trong khi cả nhà mừng cho tôi thì bố dượng tôi bị nhồi máu não do làm việc quá sức, thể chất không thuận lợi, nói năng mơ hồ không rõ ràng. Gia đình tôi không thể sống thiếu bố dượng và cố gắng làm mọi cách có thể để chữa khỏi bệnh cho ông. Bây giờ tôi đã có điều kiện kinh tế, sau khi bàn bạc với bạn trai, tôi đã đưa bố dượng về bên chúng tôi để chữa bệnh. Chúng tôi thống nhất thuê nhà ở gần công ty, đón bố dượng, thuê người giúp việc chăm sóc, tôi và bạn trai đưa ông đi điều trị hàng ngày, công sức đã được đền đáp. Hơn ba tháng làm việc chăm chỉ, bố dượng đi lại không cần phải có người giúp đỡ, nói năng mạch lạc, rõ ràng. Sau khi công ty biết chuyện của gia đình tôi, họ đã sắp xếp cho một cán bộ công đoàn mang quà đến thăm bố dượng khiến ông rất cảm động, nắm chặt tay người cán bộ Công đoàn mãi không buông, miệng liên tục nói lời cảm ơn.

Bố dượng thấy sức khỏe chuyển biến rõ rệt nên muốn về nhà để chăm sóc mẹ và em gái, cũng để khỏi ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi. Ông cho biết sau khi sức khỏe hoàn toàn bình phục sẽ ra ngoài làm việc, con người ta còn sống sẽ còn phải vận động. Chúng tôi lặng lẽ lắng nghe bố dượng nói và không làm gián đoạn dòng suy nghĩ của ông bởi vì ông đang trong thời gian hồi phục và tâm trạng thư thái rất là quan trọng. Vì vậy chúng tôi cố gắng thuận theo lời nói của ông nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã sớm lập sẵn những dự định cho tương lai của bố mẹ: Hiện tại, em gái tôi đang học năm thứ nhất cấp 3, học lực cũng không tệ, chờ sau khi trúng tuyển đại học sẽ đưa bố mẹ về sống hạnh phúc với mình, bởi vì hạnh phúc của tôi gắn liền với cuộc sống cùng bố mẹ.

THU NGUYỆT VÔ HẠN (Trung Quốc)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.