“Bố không biết, con tự tìm hiểu nhé”

Chia sẻ

Hồi nhỏ, tôi vẫn thường nghĩ bố mình không “học cao biết rộng”, dù bố làm tới chức trưởng phòng của cơ quan hẳn hoi. Bởi vì khi tôi có bài tập khó cần nhờ hỗ trợ, bố thường nói: “Bố không biết, con tự tìm hiểu nhé”.

Tôi vẫn ước giá như bố, mẹ mình là giáo viên, vì với tôi, giáo viên sẽ biết tất cả mọi thứ trên đời. Có bố mẹ làm giáo viên tức là có thầy cô giáo ở cùng nhà. Và thế là, những đưa trẻ sẽ chẳng bao giờ phải khổ sở khi gặp một bài toán, bài văn mà chẳng biết cách làm như thế nào. Chỉ cần mang vở sang hỏi “thầy giáo bố mẹ” là được giải đáp trong vòng 1 nốt nhạc.

Tiếc rằng, bố tôi lại là một kỹ sư về nông học. Nghe kể lại, bố cũng từng thi vào trường sư phạm, nhưng sau đó lại chọn đi theo ngành nông học. Mà nông học thì chẳng giúp ích được gì cho tôi vì chương trình học ở trường chẳng có môn này. Sau mấy lần hỏi bài bố rồi bị từ chối, tôi tin rằng, bố không còn nhớ gì kiến thức được học khi còn nhỏ. Dần dần tôi không hỏi bố nữa và luôn tự tìm cách giải quyết một mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày tôi còn nhỏ, internet chưa phát triển như bây giờ. Vì vậy, gặp bài khó, tôi phải đọc đi đọc lại lý thuyết tới mức nhuần nhuyễn, rồi còn tìm đọc thêm nhiều cuốn sách khác về chủ đề đó. Có hôm, tôi phải ngồi hàng tiếng đồng hồ, làm đi làm lại mới tìm ra lời giải. Nếu làm mãi mà vẫn không được, tôi hỏi bạn bè. Các bạn không trả lời được thì tôi lại gặp thầy cô giáo ở trường nhờ giúp đỡ. Tôi nhận ra, cứ sau mỗi bài toán khó mà mình tự tìm được lời giải, tôi sẽ nhớ rất lâu. Những lần sau, gặp tình huống tương tự, tôi có thể giải rất nhanh chóng.

Dần dần, tôi bắt đầu hình thành thói quen tự học, tự tìm hiểu, tự khám phá. Từ một bài học ở sách giáo khoa, tôi có thể tìm thêm cả chuỗi kiến thức mới. Chẳng hạn, khi học về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938, tôi tự tìm đọc về Ngô Quyền, về sông Bạch Đằng, về Nam Hán thời kỳ đó… Càng đọc, tôi lại càng thấy kiến thức thật bao la và có vô vàn điều tôi chưa biết hết. Học về Vật lý, tôi tò mò tự hỏi vậy kiến thức đó sẽ ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. Một chiếc xe đạp, cái ròng rọc được làm ra và vận hành được là dựa trên kiến thức vật lý nào? Rồi tôi tìm đọc về các nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, tìm hiểu về cuộc đời, cách họ tư duy và những đóng góp của họ.

Cho tới khi lớn khôn, tôi đã khám phá rằng không phải bố không đủ trình độ để giúp tôi giải bài toán khó. Bố tôi nói không biết là để dạy cho tôi kỹ năng tự tìm cách giải quyết khó khăn thay vì cứ trông chờ, ỷ lại vào người khác. Chỉ khi nào đã cố gắng lắm mà không tìm được lời giải thì mới nhờ người khác hỗ trợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến giờ khi đã là mẹ của hai cô con gái đang ở tuổi học tiểu học, tôi lại dùng phương pháp đó của bố để dạy lại các con. Thời gian đầu mới đi học, tôi để ý hai đứa trẻ hễ gặp bài khó là tìm tôi để nhờ giải hộ. Tôi luôn nói các con hãy suy nghĩ trước, tìm mọi cách giải quyết trước, tới lúc nào thực sự không thể làm được thì mới tìm tới tôi. Tôi đưa con đi mua sách tham khảo, hỗ trợ con tra cứu thông tin trên mạng internet rồi để con tự đọc, tự tìm hiểu, tự rút ra kết luận cho mình. Lúc đầu việc tự học này thật khó khăn, bọn trẻ kêu mệt mỏi, ngại đọc. Sau đó, chúng đã thích nghi dần. Có những bài toán, con gái lớn của tôi lên giường đi ngủ rồi còn bật dậy làm khi trong đầu lóe ra manh mối. Lúc giải được thì cháu tỏ ra hạnh phúc lắm. Còn con gái bé mới 7 tuổi đã biết đọc bách khoa thư bằng tranh, nhiều khái niệm được học trong sách, cháu đã tự giở từ điển để tra cứu thêm. Cô giáo của hai cháu ở lớp thường khen hai con gái tôi chững chạc, làm gì cũng chắc chắn và biết nhiều kiến thức vượt tuổi.

Tôi cũng rất vui và luôn thầm cảm ơn bố đã giúp tôi và truyền lại cho tôi cách rèn con đúng.

TRẦN NGỌC HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.