Bố ơi con đã sai
(PNTĐ) - Đã hơn một năm nay từ ngày vợ mất, ông Thắng nom già hẳn đi. Đôi mắt trũng xuống không còn tinh nhanh hóm hỉnh như trước nữa. Đôi vai gầy như còng hơn.
Vợ ông, bà Hoa ngày trước là một cô giáo làng đẹp người, đẹp nết đã chờ ông 5 năm đi bộ đội. Họ đã sống với nhau cái thời bao cấp thiếu thốn nhưng rất hạnh phúc. Hai đứa con ông giờ cũng trưởng thành và yên bề gia thất. Nghe đâu thằng Lợi con trai cả làm giám đốc ở một công ty liên doanh với nước ngoài. Con gái dạy học và cũng có nhà cửa đàng hoàng ở Hà Nội.
Thi thoảng một tháng đôi lần có chiếc ôtô màu đen sang trọng đỗ ở trước cửa nhà ông, đó là xe của thằng Lợi về thăm bố. Hai anh em nó bàn đưa bố ra Hà Nội để bố vui với con cháu và cũng tiện việc chăm bố. Nhưng ông Thắng từ chối vì muốn ở nhà lo hương khói cho người vợ và vì quen cảnh nhà quê rộng rãi.
Hai anh em ra về, ngoái nhìn cái bóng gầy của bố đang vẫy tay trong bóng chiều hưu hắt mà nẫu cả ruột gan. Cô Hà, con gái út giơ tay quệt ngang dòng nước mắt...
Hôm nay Chủ nhật sau ngày giỗ mẹ một tháng, hai anh em lại về thăm bố. Lần này chúng bàn mang chân nhang của mẹ về thờ và đón bố về Hà Nội, vì chúng bận công việc lắm không có thời gian về thăm bố.
Từ xa đã thấy cánh cửa nhà mở rộng hết cỡ. Tiếng cười nói oang oang của mấy ông bạn già cựu chiến binh của bố đang đánh cờ trên chiếc bàn nhỏ kê giữa sân. Hình như các ông mang đến mỗi người một thứ: Vài củ khoai, đĩa lạc non luộc, cái bánh đa… vui đáo để. Thằng Lợi xà vào bàn:
- Con chào các cụ ạ, cho con góp vui với ạ?
Một lúc sau thấy một bà khoảng chừng ngót nghét 60 tuổi gì đó, người gọn gàng trông còn phảng phất nét đẹp của thời con gái. Bà bưng lên một ấm trà và một đĩa lạc rang, các ông đón lấy cười rôm rả. Bà nhìn thấy anh em thằng Lợi mà đôi má đỏ bừng, không biết vì ngượng hay vì vừa vào bếp nữa..
Cô Hà nhanh nhảu:
- Con chào bà ạ.
- Ừ bà chào các con
Anh em thằng Lợi mang đồ ăn về, bà Phương cùng Hà vào bếp đãi bố và mấy ông bạn già bữa trưa ra trò.
Cơm xong ông Hiếu già nhất kéo Lợi xuống chiếc võng đầu hồi nhà tâm sự:
- Hồi này anh có thấy bố anh khác không?
- Dạ cháu thấy bố cháu khỏe hẳn ra ạ mà có vẻ lanh lợi hơn trước.
- Đúng rồi tự bà ấy đấy. Bà Phương ở cuối làng, ngày xưa là gái thanh niên xung phong, đẹp và nết na có tiếng đấy. Giải phóng xong cùng đồng đội về nông trường chè lập nghiệp. Mấy trăm cô gái xấp xỉ 30 rồi, ai cũng mong có một mái ấm gia đình và vài mụn con để trông cậy lúc tuổi già. Nhưng khốn nỗi cả nông trường chỉ có ba mống đàn ông. Một ông giám đốc đã có vợ con, vợ xinh như hoa hậu ấy còn phó giám đốc và kế toán thì bằng tuổi cháu.
Thế là chị em đành để tuổi xuân trôi đi trên nông trường heo hút ấy. Ngoài 50 đến tuổi về hưu bà ấy về ở trên ngôi nhà của bố mẹ để hương khói. Bà ấy vui tính chăm chỉ và hay giúp đỡ người lắm. Từ ngày sinh hoạt câu lạc bộ cựu chiến binh với các bác nghe chừng hợp lý hợp tình với bố cháu lắm, thôi các cháu xem vun vén cho bố cháu để ông ấy có người bầu bạn sống nốt tuổi già.
Lợi cũng vâng dạ cho qua chuyện.
Buổi chiều về qua cổng làng, Lợi đem câu chuyện lúc trưa nói với em gái. Cô giãy nảy lên:
- Trời ạ, già rồi còn vợ con gì. Lỡ bà ấy ốm đau lại thêm một gánh nặng cho anh em mình à? Thôi tháng sau anh em mình về triệu cụ lên là xong.
Một tháng sau vào chủ nhật hai anh em lại về quê. Vẫn như lần trước, cánh cổng nhà bố đang mở rộng. Tiếng cười nói như pháo rang của các cụ đang nhâm nhi rượu và bình thơ. Bà Phương vẫn đang lúi húi dưới bếp đun nước. Con Hà vào nói thầm vào tai bố, bố chuẩn bị đồ đi chiều nay chúng con đưa bố đi Hà Nội. Ông Thắng sững người, nụ cười trên môi khép lại. Và bỗng nghe tiếng choang như tiếng cốc rơi.
Con Hà vội chạy xuống bếp, nó thấy bà Phương đang đứng như trời trồng, dưới chân bà chiếc lọ sơn mài bằng gỗ lăn long lốc. Mấy bông hoa rơi tung toé.
Nó hét lên:
- Cô làm gì vậy? Ai cho cô động vào chiếc lọ hoa của mẹ cháu?
Bà Phương lắp bắp
- Cô xin lỗi, cô không cố ý.
Rồi bà vội vàng ngồi sụp xuống nhặt vội chiếc lọ lên. Nhưng dường như tay chân không làm theo ý bà. Chiếc lọ hoa lại lăn thêm một vòng nữa.
Con Hà lao vào, nó gạt bà ra. Cái gạt tay của nó khá mạnh khiến bà Phương ngồi sệt xuống đất. Nó lao vào nhặt lấy chiếc lọ hoa vội vàng lau thật sạch và ôm vào lòng. Rồi nó khóc. Đầu tiên chỉ là tiếng sụt sịt nho nhỏ, nhưng khi bà Phương cuống quýt xin lỗi thì nó lại còn khóc to hơn. Bà Phương trân trối nhìn nó. Bà cảm thấy thật sự bất lực. Thế rồi bà cũng rơm rớm nước mắt, bà lên nhà xin phép mọi người rồi ra về.
Con Hà khóc một lúc rồi nín bặt. Nó cẩn thận lau chùi chiếc lọ và đặt lên bàn. Chiếc lọ hoa đó là một kỉ vật của mẹ nó. Đó là món quà ông Thắng mua tặng mẹ nó vào cái ngày ông đi công tác ở miền Nam về. Khi còn sống, mẹ nó qúy cái lọ hoa đó lắm, lúc nào cũng lau chùi cho sáng bóng lên. Vậy mà hôm nay có một người đàn bà xa lạ dám động vào kỉ vật thiêng liêng ấy. Nó ức lắm. Nó nói với ông Thắng trong nước mắt.
- Bố, sao bố lại để bà ấy động vào đồ của mẹ con. Bố quên mẹ rồi sao?
Ông Thắng không trả lời nó, ông chỉ lặng lẽ vào giường nằm.
Thế là buổi chiều hai anh em thằng Lợi đón được bố đi.
Cánh cổng khoá hai lần như khoá lại cả tiếng cười của mấy ông bạn già trong đó.
Hàng ngày Lợi đi làm từ 6 giờ sáng, hai đứa cháu học trường quốc tế gì mà cả tuần mới về nhà. Ông như lạc lõng trong ngôi nhà với những tiện nghi đắt tiền mà quê ông không có. Không biết làm gì, cái tivi nhà nó mở cũng phải mấy cái điều khiển mới lên, ông chịu. Trưa đến lấy gói mỳ và đồ ăn sẵn con dâu dặn ra ăn, bếp nhà nó ông cũng chẳng biết dùng. Tối đến vợ chồng nó về ăn cơm tối xong, thằng Lợi hướng dẫn bố mở tivi xong lại vào phòng ngồi làm việc. Con dâu lại đi tập nhảy van viếc gì đó. Ông ngồi một lúc mỏi mắt rồi đi nằm.
Thằng Lợi ngó qua phòng bố thấy đóng cửa yên trí tưởng bố đi ngủ sớm cho khoẻ.
Ngủ sao được, ông mong có người nói chuyện, con nó bận thế có ai tiếp chuyện ông đâu.
Ông nằm nhớ mấy ông bạn già và nhớ cái bà đun nước pha trà có giọng nói rất dịu dàng ấy. Định lấy điện thoại ra gọi nhưng chợt nhớ con đang ở nhà. Ông đành cất điện thoại vào túi, nằm mãi nằm mãi rồi cũng thiếp đi.
Nửa tháng sau con gái sang thăm, nhà anh mình đầy đủ tiện nghi, những đĩa táo Mỹ, nho Mỹ để héo trên bàn không có người ăn, nhưng mà sao trông bố gầy hẳn đi thế nhỉ? Ông cụ hớn hở ra đón bỗng loạng choạng vấp cái ghế ngã xuống, mặt đỏ bừng. Hà gọi điện cho anh đưa bố đi cấp cứu.
Huyết áp 220/170, một chân tê dại, bác sĩ nói ông bị tai biến nhẹ. Ông nằm viện hai tuần đúng lúc con trai đi nước ngoài ký một hợp đồng làm ăn gì đó. Ở với ông hai ngày, nó đưa cho vợ một sấp tiền nói ở nhà chăm bố rồi đi. Con Hà chăm bố được một tuần rồi cũng bận việc cuối năm. Anh em nó bàn nhau thuê người chăm bố. Cuối tuần sau sức khỏe ông đã khá hơn, huyết áp ổn định. Nghe đâu ngày mai cánh bạn già lên thăm, ông vui vẻ hẳn lên. Trong đám bạn già, mỗi người một tý quà quê và đặc biệt có cả bà Phương với túi cam tươi rói chắc mới hái ở vườn nhà.
Lợi đứng từ xa ngắm bố và mấy ông bạn cựu chiến binh vui vẻ tranh nhau nói trông các cụ trẻ trung như ngày còn đi lính ấy. Bà Phương đang bóc cam cho bố ăn từng múi một. Đôi mắt ông vui lạ thường.
Lợi chợt nghĩ có lẽ mình đã sai, các cụ thường nói con chăm cha không bằng bà chăm ông. Bố đâu cần những sơn hào hải vị, đâu cần đi du lịch ở chốn đông người đắt đỏ, mà bố cần một bàn tay nâng niu lúc ốm đau, một người bầu bạn sớm tối. Điều đó dẫu tiền nhiều cũng không mua được. Mải nghĩ anh không nhận ra cô em gái đã đứng sau lưng từ lúc nào. Con Hà cũng đang ngây người nhìn cảnh bố nó vui vẻ giữa những người bạn cùng quê. Mắt nó rơm rớm.
Lợi vẫy cô em gái ra góc hành lang anh nói:
- Sau đợt ốm này mình chăm cho bố khoẻ lại và đưa bố về quê thôi, anh em mình sai rồi em ạ.
Con Hà gật đầu, rồi hai anh em nó cùng nhìn vào bên trong phòng bệnh nơi vẫn vang lên tiếng cười đùa của những người bạn già. Chúng đều muốn nói với bố:
- Bố ơi chúng con xin lỗi bố, chúng con đã sai rồi bố ạ!