Bố tôi đi... mua kem 30 năm mới về

THÁI THỊ THU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tuy nhiên, tôi nhớ quãng thời gian chúng tôi sống an nhàn ấy chẳng kéo dài. Một ngày, tự nhiên tôi thấy bố tôi đi cả đêm không về. Mẹ tôi thì cứ khóc sụt sùi, chẳng thiết cơm nước. Chúng tôi hỏi mãi, lúc đầu mẹ không nói. Sau thì mẹ bảo là bố tôi đang đi mua kem cho chúng tôi chưa về.

Tối hôm đó, tôi rủ em gái ra ngoài nói chuyện. Tôi bảo em: “Mai em sắp xếp vào thăm bố. Ông ấy ở trong viện cũng một tuần rồi, lỡ ra có chuyện gì thì lại ân hận”.

Ban đầu, em tôi còn thủng thẳng đáp: “Em chả ân hận. Từ lâu, em đã không có bố rồi. Tự nhiên hết đời người thì ông ý lại trở về. Giá mà ông ý cứ đi mãi thì có tốt hơn không?”.

Tôi nắm lấy tay em, thuyết phục: “Thôi em ạ. Dù sao cũng là một giọt máu đào. Hơn thế, mẹ cũng muốn chị em mình trông nom bố. Chị cũng như em, đã làm sao mà xóa hết được vết thương lòng”.

Bố tôi  đi... mua kem 30 năm mới về - ảnh 1
Ảnh minh họa

Em gái tôi không nói nữa, nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài của em. Hôm sau, khi tôi đang ở trong viện thì em bỗng vào. “Thôi được, tối nay chị cứ về nhà với các cháu. Việc ở viện chị để em lo. Không vào đây thì người ta lại bảo mình bất hiếu…”.

Tôi không phải muốn em làm điều gì đó cho người mà hai chị em tôi đều gọi là bố đang nằm mê man trên giường bệnh kia chỉ vì sợ điều tiếng thế gian. Nhưng, tôi không trách em…

Ngược trở lại thời gian 30 năm trước, khi đó, cả hai chị em tôi đều còn nhỏ dại. Chúng tôi đã có một gia đình đủ đầy với cả bố và mẹ. Tôi không nhớ bố tôi làm nghề gì, chỉ biết hình như ông kiếm tiền rất giỏi. Mẹ tôi thì chỉ ở nhà chăm sóc hai chị em tôi, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước đón bố tối trở về nhà mỗi ngày. Khi cả làng tôi còn ăn chưa no, thì nhà tôi đã có tivi đen trắng. Chẳng thế mà mẹ tôi tôn sùng bố lắm. Bà không bao giờ cãi lại ông, còn dặn chúng tôi phải ngoan ngoãn, biết ơn vì nhờ có bố chúng tôi mới có được cuộc sống sung túc.

Tuy nhiên, tôi nhớ quãng thời gian chúng tôi sống an nhàn ấy chẳng kéo dài. Một ngày, tự nhiên tôi thấy bố tôi đi cả đêm không về. Mẹ tôi thì cứ khóc sụt sùi, chẳng thiết cơm nước. Chúng tôi hỏi mãi, lúc đầu mẹ không nói. Sau thì mẹ bảo là bố tôi đang đi mua kem cho chúng tôi chưa về.

Chúng tôi thì chỉ biết chờ đợi, ngày nào cũng ngóng và ngày nào cũng thấy đến tối là mẹ khóa cửa, giục chúng tôi lên giường đi ngủ. Có lần sốt ruột quá, tôi căn vặn thì mẹ trả lời: “Cửa hàng kem ở xa, bố đi mua kem chưa về được ngay”. Chúng tôi càng háo hức tò mò, nghĩ tới ngày bố về sẽ xách theo một túi kem to - thứ đồ mà bất cứ đứa trẻ con nào cũng thích ăn. Chắc chắn kem sẽ ngon lắm vì hành trình đi mua kem của bố tôi kéo dài đến thế cơ mà.

Bố tôi  đi... mua kem 30 năm mới về - ảnh 2
Ảnh minh họa

Rồi chúng tôi lớn dần, nỗi nhớ nhung bố cũng nhạt nhòa hơn. Tôi chỉ ngấm việc thiếu vắng bố qua những bữa cơm hàng ngày, ngày càng tối giản. Thay vì ê hề thịt cá, bữa cơm của mẹ con tôi toàn rau với chút thịt nạc. Thường thì mẹ nhường hết thịt cho hai chúng tôi. Tối nào, tôi cũng thấy mẹ xếp chân vòng tròn trên giường, ghi ghi chép chép rồi giở tiền ra đếm. Rồi mẹ thở dài.

Bà ngoại tới nhà đưa cho mẹ tôi một bọc giấy báo. Tôi thấy mẹ nói với bà: “Bà cầm lấy đi, miệng ăn núi lở, chỗ này cũng chỉ đủ cho mấy ngày. Con phải đi làm thôi bà ạ”.

Rồi tôi còn thấy mẹ nhắc đến cái công trường xây dựng gì đó, tôi nghe loáng thoáng là đồng ý nhận mẹ tôi vào làm. Tuy nhiên, mẹ nói sẽ phải đi xa nên mẹ muốn nhờ bà trông chúng tôi giúp mẹ. 

Thế là chúng tôi xách túi về nhà bà ngoại. Em gái tôi vẫn thấp thỏm nhỡ khi bố đi mua kem về thì làm thế nào. Mẹ tôi phải hứa sẽ viết thư để lại dặn dò bố sang bà ngoại tìm chúng tôi.

Từ chỗ có đủ cả bố và mẹ, gia đình tôi tan tác ba nơi. Bố tôi đi mua kem, mẹ đi làm còn chúng tôi thì ở với bà. Đôi tháng, mẹ mới về thăm chúng tôi một lần. Mỗi lần về, tôi lại thấy mẹ gầy hơn, cả gương mặt đen sạm chỉ còn hàm răng cười trắng lóa. Dù bà ngoại yêu thương nhưng chúng tôi luôn thèm khát hơi ấm của mẹ. Tới mức, tiếng gọi mẹ còn thường xuyên đi cả vào giấc mơ của tôi.

Rồi chúng tôi lại lớn dần thêm. Tôi bắt đầu hiểu ra, không có chuyện bố tôi đi mua kem mãi không về. Em gái tôi kể với hàng xóm về bố, họ còn cười trêu bảo bố tôi đi mua kem cho “con tu hú” nên không cần đợi làm gì. Nó ức quá, chạy về nhà ôm lấy tôi khóc không thành tiếng. Chúng tôi có đủ cả bố và mẹ mà có khác nào trẻ mồ côi.

Sự thật được phơi bày hoàn toàn khi cả hai chúng tôi đều vào cấp 3, không còn tin vào bất kỳ lời nói tránh nào của mẹ. Bố tôi đã bỏ ba mẹ con tôi để đi với người phụ nữ khác. Người này đã bỏ chồng, có ba con riêng. Chẳng hiểu bố tôi nghe nói ngon ngọt sao mà mang hết tiền đi theo cô ta, còn nuôi con thiên hạ trong khi con mình dứt ruột đẻ ra thì bỏ rơi. 

Khỏi phải nói chúng tôi đã hận bố thế nào. Từng đó năm ông bỏ đi mà không một lần về thăm chúng tôi, không thực hiện trách nhiệm của  người chồng, người cha. Vì ông ấy mà mẹ con tôi phải khổ sở, mẹ tôi phải lao lực.

Chúng tôi đã bảo nhau phải cố gắng lên. Để lo cho mẹ, tôi đã dừng học sau khi tốt nghiệp THPT để đi làm sớm. May mắn là em tôi học giỏi nên đã thay tôi viết tiếp ước mơ. Nó vào được đại học, sau đó ở lại thành phố, tự mua nhà rồi đón mẹ tôi từ quê lên phụng dưỡng. Tôi đi làm công nhân rồi lấy chồng ở gần nhà em, sinh được hai cô con gái. Cuộc sống của mẹ con tôi vậy là cũng tạm ổn định dù khó khăn vẫn bộn bề.

Tôi đã quên mình có một người bố cho tới khi ông ấy đột ngột trở về. Vợ hờ và con của cô ta đuổi bố tôi ra ngoài đường khi ông đã về hưu, không còn đủ sức kiếm tiền nuôi cho những người đó nữa. Bố tôi tìm về xin lỗi mẹ tôi và mong được đoàn tụ.

Bố tôi  đi... mua kem 30 năm mới về - ảnh 3

Tôi không biết vì sao, mẹ tôi lại đồng ý tha thứ cho ông ấy. Tuy là ông ấy không được sống cùng nhà với mẹ và em gái tôi, nhưng mẹ tôi đã gọi chúng tôi tới, nói rằng cuối cùng thì bố tôi cũng đã đi mua kem trở về. Mẹ và ông ấy không bao giờ là vợ chồng được nữa nhưng ông ấy thì luôn là bố của chúng tôi.

Nhìn người đàn ông gầy gò, bệnh tật, đôi khi còn không minh mẫn mà chúng tôi giận nhiều hơn thương. 30 năm người đàn ông ấy đã bỏ rơi chúng tôi… Giờ, ông ấy lại trở về không phải để bù đắp cho chúng tôi mà ngược lại để được chúng tôi phải chăm sóc, nuôi dưỡng ông ấy. 

Sáng hôm sau, tôi trở lại bệnh viện thay ca cho em gái về. Cách đây 1 tuần, ông ấy bị đột quỵ được chủ nhà trọ phát hiện và đưa đi cấp cứu rồi báo cho mẹ tôi. Mẹ yếu rồi, không vào được viện nên lại gọi chúng tôi tới, mong chúng tôi chăm sóc bố. 

- Em à, đêm qua bố thế nào?

- Vẫn thế chị ạ. Ông ấy nằm đó, như một vật thể vô tri cũng giống như ông ý đã vô hình trong ký ức của em, chị ạ. 

- Thôi em cố gắng, tình cảm rồi sẽ được xây dựng dần dần.

- Khó lắm chị ạ. Em cứ nghĩ đến việc ông ấy đã làm với mẹ và chị em mình mà em giận.
Tôi biết, với người ngoài, thì ông ấy vẫn là bố chúng tôi. Nhưng, trong góc khuất tâm can, có lẽ, sẽ thật khó khi để chúng tôi công nhận ông ấy là bố.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.