Bố tôi giỏi việc nhà

Chia sẻ

“Tối nay mấy mẹ con về sớm, bố có món mới đãi cả nhà”. Tin nhắn của bố gửi đến điện thoại đúng lúc tôi suýt gọi về báo không ăn cơm nhà tối nay. Tôi định tranh thủ ở lại cơ quan nơi tôi đang thực tập làm nốt mấy việc dang dở, tiện thể gọi đồ ăn bên ngoài mang đến.

Nhưng, một khi đã có tin nhắn của bố thì không có sự kiện nào quan trọng bằng. Tôi bèn nhắn tin trả lời: “Vâng, con biết rồi ạ. Con sẽ về sớm”, sau đó tắt máy tính, đứng lên ra về.

Tôi biết chắc giờ này, mẹ và em tôi cũng như vậy. Em tôi sẽ không đi lòng vòng sau giờ tan học. Còn mẹ, có thể ở một con phố nào đó cũng đang hối hả hướng về nhà. Ai cũng háo hức được ngồi xuống bàn ăn, thưởng thức những món ăn do bố tự tay làm.

Quả nhiên tối đó bố nấu một món châu Âu rất ngon. Bố bảo bố mới học được cách nấu trên youtube thấy rất ngon nên đi chợ về nấu cho ba mẹ con. Bố tôi cứ có ngon, tốt, đẹp là muốn chia sẻ với vợ, con đầu tiên.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khác với nhiều ông bố, bố tôi rất khéo tay và thích làm việc nhà. Bố không cho rằng, việc nhà là của phụ nữ. Ngược lại, vào ngày hè nắng như rang, bố có thể “đuổi” ba mẹ con ra phòng khách ngồi chơi, tán phét với nhau còn lại mình bố ở trong bếp, chịu nóng nấu cơm. Nhà cửa bề bộn, mấy mẹ con bận rộn chưa kịp dọn dẹp, lau chùi, bỗng một ngày trở nên sáng choang, ngăn nắp. Đó là nhờ đôi bàn tay “tài hoa” và đảm đang của bố. Bố tôi luôn làm việc nhà một cách chăm chú, cẩn thận, chẳng hề hờn dỗi mấy mẹ con một lời. Trong nhà, chưa bao giờ chúng tôi nghe bố trách: “Em làm vợ kiểu gì thế, nhà khác vợ người ta đảm đang, tháo vát, vừa đi làm, vừa chu toàn nội trợ”, hay là “Từ nay em đừng bao giờ để anh phải đụng chân, đụng tay vào mấy việc này”.

Bố tôi cũng đi làm, cũng phải lo kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ con tôi rất thương bố, nên thường có ý để bố nghỉ ngơi. Nhưng, bố tôi lại chẳng chịu ngồi không khi vợ con phải làm việc. Bố còn bảo bố là nam giới, bố khỏe mạnh nhất nhà. Tại sao cả ngày mẹ cũng bận đi làm như bố, các con cũng phải học hành vất vả, thế mà tối về, chỉ có bố được quyền nghỉ, đợi tới giờ cơm mới ra ăn, ăn xong lại có người dọn rửa. Việc nhà muốn nhanh thì phải có sự sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình. Bố muốn làm cùng với mấy mẹ con, sau đó việc xong thì cả nhà lại cùng đi nghỉ.

Nhiều người vẫn thường nói, đàn ông mà làm việc nhà thì nữ tính, mất đi vẻ oai phong lẫm liệt. Song, trong mắt chúng tôi, bố chưa bao giờ thiếu đi sự mạnh mẽ. Ngược lại, chúng tôi còn càng biết ơn, kính trọng bố hơn vì bố khéo làm việc nhà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cách đây hai năm, mẹ tôi quyết định học thạc sĩ. Ở tuổi ngoài 40, việc đi học thạc sĩ khá vất vả. Bố tôi động viên mẹ, học không bao giờ là muộn cả. Để mẹ an tâm, bố nói từ nay sẽ thay mẹ cơm nước, chăm sóc gia đình. Sau giờ đi làm, mẹ cứ việc đến lớp học. Khi mẹ về tới nhà là đã có cơm canh sẵn sàng.

Bố nói vậy và làm vậy. Buổi sáng, bố tôi dạy sớm hơn, nhẹ nhàng xách làn đi chợ. Mặc kệ cả khu chợ khi đó chẳng có mấy bóng ông đàn ông nào, bố xà vào hàng rau, hàng thịt chọn đồ, rồi mặc cả, trả tiền hệt như một người phụ nữ đảm đang. Các bà các chị bán hàng thấy bố thì quý mến lắm, gọi bố là người chồng nhân dân, còn tíu tít giúp chọn cho bố thứ tươi, ngon. Sau đó, bố mang đồ về, nấu ăn sáng cho cả nhà. Lúc này, chúng tôi và mẹ mới trở dậy. Mẹ trách bố sao không để mẹ làm, bố bảo mẹ và các con đều vất vả, ngủ thêm cho lại sức. Chiều tối, bố bỏ hẳn các buổi tiệc tùng, bia bọt với đồng nghiệp nam để về nhà nấu cơm. Chúng tôi nếu có bận việc gì phải về muộn không đỡ việc được cho bố, bố vui vẻ đồng ý, chỉ dặn là phải đi lại cẩn thận, giữ an toàn cho bản thân.

Ròng rã như vậy suốt gần 2 năm cho tới ngày mẹ bảo vệ thạc sĩ, lời đầu tiên mà mẹ nói là cảm ơn bố vì đã là hậu phương vững chắc của gia đình. Không có bố thì mẹ không thể tiếp tục học lên cao như vậy.

Nếu hỏi tôi có thần tượng mẫu người nào không, tôi sẽ nói ngay đó là bố. Sau này, tôi đi lấy chồng, cũng sẽ mong lấy được một người thấu hiểu và sẵn lòng giúp đỡ vợ con như bố.

LAN CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.