Bông bí nấu canh

Chia sẻ

Mới ngày nào nắm hạt bí ngô được ba đem tra ở đám đất ẩm bên bờ giếng, vậy mà nay đã có giàn bí xanh mát. Hòa vào sắc xanh đậm của lá là sắc vàng rực rỡ của những nụ bí khỏe khoắn vươn mình chờ ngày đơm bông. Ba nhìn mẹ, lém lỉnh: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen”.

Mẹ bẽn lẽn, ngại ngùng, là bởi món canh bông bí bình dị một thời đã trở thành nhịp cầu nối duyên cho ba mẹ tôi nên vợ nên chồng.

Có một điều đặc biệt ở loài cây dây leo dễ trồng mang tên bí ngô (bí rợ) là hầu hết các bộ phận của cây, từ ngọn, nụ, bông đến trái non, trái già, đều được dùng để chế biến các món ăn, trong đó ngon nhất phải kể đến bông và ngọn bí. Quê tôi ngày trước, hầu như nhà nào cũng trồng bí ngô. Từ ven bãi sông, bờ ruộng, chân đồi, vườn nhà… đâu đâu cũng thấy bí ngô xanh rì. Bí ngô leo giàn, bí ngô leo hàng rào, bí ngô bò trên mặt đất... Bí ngô gặp tiết trời ấm áp càng thêm tươi tốt, ngọn nào cũng mập mạp, vươn tay chắc khỏe, chẳng bao lâu mà cho bông, cho quả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ bảo, bông bí cũng giống như các loại rau xanh sạch nơi vườn nhà, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Có lẽ vì thế, người quê chúng tôi luôn xem bông bí là “đặc sản”, là món rau “trường thọ”, dù chế biến bất kỳ món nào: bông bí luộc, bông bí xào, bông bí nấu canh, nấu lẩu… cũng làm nên những bữa cơm nhà luôn ngon miệng. Đặc biệt, phải kể đến canh bông bí nấu cua đồng, ai đã ăn một lần chắc chắn sẽ muốn được ăn nữa, ăn mãi.

Mùa bông bí nở, mẹ hái những bông đực còn nguyên cuống (giữ lại bông cái để cho ra quả). Mẹ bảo, bông bí có vị nhạt, hơi chua, hơi chát nhưng sau khi chế biến sẽ cho vị ngọt thanh. Đây cũng được xem là phần tinh túy của cây bí. Và món canh sẽ ngon hơn với những bông mới bắt đầu chớm nở. Bông bí có cánh màu vàng, nhụy bên trong lại đắng, thế nên sau khi thu hoạch, mẹ đã ngắt bỏ nhụy, tước cạnh xung quanh bông và lớp da nhám bên ngoài cuống, đem rửa sạch để ráo và thái nhỏ.

Đồng làng ngày trước nhiều cua cá đến nỗi chỉ cần ra đồng một loáng là có mớ cá, giỏ cua mang về. Mùa bí nở bông, cứ hôm nào không phải đi học, chị em tôi lại rủ nhau đi bắt cua, vì đứa nào cũng “nghiện” món canh cua bông bí mẹ nấu. Cua mang về, mẹ ngâm trong nước vo gạo cho sạch bùn đất rồi lần lượt bóc mai, bỏ yếm, giã nhuyễn lọc lấy nước. Phần gạch cua được gỡ ra, tráng qua nước lạnh cho sạch rồi để riêng trong cái chén nhỏ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Công đoạn nấu canh được xem là quan trọng nhất. Đầu tiên, mẹ phi hành thơm và sao qua phần gạch cua cho vàng suộm. Sau đó, mẹ cho nồi nước lọc cua lên bếp, cho thêm chút muối trắng (vì theo kinh nghiệm của mẹ, muối trắng sẽ làm cho gạch cua dễ nổi lên bề mặt nồi). Lửa được mẹ đun vừa phải, đồng thời dùng đũa khuấy nhẹ liên tục để thịt cua không bị lắng và bám dưới đáy nồi. Khi thấy gạch cua từ từ nổi lên thành tảng trên mặt nồi thì mẹ hãm lửa nhỏ lại. Mẹ khéo léo gạt phần gạch cua sang một bên và cho phần bông bí vào, giữ lửa để nồi canh sôi lại, thêm gia vị vừa ăn rồi bắc nồi xuống để bông bí không quá mềm, nát. Canh cua bông bí ăn với cơm nóng, cà muối thì ấm áp và đậm đà không gì ngon bằng. Chỉ cần ngửi thấy hương thơm đậm đà của món canh là chị em tôi đã thoăn thoắt đi dọn cơm ngay.

Mẹ kể, mẹ quen ba vào mùa bông bí nở. Hôm đó, ba có việc sang quê ngoại phụ giúp nhà người quen sát bên nhà ngoại. Bữa cơm trưa, mẹ bưng tô canh bông bí nấu cua sang biếu, chẳng ngờ, ba ăn một lần mà nhớ mãi. Để rồi sau đó, ba tìm cách làm quen, thành bạn, rồi thành người chung nhà với mẹ. Mỗi lần kể lại chuyện tình yêu của mình với mẹ, ba cười nắc nẻ, giọng khoái chí: “Cũng nhờ có ba mà chị em con mới được ăn món canh bông bí nấu cua ngon hết sẩy còn gì!”. Chúng tôi thấy chí lý nên cứ thế sung sướng cười ngặt nghẽo.

Canh bông bí nấu cua đồng giản dị, ngọt mát mẹ nấu, với chị em tôi, cho đến bây giờ vẫn là món ngon số 1. Nhớ món canh, tôi nhớ cả đôi bàn tay tảo tần của mẹ, những gì thương thuộc nơi quê nhà yêu dấu!

XANH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.