“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là nữ trinh sát duy nhất của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những chiến công lập nên, chị là minh chứng cho những phẩm chất đặc biệt của người nữ chiến sĩ công an.

Nữ trinh sát tuyên chiến với cái chết trắng

Tháng 11/2017, Trung tá Huyền Diệu được tổ chức phân công về công tác tại Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an TP Hà Nội. Là nữ trinh sát duy nhất có 17 năm gắn bó với Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm tổ chức trái phép chất ma tuý, trên mặt trận luôn luôn nóng và nguy hiểm, chị gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, chị luôn xác định tư tưởng cho bản thân và gia đình để yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Ở các vị trí được giao, chị không ngại gian khổ vất vả, cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt xoá những đường dây ổ nhóm mua bán ma tuý lớn.

Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu không thể nhớ mình và các đồng đội đã tham gia bao nhiêu vụ án, bắt giữ bao nhiêu đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy... Mỗi lần truy bắt tội phạm cũng là mỗi lần chị và đồng đội phải đối diện với hiểm nguy. Nhưng với bản tính quyết đoán, và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, khát khao giữ bình yên cho Nhân dân đã giúp người nữ chiến sĩ công an nhân dân vượt qua mọi thử thách.

Khi bắt tay vào phá án, ở người nữ trinh sát ấy dường như không còn khái niệm về giới tính. Chị luôn hết mình với công việc, hóa thân vào những vai diễn khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Địa bàn nơi chị công tác, những tụ điểm phức tạp về ma túy đã dần bị triệt xóa, mở ra cuộc sống bình yên mới. Sau 17 năm công tác, trung tá Đinh Thị Huyền Diệu được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, nhưng đối với chị phần thưởng lớn nhất chính là sự đồng tình ủng hộ của người dân.  Những cuộc điện thoại hay lời động viên của quần chúng nhân dân là nguồn cổ vũ sức mạnh lớn lao giúp chị và đồng đội chiến thắng trên mặt trận đấu tranh với cái chết trắng.

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô - ảnh 1
Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu tham gia giao lưu tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2020-2025.

Chị vẫn nhớ, lần cùng các đồng đội về Mỹ Đức bắt giữ đối tượng buôn ma túy. Các đồng đội hẹn nhau 12h đêm sẽ tự đi xe máy từ trung tâm thành phố về huyện Mỹ Đức. Lần ấy chị được phân công cắm chốt, một bên là đồng ruộng, một bên là bãi tha ma. Mỗi chốt cách nhau vài cây số. Là phụ nữ, đứng gác trong đêm tối giữa đồng không mông quạnh, không một bóng người, lại lạnh lẽo, âm u không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Thỉnh thoảng có tiếng tắc kè kêu cũng khiến một người phụ nữ như chị lạnh sống lưng. Thế nhưng, nhiệm vụ ấy không hoàn thành ngay trong đêm đầu tiên. Chị và các đồng đội đã phải về Mỹ Đức tới 5 đêm, chị phải cắm chốt ở bãi tha ma tới 5 lần. Giờ đây khi ngồi nghĩ lại về lần bắt giữ ấy, chị vẫn không quên cái cảm giác rùng mình khi một mình đứng giữa cánh đồng và ở bãi tha ma.

Có trận đánh án, chị phải vào điểm giám sát là chuồng trâu và ngồi ở đó từ sáng đến tối để thông báo cho anh em về hoạt động buôn bán ma tuý. Giữa thời tiết mùa hè lên đến 40 độ, mùi ở chuồng trâu khiến chị còn bị ám ảnh suốt nhiều ngày sau đó. Hay vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Hiền (Hiền đảo) ở ngõ Lò Lợn (ngõ 459, Bạch Mai, Hai Bà Trưng. Cả gia đình đối tượng đều mua bán ma túy, với thủ đoạn tinh vi, địa hình lại ngõ ngách rất khó cho việc trinh sát. Trung tá Huyền Diệu đã phải hóa trang thành người bán hàng rong, mất rất nhiều công sức, thời gian vào vụ án này. Khi anh em vây bắt đối tượng, người thân và đối tượng vùng vẫy chống trả, mẹ của đối tượng Hiền đã nhiều lần đạp vào bụng chị, còn em trai đối tượng Hiền nghiện ma tuý, nhiễm HIV dùng dao chống trả quyết liệt lực lượng trinh sát nhằm tháo chạy và tẩu tán vật chứng. Đến khi lực lượng công an bắn súng chỉ thiên, các đồng đội mới tiếp cận và tước dao, khống chế đối tượng…

Tinh thần Làm việc không khoan nhượng với tội phạm

Trung tá Huyền Diệu cho biết, tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, đồng thời Hà Nội còn là địa bàn trung chuyển lượng ma túy lớn đi các tỉnh và ra nước ngoài. Ma túy đá đang dần dần thay thế heroin và thuốc phiện. Đặc biệt hiện nay, ma túy ngày càng đa dạng về chủng loại, dễ cất giấu, sử dụng. Tội phạm ma tuý hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng khoa học công nghệ để hoạt động gây rất nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, bắt giữ. Nguy cơ xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, núp bóng, nguỵ trang bằng nhiều hình thức như “tem giấy”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà” dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trung tá Huyền Diệu lo ngại: Sự buông lỏng quản lý của gia đình và nhà trường là nguy cơ lớn nhất khiến học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với ma túy. Do đó việc ngăn chặn ma túy trong học đường là nhiệm vụ không chỉ lực lượng công an và nhà trường, mà cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội.

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô - ảnh 2
Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu.

Với Trung tá Huyền Diệu, khi nhận nhiệm vụ là nữ trinh sát ma túy, chị hiểu và hình dung được công việc sẽ phải đối mặt. Đó là sự hy sinh cuộc sống cá nhân, sự vất vả và hiểm nguy, thậm chí là phải đánh đổi cả tính mạng. Khi đã vào việc, phụ nữ cũng phải dầm mưa dãi nắng, cũng phải lặn lội đêm hôm, vất vả không kém các anh em nam giới. Tuy nhiên với tình yêu nghề và truyền thống gia đình, chị đã làm công việc này bằng sự đam mê và cống hiến. Chị Huyền Diệu cho biết, được làm việc tại Đội 3, được áp dụng nghiệp vụ mà mình đã học vào thực tế, chị cảm thấy hứng thú và say mê với công việc. Dù khó khăn, nhưng niềm vui ấy đã thôi thúc chị dấn thân, lập nhiều thành tích.

Đặc biệt thời gian vất vả nhất là giai đoạn chị nuôi con nhỏ, không có sự giúp đỡ của ông bà, chỉ có hai vợ chồng chăm con. Những lần con ốm đau, chị đi làm mà lòng như lửa đốt. Một đứa ốm đã khổ, 2 đứa ốm cùng lúc càng khổ hơn. Những lần ấy chồng chị thường phải là người xin nghỉ để chị đi đánh án. “Có những vụ án đi làm mấy đêm không về. Có lần đang bắt đối tượng nữ thì nghe tin con ở nhà bị ngã gãy tay phải vào viện, mình thì không bỏ đấy mà về được. Những lúc đấy quả thực rất xót con”, chị cho biết. Với Trung tá Huyền Diệu, các con lớn lên trong hoàn cảnh như vậy nên đã quá quen với việc ở nhà một mình hoặc phải tự lập nấu cơm, tự chăm sóc bản thân. Giờ đây, khi các con đã lớn hơn, đã bớt vất vả hơn nhưng vẫn không thể thiếu bàn tay mẹ. Những hôm về muộn không thể đón con, chị may mắn có sự giúp đỡ của các bác hàng xóm. Sự sẻ chia của những người láng giềng đã giúp cho vợ chồng chị yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Phụ nữ Công an TP và Hội Phụ nữ Phòng CSĐT tội phạm  về ma túy. Với những kết quả đã đạt được, chị vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, của Bộ Công an. Năm 2022, chị đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3; được vinh danh là 1 trong 10 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2022.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.