Bữa cơm chiều

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phong trở về nhà vào bữa ăn chiều nhưng gian bếp nhà anh vẫn lạnh te. Thủy, vợ anh đang nằm trên giường, mặt quay vào tường. Đoán là vợ mệt, Phong vội vã thay quần áo rồi vào bếp nấu cơm.

Thủy chẳng buồn chào chồng một tiếng. Cô kéo chiếc chăn trùm qua đầu, chắc để không phải đụng mặt anh. Phong tìm quanh, tủ lạnh thì trống rỗng, thùng gạo cũng chỉ còn chút gạo dưới đáy đủ để nấu nốt bữa nay. 

- Thủy ơi, tối nay ăn gì để anh nấu? Mà gạo trong nhà cũng sắp hết rồi, sao em không mua thêm luôn? Nhỡ ngày mai đến bữa lại không có gạo.

- Sáng nay em chưa kịp đi chợ. Em mệt mỏi rồi, đủ thứ việc phải lo nghĩ, chẳng biết bao giờ mới được giải thoát. Anh ăn thì tự xoay sở, không thì thôi, làm hai bát mì ăn liền úp cho xong bữa.

Từ trong phòng, Thủy cất tiếng trả lời chồng như vậy. Phong cũng chẳng buồn nói thêm. Anh đổ gạo trong nồi trở lại thùng rồi với tay lấy gói mì tôm. 

Một lát sau, Phong đã xong bữa. Bát mì tôm “không người lái”, chẳng hành, chẳng rau, trắng nhởn,  nhạt thếch… 

- Anh ăn trước. Lúc nào đói em úp mì ăn cho nóng - Phong nói với vợ.

Vợ chồng Phong gửi con cho bà nội trông giúp từ đầu mùa hè đến giờ. Ngày trước, nhà có tiếng trẻ ê a còn vui vẻ một chút. Giờ, con đi vắng rồi, Phong và Thủy chả buồn nói chuyện với nhau. Quan hệ giữa vợ chồng anh cũng “nhạt thếch” như bát mì tôm úp vậy.

Bữa cơm chiều - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhìn dáng vợ gầy gò nằm co trên giường, Phong thấy chạnh lòng. Phong hiểu là Thủy vất vả vì gia đình này. Khi yêu, Phong từng hứa với Thủy sẽ làm tất cả để cô hạnh phúc, sung sướng. Thế nhưng, nhiều năm rồi, Phong vẫn chưa thực hiện được lời hứa ấy.
Hai năm trước, vì dịch Covid-19 mà cơ quan Phong phải thu hẹp sản xuất dẫn tới giảm người làm. Phong nằm trong số người lao động không may mắn ấy. Phong thất nghiệp, mỗi tháng, hai vợ chồng mất đi một khoản tiền trong khi mọi chi phí sinh hoạt, chăm lo cho các con lại không thể cắt giảm. Nhà có một chút tiền tĩch lũy định để ngăn thêm phòng cho các con, Thủy đành lấy ra chi tiêu. Vậy mà cũng chỉ cầm cự được vài tháng. Sau đó, Thủy nhờ người quen xin cho Phong vào làm nhân viên ở một công ty tư  nhân. Vốn là kỹ sư được đào tạo bài bản, giờ, cực chẳng đã Phong chấp nhận làm nhân viên sai vặt. Biết là phải gắng gượng vì vợ con, song, tính Phong vốn thẳng thắn, thấy gì chướng tai gai mắt là phải nói ra, nếu không thì không chịu nổi. Cậu giám đốc mặt mũi non choẹt nhưng lên mặt ông chủ, quát nạt cả nhân viên lớn tuổi, điều hành công việc thì cảm tính. Phong góp ý cũng là có ý tốt, nào ngờ, cậu ta cho là Phong lên mặt dạy đời nên lập tức cho Phong cho nghỉ việc.

Vì chuyện này mà Thủy giận Phong ra mặt. Mỗi tối, Phong phải giả câm, giả điếc khi nghe những lời than thở từ vợ rằng tháng này biết lấy gì mà sống, rồi xăng tăng, nước tăng, điện tăng. Cả cái cách cô quát con mỗi khi chúng đòi ăn thứ nọ, thứ kia như thể đang châm vào anh ngàn mũi dao. “Nhà người ta giàu có, ăn sung mặc sướng thì muốn gì cũng được. Còn nhà này thì sắp chết đói đến nơi rồi, đến gạo còn không có mà ăn. Các con biết điều thì ngoan ngoãn, đừng có mè nheo nữa”.

Phong biết mình chưa hoàn thành vai trò làm chồng, làm chỗ dựa cho vợ con. Trong lúc chưa tìm được công việc mới, anh cố gắng làm giúp vợ việc nhà, rồi cũng hạn chế chi tiêu tối đa. Vậy mà cũng không thể xoa dịu được những khó chịu trong lòng Thủy. Thấy anh vào bếp, Thủy bóng gió chồng người thì hô mây gọi gió, còn chồng cô thì chỉ biết cắm đầu vào mấy chai mắm muối, tương cà. Rồi dần dần cô ỷ lại, đẩy hết việc nhà cho anh. Cô cho rằng giờ anh là tỷ phú thời gian, không biết ra ngoài xã hội kiếm tiền thì phải thêm việc nhà cho khỏi “tốn cơm gạo”.

Bữa cơm chiều - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tất cả những suy nghĩ ấy của Thủy, Phong hiểu hết. Song, anh đều cho qua, chịu đựng và nhẫn nại đợi tới ngày được gọi đi làm. Lần này, Phong tìm được việc đúng chuyên môn, xong phải đi xa, công việc cũng vất vả hơn và lương thì chỉ bằng một nửa ngày trước. Biết vậy nhưng Phong không còn chọn lựa nào khác. Sáng sớm, Phong đã ra khỏi nhà. Khi anh rời bàn làm việc thì trời cũng đã tối xẩm. Cũng vì thế mà thời gian Phong dành cho vợ con ít dần đi. 

Phong chỉ buồn là tất cả những nỗ lực của anh đã không thể khiến gia đình vui vẻ hơn. Từ bao giờ, cái khó, cái khổ đã biến Thủy đã trở thành người vợ hay cau có, người mẹ hay la mắng các con và người vợ lạnh nhạt với chồng. Mỗi tháng về đưa lương cho vợ, anh có thể cảm nhận được sự lạnh nhạt trong cách đón nhận của cô. Thủy nghĩ, nếu không có cô nai lưng ra làm thì tiền anh đưa chỉ đủ ăn trong vài bữa. Đã thế, Thủy cũng chả cậy nhờ được Phong việc nhà vì Phong đâu thể về sớm để giúp cô được.

Sau một ngày làm việc vất vả, Phong thèm lắm cảm giác được sà xuống mâm cơm với vợ con, dù đó chỉ cơm với bát canh chua với vài quả cà. Tiếc là những bữa cơm ấy cũng ít dần. Thủy thường xuyên nói mệt mỏi nên bỏ không nấu cơm. Hai vợ chồng bắt đầu tiện gì ăn nấy, cốt để lấp cho đầy cái dạ dầy. Việc chăm sóc hai đứa con, Thủy cũng cho rằng mệt mỏi nên Phong quyết định sẽ nhờ mẹ trông giúp một thời gian.

Tối đó, đợi Thủy ăn xong, Phong liền nói chuyện với vợ:

- Em à, anh không về sớm được nên em cố gắng lo bữa cơm tối. Còn lại việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, em cứ để lại, sau khi về anh sẽ làm. Anh cũng tính ít bữa nữa đón con từ quê xuống, anh không muốn chúng phải xa bố mẹ. Từ giờ, anh sẽ cố gắng chơi với con nhiều hơn để em có thời gian nghỉ ngơi. 

Bữa cơm chiều - ảnh 3
Ảnh minh họa

Phong cứ ngỡ nói vậy thì Thủy sẽ cảm động, nào ngờ, cô lại càng nổi đóa:

- Là đàn ông, anh đừng quanh quẩn với mấy việc này. Nhà không dọn không chết, con ở với ông bà một thời gian cũng không sao. Nhưng nếu vợ chồng mình mà không có tiền thì sẽ chết đói. Vì vậy, anh phải nghĩ sẽ làm thêm gì đi.

- Em phải hiểu là anh cũng đã cố gắng rồi. Nhưng, công ty họ chỉ trả cho anh mức lương như vậy. Tính chất công việc của anh cũng không thể nào làm thêm ngoài giờ chứ không phải anh không cố gắng. Thôi thì vợ chồng mình có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, miễn là mình thấy đủ thì nó là đủ. Anh thấy bây giờ, vợ chồng con cái được ở bên nhau chính là điều đáng quý nhất. 

- Vậy là đã rõ, anh luôn cho rằng mình đã cố gắng đủ nhiều rồi. Anh bằng lòng với bản thân, anh không có chí tiến thủ. Em thì khác, em thấy khổ nhục với cái cảnh lúc nào cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Bằng tuổi em nhưng bạn bè em ai cũng có cuộc sống sung túc nhờ chồng. Còn vợ chồng mình thì vẫn cứ ở trong căn hộ tập thể vừa bé, vừa xuống cấp. Đã thế, tiền kiếm lại ít dần, chẳng biết bao giờ mới được mở mày mở mặt.
Phong dừng lời khi nghe Thủy  nói vậy. Tự nhiên, anh thấy mình mất hết động lực để cố gắng. 

Phong không dám đòi hỏi gì cao sang, cũng luôn tự nhủ mình còn nhiều thiếu sót nên phải trân trọng sự hy sinh của vợ hơn. Nhưng, anh không biết mình cần phải làm gì để Thủy động lòng. Bất giác, Phong rùng mình, mơ hồ nghĩ, nếu cứ kéo dài cuộc sống mòn mỏi này, liệu rồi có đến một ngày, vợ chồng anh sẽ đường ai nấy đi không? 

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.