Bữa cơm đầu năm

Quỳnh Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phải đến mùng Sáu Tết, đại gia đình nhà bà Thảo mới có bữa cơm đầu năm.

Trước Tết, bà Thảo vui lắm, cứ khấp khởi trong lòng, rằng Tết năm nay sẽ không phải một tay chinh chiến với cái bếp suốt mấy ngày mùng, mà sẽ có thím út, em dâu út trong nhà phụ một tay. Chỉ nghĩ đến thôi là bà đã thấy lâng lâng rồi, dự định sẽ đi làm tóc, rồi sửa sang lại bộ móng tay, đảo qua mấy hàng quần áo nữa để năm nay ăn diện cứ phải là hết nấc.

Bà Thảo và thím út là hai chị em dâu rất thân thiết, còn thân hơn cả chị em gái với nhau. Từ ngày về làm dâu, có gì hai bà cũng chia sẻ cho nhau. Cái gì ngon, mới lạ là bà Thảo cũng phải “gọi nhà thím út vào ăn cùng cho vui”. Hay đi đâu có gì hay bà cũng đều nhớ mua cho em dâu út của mình. Mỗi khi nhà thím út có công có việc, bà Thảo là người đầu tiên nhiệt tình giúp. Đổi lại, thím út cũng đối đãi y như vậy, cũng lo toan công việc nhà bà Thảo như việc nhà mình, xem con cái bà Thảo như con cái mình. Thím út đi xuất khẩu lao động nước ngoài 5 năm, ở nhà bà Thảo lo lắng hết thảy cho các cháu. 

Tết năm nay, thím út về hẳn. Trước ngày về, hai chị em gọi video nói chuyện “xuyên lục địa” mấy tiếng đồng hồ. Thím út bảo mua cho bà Thảo nhiều quà lắm, về cái sẽ mang sang ngay. Nhưng rồi bà Thảo thấy lạ quá, trong làng đã nghe tiếng thím út về rồi, thím cũng thông báo với bà Thảo là đã về rồi, mà sao vẫn chưa thấy thím sang chào bà Thảo? Không phải là bà háo hức chờ quà, mà là bà mong ngóng người chị em thân thiết đã lâu mới được gặp lại, chỉ muốn gặp để ôm một cái cho thỏa nhớ mong. “Thôi chắc thím ấy đi đường xa mệt, chưa kịp sang mình thì mình sang thăm vậy”, bà Thảo tự nhủ. 

Đúng hôm ấy, chồng bà Thảo lại cũng nhờ chú út sang cùng bê mấy chậu cây cảnh ra trước nhà, trưng Tết. Bà Thảo vừa mới sang đến nhà, đã nghe tiếng thím út. Thân quen quá, nhưng sao giọng thím cứ lèm bèm, hậm hực: “Tôi đi làm vất vả kiếm tiền mà ông ở nhà lúc nào cũng chỉ lo giúp đỡ anh em trong nhà”.

Bữa cơm đầu năm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà Thảo nghe được hết câu ấy, rồi thôi. Bởi bà đã phải quay về ngay cũng chỉ vì câu nói ấy. Bà giận lắm, bao năm nay bà giúp đỡ gia đình chú thím vô điều kiện, chưa bao giờ tính toán việc gì. Cũng từng là chị em tốt với nhau, thế mà đi nước ngoài có vài năm về, thím đã thay tính đổi nết. Lúc sau, chú út vẫn sang, vẫn hồ hởi giúp đỡ vợ chồng bà Thảo bê mấy chậu cây, vừa làm vừa hỏi han xem anh chị sắm Tết tới đâu rồi.

Chồng bà Thảo nhân tiện mới bảo, Tết này đang ngại nấu bánh chưng, “vì nhà có ăn mấy đâu, chỉ cần vài cặp để cúng tổ tiên là chính”. Chú út phấn khởi nhận gói hộ, nấu hộ ngay. Nhưng đang sẵn cơn bực mình vì vẫn còn ám ảnh câu nói vừa nghe được của thím út khi nãy, bà Thảo xẵng giọng: “Thôi, ông ngại thì tôi gói, tôi nấu. Không phiền đến nhà chú thím”. Rồi bà bỏ ngang việc vào nhà, để lại sự ngơ ngác, khó hiểu cho hai người đàn ông.

Chắc hẳn họ tưởng bà Thảo đùa, bởi với cánh đàn ông, họ cũng nhờ sự thân quý nhau của hai chị em dâu là bà Thảo và thím út mà thêm gắn bó như bây giờ. Nên nhận vẫn cứ là nhận, chú út vẫn quyết phải gói thêm vài cặp bánh chưng hộ cho anh trai mình. Về bảo với thím út, chú út không ngờ thím cũng sưng mặt lên, dùng dằng rồi cãi nhau một trận thật to. Tiếng thím út cứ oang oang, hàng xóm nghe được truyền tai nhau, thế là đến tai bà Thảo.

Bà Thảo càng thêm thất vọng và giận ghê gớm cô em dâu. Bà giận không phải vì vài cái bánh chưng mà vì bao năm qua thím út không có nhà, bà đã tận tâm lo cho gia đình thím như thế nào, chú út hay làng xóm đều biết, mà giờ chú chỉ muốn giúp nhà anh chị mình có chút xíu thôi mà thím đã nghĩ rằng chú chỉ biết lo cho anh em. Vậy là suốt mấy ngày Tết, bà Thảo không đến nhà chú thím út chơi, cũng không nói chuyện với thím, gặp nhau ngoài đường còn xem như không quen biết luôn.

Đại gia đình anh em nhà bà Thảo không đông lắm, lại hầu như ở gần nhau, chỉ loanh quanh làng trên xóm dưới mà thôi. Vì thế, cứ vào mùng 3 Tết, mấy chục người, anh em, cháu chắt lại tụ tập tại nhà bố mẹ chồng bà cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm. Thức ăn thì chẳng cần cao sang, mới lạ gì, chỉ là những đồ đã ăn trong mấy ngày Tết, nhà ai có gì thì góp thêm nấy. Nhưng cái không khí cùng quây quần bên mâm cơm, cùng ăn và trò truyện rôm rả, đã trở thành thông lệ khiến ai cũng ngóng chờ. 

Bữa cơm đầu năm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tối mùng 2 Tết năm nay, các nàng dâu đã rục rịch chuẩn bị cho bữa cơm đầu năm sẽ tổ chức vào sáng mùng 3. Nhưng khổ nỗi, mâu thuẫn “từ trên trời rơi xuống” của bà Thảo và thím út vẫn chưa được hóa giải, mà bà Thảo là đầu trò, quản ca của các bữa tụ tập, vắng tiếng bà, vắng sự chỉ huy của bà thì dễ mà rã đám lắm. Thế nên không khí chuẩn bị cứ ỉu xìu. Bà Thảo kêu ốm không đi được, thím út thì lặng thinh, coi như không biết gì. Thành ra, cái Tết năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, mùng 3 con cháu không được tụ họp.

Bố mẹ chồng bà Thảo buồn lắm. Đang yên đang lành bỗng con cháu quay ra xích mích nhau, rồi bất hòa, là người lớn ai mà không xót xa cho được. Ông bà nghe phong thanh, từ người nọ truyền qua người kia, rằng cái chính là vì bà Thảo và thím út cãi nhau. “Ôi trời, bình thường chúng nó thân thiết với nhau lắm mà. Cái út còn phải mang ơn cái Thảo, bao năm đi làm ăn có chị dâu ở nhà lo cho con cái, nhà cửa đàng hoàng. Giờ lại quay qua giận dỗi nhau, người ta nhìn vào lại bảo người lớn không biết dạy bảo con cháu”, ông bà bàn với nhau thế.

Thế là, thông lệ thì vẫn phải làm, năm nay chỉ là hơi trật nhịp một xíu. Mùng Sáu Tết, khi con cháu đang sắp sửa đồ đạc chuẩn bị lên thành phố đi làm trở lại, thì ông bà nội ra chỉ thị: Tổ chức liên hoan đầu năm! Lệnh của ông bà, không thể nào mà không theo được, có buồn có dỗi đến mấy cũng không được vắng mặt. 

Cỗ bàn vẫn được chuẩn bị rất tinh tươm, thịnh soạn và con cháu đến đông đủ, không thiếu một ai, trò chuyện, cười đùa rộn rã khắp cả sân nhà. Bà Thảo vẫn giận. Đến khi tất cả đều ngồi quanh mâm cơm lớn, thím út mở đầu câu chuyện đầu năm bên mâm cơm, thím nhắc lại những chuyện chị dâu đã giúp đỡ gia đình khi thím không có nhà, thím xin lỗi vì đã cư xử không đúng. “Dạo này con buồn, con không phải với chị Thảo là vì anh nhà con mang tiền cho người ta vay giờ họ không trả. Bực quá nên con mất khôn, phản ứng quá đáng…”, thím út nói trong nghẹn ngào.

Như cởi được tấm lòng, bà Thảo lúc này mới nhân tiện làm luôn một tràng. Theo bà, “trước giờ nhà tôi chưa bao giờ cần chú phải giúp đỡ chuyện gì, trong khi đó tôi làm này làm kia giúp chú và hai cháu ở nhà cũng không tính toán một đồng”. Mâu thuẫn coi như đã được cởi bỏ. Cả hai nói xong rồi thì mỗi người trong nhà nói vào thêm một câu, vậy là bỏ qua cho nhau, lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Và thế là bữa cơm đầu năm, dù muộn màng như vẫn đông đủ, rộn ràng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.