BỮA TIỆC ĐẦU NĂM

Chia sẻ

PHƯƠNG LAN

Dương qua đón tôi rồi đến chỗ hẹn thì mọi người đã có mặt đông đủ. Lớp cũ của tôi hầu hết là học đại học ở thành phố, thường xuyên gặp nhau trong những buổi sinh nhật, tụ tập ăn uống nên bây giờ về quê nghỉ Tết mọi người gặp nhau không có vẻ gì là xa lạ, cứ cười cười nói nói thả ga như thời học phổ thông. Năm cuối đại học rồi mà có vẻ như chẳng ai muốn làm người lớn. Thấy tôi, thằng Thắng rú lên, vẫn với cái kiểu vui mừng rất mất kiểm soát:

- A! Bà Hoa đến! Bà Hoa hôm nay được gặp lại cố nhân! Sướng nhé! Nhớ cư xử cho đúng mực! Nhớ phải hết sức bình tĩnh, tự tin và không được cay cú vì cố nhân đã lấy vợ nhé!

Tôi cũng không vừa:

- Ôi giời! Có vợ thì đã làm sao? Tớ chỉ sợ Long không dám gặp tớ thôi!

Mấy đứa khác nhao nhao:

- Thằng Long thế mà lại hay chúng mày nhỉ. Thử hỏi chúng mình đứa nào được như nó. Khối thằng giờ vẫn cô đơn, chưa một lần cầm tay con gái!

Dương huých Thắng một cái, liếc trộm tôi rồi đế thêm:

- Cô vợ của Long xinh cực mày nhé. Hơn đứt bà Hoa của chúng ta!

Tôi lừ mắt. Dương vội im bặt. Hắn vốn hay bị tôi bắt nạt nhất trong lớp. Dù hắn có sắp trở thành cử nhân Luật thì vẫn cứ sợ tôi một phép. Mỗi lần về Tết, về hè đều cun cút làm tài xế chở tôi đi khắp nơi.

Chúng tôi tập trung ở đây để cùng đến nhà Long tổ chức họp lớp đầu xuân. Sau khi bao nhiêu địa điểm đề xuất đều bị từ chối đăng cai hoặc bị bác bỏ, cuối cùng mọi người quyết định tổ chức tại nhà Long. Lý do là hắn đã có vợ, có nhà riêng rộng rãi, tha hồ tự do thoải mái, kéo dài bữa tiệc bao lâu tùy thích. Cũng thật bất ngờ là Long lại đồng ý chứ không chối đây đẩy vì hoàn cảnh khó xử của mình.

Kể từ khi nhập học đại học đến giờ, tôi chưa một lần gặp lại Long. Nhớ lại Long của thời phổ thông, tôi bất giác mỉm cười. Một mối tình thoáng qua, cũng xao xuyến, rung động, nó kéo dài như một tiếng đàn, tuy đã tắt nhưng thỉnh thoảng vẫn ngân nga trong lòng. Long không thi đại học, ở quê làm công nhân rồi lấy vợ đã được hơn hai năm. Chuyện Long lấy vợ tôi không hề biết. Chỉ sau cuộc trò chuyện rụt rè, úp mở như bàn chuyện cơ mật của thằng Dương tôi mới nắm được sự việc. Chuyện đó cũn g là tất yếu thôi, nhưng tôi vẫn thấy có điều gì đó hụt hẫng, bứt rứt, khó chịu không thoát ra được. Hôm nay tổ chức họp mặt đầu xuân tại nhà Long, tôi tính sẽ trêu chọc vợ chồng hắn một chút cho bõ tức.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Mọi người phi thẳng vào sân nhà Long, bóp còi xe inh ỏi. Biết là rất bất lịch sự nhưng đó là nghi thức của đám bạn phổ thông chúng tôi mỗi khi gặp nhau. Làm sao để náo nhiệt, gây ấn tượng nhất có thể khi xuất hiện. Điều này có lẽ còn lâu lắm mới có thể thay đổi được, dù chúng tôi đa phần đi học trên thành phố về.

Long và một cô gái - chắc là cô vợ - chạy ra, quýnh quáng mời chúng tôi vào nhà. Thấy tôi, mặt Long bỗng dưng đỏ lựng lên như mặt con gà chọi sắp vào trận. Cô vợ Long cũng ngượng nghịu, lóng ngóng hướng dẫn mọi người chỗ để xe máy.

Nhà Long rộng rãi, gọn gàng, sạch sẽ, chứng tỏ cô vợ Long rất đảm đang, tháo vát. Đồ đạc đã được thu gọn lại để dành chỗ cho buổi liên hoan. Thằng Thắng chạy xục xạo khắp nơi, gọi nhao nhác:

- Thằng cu tí đâu rồi? Ra đây chú mừng tuổi nào?

Thằng Dương liếc tôi thăm dò thái độ rồi thì thào:

- Hoa chào cố nhân đi kìa!

Cơ hội chọc ghẹo Long đã đến, tôi định thực hiện lời thách thức của Dương thì vụt cái Long chạy biến đi. Hắn tránh mặt tôi chăng?

Mọi người bắt đầu vào việc chuẩn bị cho bữa tiệc. Đám con trai khệ nệ khiêng bàn ghế, sắp xếp bát đĩa. Đám con gái thực hiện nhiệm vụ muôn thuở: tay dao tay thớt. Trong đám đông tôi luôn là người nói nhiều và hoạt náo nhất, phần vì tôi muốn thể hiện với Long, phần vì tôi phải đối phó với những lời trêu chọc của mọi người. Chính vì vậy mà tôi không có cơ hội được gặp Long. Chứ sao nữa, hễ nghe thấy tiếng tôi ở đâu là hắn tránh xa nơi đó.

Tôi để mắt tìm vợ Long. Cô gái cứ thấp thoáng lúc trên nhà, lúc dưới bếp, lúc ngoài sân, lúc nào cũng muốn đi thật nhanh để tránh ánh mắt và lời trêu chọc của mọi người. Đã thế, đám bạn vô tâm của tôi lại càng trêu tợn:

- Chúng mày có nhớ ngày xưa ông Long mê bà Hoa như điếu đổ không? Hai đứa chúng nó trông đẹp đôi nhỉ. Nếu thằng Long không vì hoàn cảnh gia đình neo người, khó khăn, vẫn thi đại học thì chắc mọi chuyện đã khác, chúng mày nhỉ.

- Giờ gặp lại nhau thì đã quá muộn rồi.

- Cố nhân giờ đã tay bồng tay mang, ha ha.

Một đứa níu áo vợ Long lại, đánh mắt về phía tôi, nói to:

- Em ạ. Chị kia ngày xưa là người yêu của anh Long đấy. Ơ thế anh ấy không kể gì với em à? Cái thằng thật là tệ!

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Cô gái mặt đỏ lựng, không nói được tiếng nào. Và cũng từ đó, ánh mắt của cô thỉnh thoảng lại liếc tôi sắc như dao cau. Thấy vậy tôi càng muốn trêu chọc cô gái ấy. Tôi càng cố tình khơi gợi vài câu chuyện xưa cũ. Đám bạn trong lớp cũng vô cùng hào hứng phụ họa. Không khí thật náo nhiệt, sôi nổi.

Tôi tìm cơ hội để nói chuyện với Long nhưng hắn cứ lẩn như chạch. Thỉnh thoảng nhỡ có chạm trán tôi, mặt hắn lại đỏ lên, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Long của ngày xưa giờ như thế này ư? Cái vẻ rắn rỏi, hoạt bát đi đâu mất rồi. Cái thời là ngôi sao của lớp, thậm chí là của cả khối đã trôi vào dĩ vãng. Ngay cả với đám con trai trong lớp, Long cũng không nói gì nhiều. Hắn dường như không theo kịp lối nói chuyện, đùa cợt sắc sảo, hiện đại của họ. Những thông tin mà họ đưa ra quá mới mẻ và xa lạ đối với Long. Thế mà ngày xưa hắn luôn là trùm sò các cuộc tụ tập của chúng tôi.

Mãi rồi tôi cũng có cơ hội để gặp Long. Tôi vừa muốn hỏi thăm về cuộc sống của hắn, vừa muốn trêu chọc vợ chồng hắn. Thấy Long đang dỗ dành cậu con trai ở mép giường, tôi liền sà xuống gợi chuyện, cố tình không để ý đến ánh mắt thăm dò, dè chừng của cô vợ:

- Chào cậu. Lâu lắm rồi bọn mình không gặp nhau nhỉ? Cuộc sống của cậu ổn chứ?

Long không đáp lời tôi ngay, cũng không dám nhìn thẳng vào mắt tôi, cứ ôm lấy cậu con trai hôn lấy hôn để, mặt đỏ như gấc chín.

Để xua tan sự ngượng ngùng của hắn, tôi đưa tay về phía lấy thằng bé. Nó tầm hơn một tuổi, trông rất mũm mĩm đáng yêu. Tôi dỗ dành nó:

-Nào, ra cô Hoa bế một chút nhé! Em bé dễ thương quá!

Long đẩy thằng bé sang cho tôi, nhìn vội tôi một cái thật nhanh rồi quay qua liếc cô vợ đang loanh quanh lau lau, dọn dọn trong nhà. Cứ thế, chúng tôi im lặng một lúc lâu. Tôi cưng nựng, chọc cười thằng bé cho không khí bớt nặng nề. Dù đã lường trước được tình thế này nhưng tôi không nghĩ là nó lại bi đát như thế.

- Khi... khi nào Hoa đi? - mãi sau Long mới lí nhí hỏi tôi.

Tôi chưa kịp trả lời thì thằng Thắng chợt chạy vụt vào, nhìn thấy chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau, nó la toáng lên:

- Á à. Bà Hoa này đáo để thật. Dám nói chuyện riêng với ông Long. Kiểu này ông Long lại khốn khổ với bà xã đây. Sau hôm nay thì ông ngủ dưới gầm giường nhé!

Long đã ngượng nghịu sẵn lại càng hốt hoảng, bối rối, mặt hết đỏ lại chuyển sang trắng, hai bàn tay cứ vặn vẹo vào nhau. Thằng Dương nghe ồn ào cũng chạy lên theo. Nhận định được tình hình, Dương vội ôm cổ Thắng kéo ra sân, bảo đi rót rượu chuẩn bị cho bữa tiệc. Nhìn vẻ mặt khổ sở của Long, tôi cũng không nỡ kéo dài thêm tình thế khó xử, nên trao lại đứa bé cho Long và đi xuống bếp với mọi người.

Tôi không hề muốn xuất hiện cảm giác thương hại, tội nghiệp cho Long nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm trí. Có gia đình thì đã làm sao mà Long lại xấu hổ, mặc cảm như thế chứ? Sau bốn năm gặp lại bạn bè học đại học về, Long cảm thấy quá thua thiệt, kém cạnh so với mọi người hay sao? Vậy sao hắn vẫn nhận lời đăng cai tổ chức buổi liên hoan? Cuộc sống gia đình đã biến hắn thành một con người khác? Tôi thầm tiếc cho một cậu Long tự tin, sắc sảo, nhanh nhẹn thuở nào. Những rung cảm, xao động ngày xưa sao giờ thật nhạt nhòa trong tôi.

Bữa tiệc liên hoan diễn ra trong không khí ấm cúng, vui vẻ, náo nhiệt thường thấy của những đám bạn trẻ. Để kéo Long vào cuộc chúng tôi lần lượt kể về cuộc sống của từng người, từ học tập đến yêu đương, cho Long nghe. Với tài pha trò của Thắng, vợ chồng Long đã chuyển từ e dè, thẹn thùng sang thoải mái, tự nhiên. Long đã dần dần lấy lại được phong cách tự tin của mình. Cô vợ mặt vẫn đỏ hồng nhưng là đỏ vì mấy chén rượu đám con trai nghịch ngợm lớp tôi ép uống. Nhìn cô vợ của Long vừa ôm con, cho con ăn vừa tròn xoe mắt nghe các câu chuyện mới mẻ, lạ lẫm của chúng tôi, thỉnh thoảng lại phá lên cười ngặt nghẽo, rất hào hứng, vui vẻ, ngây thơ, lòng tôi bỗng dưng dấy lên một sự ân hận.

Chúng tôi trêu chọc vợ chồng họ để làm gì? Cả năm chúng tôi mới được về quê vài ngày rồi lại đi biền biệt, lại hòa vào cuộc sống bận rộn, tấp nập chốn đô thị, lại lao vào guồng quay học, thi, làm thêm, yêu đương... liệu có lúc nào rảnh rỗi nhớ đến vợ chồng họ? Liệu có lúc nào viết thư, gọi điện hỏi thăm, chúc họ hạnh phúc, khuyên bảo, gợi ý, động viên họ trong công việc làm ăn? Vậy mà nỡ lòng nào khi có cơ hội gặp gỡ lại trêu chọc vợ chồng họ, có nguy cơ gây ra sự chia rẽ cho họ. Liệu cô gái vợ Long nhìn thật trong sáng, ngây thơ kia có hiểu rằng tất cả chỉ là trêu đùa, không có gì là ác ý, hay lại để bụng rồi dằn vặt Long? Biết đâu vì những lời nói của chúng tôi mà hạnh phúc của họ lung lay. Chao ôi, chúng tôi đã vô tâm, vô ý quá.

Đang mải mê chìm vào nỗi ân hận, tôi chợt nghe tiếng thằng Dương dặng hắng:

- Nhân cuộc gặp mặt đầu xuân này, tôi xin thông báo với mọi người tôi và Hoa đang chính thức tìm hiểu nhau. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì ngày này năm sau mời mọi người uống rượu mừng đám cưới của chúng tôi.

Cả đám ồ lên như vỡ chợ. Nhao nhao những lời cảm thán, chúc mừng lẫn trách móc. Tôi thấy nhiều khuôn mặt dãn ra như những tấm vải nhăn nhúm được là phẳng phiu, như những người trút được gánh nặng. Tôi liếc Dương để ngầm đe dọa: Tí về ông chết với tôi, nhưng tôi thấy nó cứ tảng lờ đi.

Tôi bất chợt mỉm cười: Có thể nó cũng có chung tâm trạng với tôi, thấy có lỗi với vợ chồng Long nên mới nói ra điều đó để cứu vãn tình thế. Cũng có thể chỉ là đùa vui, pha trò cho cuộc gặp mặt đầu xuân thêm thú vị. Cũng có thể nó thấy tôi trầm ngâm nên giúp tôi hóa giải tâm trạng. Cũng có thể...

Mọi người đang đổ dồn ánh mắt vào tôi, thấy tôi cười chắc đều nghĩ rằng tôi đang xấu hổ, thẹn thùng. Có ai biết được lòng tôi đang thật nhẹ nhàng, thanh thản.

Và có mấy ai để ý mùa xuân ngoài kia đang thật đẹp.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.