Bước ngoặt cuộc đời

Trương Thị Thúy
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tươi từ trong nhà xưởng bước ra, vẻ mặt bình thản nhanh chóng trở nên buồn rười rượi, đôi mắt rưng rưng. Nó đi nhanh về cuối dãy hành lang và chui tọt vào nhà vệ sinh. Cửa vừa đóng nó đã bật khóc tu tu.

Tươi từ trong nhà xưởng bước ra, vẻ mặt bình thản nhanh chóng trở nên buồn rười rượi, đôi mắt rưng rưng. Nó đi nhanh về cuối dãy hành lang và chui tọt vào nhà vệ sinh. Cửa vừa đóng nó đã bật khóc tu tu. Nó khóc đã đời rồi vặn vòi nước rửa mặt. Kéo vạt áo lên thấm khô hết mặt mũi, nó mở cửa bước ra ngoài. Mặc dù tâm trạng Tươi đã khá hơn lúc trước nhưng nó còn buồn lắm, nó lẻn ra khu vườn phía sau nhà xưởng, ngồi bệt trên đám lá khô dưới gốc cây. 

Tươi ngước nhìn tán cây, tự nhiên thấy bực mấy con chim. Người ta đang buồn mà chúng nó cứ nhảy nhót từ cành này sang cành kia, lích chích cười đùa với nhau như trêu ngươi vậy. Tươi nhớ lại lời mấy cô mấy chị vừa nói, thở dài, rồi dường như không kìm được, nó gục đầu xuống hai đầu gối, đôi vai rung lên. Nó không hề biết rằng có người đang tiến lại gần mình. 

Cô Linh đứng đằng sau, thấy Tươi như vậy mà nước mắt ứa ra. Hoàn cảnh của con bé giống cô xưa kia. Nhà nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ vất vả tảo tần nuôi hai chị em Linh ăn học. Thực sự cô rất thấm thía nỗi cực nhọc của một người phụ nữ đơn chiếc nuôi con, thấm thía sự thiếu thốn của những đứa con mà mái ấm lúc nào cũng chênh vênh bởi thiếu người cha bao bọc chở che. Nhưng Tươi còn khổ hơn cô Linh xưa kia. Con bé chỉ có một mẹ một con, không bà con thân thích nơi đây. Mẹ Tươi làm nghề thu mua nhôm nhựa, bữa được bữa không. Lại thêm đau bệnh nên bữa đi bữa nghỉ.

Tươi vào làm cho xưởng may của cô Linh đã hơn ba năm. Từ ngày hè năm Tươi học hết lớp 9. Lúc đầu Tươi xin vào làm, cô Linh biết con bé mới 15 tuổi nên không muốn nhận nhưng khi nghe Tươi kể về hoàn cảnh của mình, cô Linh thương nên sắp xếp cho nó cắt chỉ, gấp đồ. Lâu lâu cô Linh kiếm cớ đồ may lỗi, dư hoặc đầu mối tặng đối tác… để tặng con bé và mẹ nó. Con bé ngoan ngoãn, học việc rất nhanh, trong xưởng ai cũng quý. Nó học may một thời gian giờ đã may thành thạo, chịu trách nhiệm một máy rồi. Cứ nửa ngày đi làm, nửa ngày đi học. Tính ra mấy năm nay nó đã có thể tự trang trải tiền học bằng chính thu nhập làm thêm của mình.

Bước ngoặt cuộc đời - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Dù vừa đi học, vừa đi làm nhưng Tươi vẫn rất chăm chỉ và cố gắng học. Thấy con vất vả mẹ Tươi có nói với nó, lớp 12 nên tập trung ôn luyện, đi làm mất thời gian rồi lại không học được, để mẹ cố gắng đi mua sớm hơn ở những khu xa hơn xíu. Nhưng Tươi không chịu, nó thương mẹ vất vả. Nếu nó nghỉ làm, mẹ sẽ phải đi nhiều con đường hơn. Mẹ sẽ phải gò lưng chở đồ trên chiếc xe đạp cũ bong tróc hết sơn như một con vật bị ghẻ bong từng mảng lông, đi lúc nào cũng cọc cạch. Mẹ sẽ không dám mua thuốc khi đau ốm. Tươi thưa với mẹ nó sẽ sắp xếp thời gian để học. Nó hứa với mẹ sẽ thi đậu tốt nghiệp và sẽ đăng ký xét tuyển đại học ngành Sư phạm. Vậy mà khi biết kết quả đậu Đại học rồi nó lại không dám nói với mẹ và có lẽ nó sẽ không nói. Ngày trước nó chỉ nghĩ cố gắng thi đậu vào ngành Sư phạm, vừa không mất học phí, vừa có thể theo đuổi mơ ước sau này trở thành một cô giáo. Nhưng Tươi không hề nghĩ đến những khó khăn sẽ gặp phải khi đi học. Nhà Tươi cách trường đại học ngót hai chục cây số. Ở lại thì mất tiền trọ, đi về thì không có xe. Hơn nữa, Tươi cũng muốn về với mẹ hơn, những lúc mẹ ốm đau Tươi còn biết mà chăm sóc. Rồi đi học thì thời gian đâu Tươi đi làm thêm như thế này nữa, có xin đi phục vụ ở mấy quán cà phê, quán nhậu tính qua tính lại cũng không thể đủ cho chi phí ăn học. Nhưng chẳng lẽ lại dừng ở đây? Mẹ biết sẽ buồn lắm. 

- Con bé này, nghĩ đơn giản quá. Học sư phạm dù không mất học phí nhưng cũng đủ thứ chi phí. Mỗi tháng không có vài ba triệu không xong. Tiền trọ, tiền ăn uống sinh hoạt, tiền sách vở, tài liệu… Không ít nhé. 

Câu nói của chị Hòa vừa nãy trong xưởng lại vang lên trong đầu Tươi. Nó đưa hai bàn tay đan chéo vào nhau đỡ lấy đầu, ngửa người ra phía sau. Bỗng nó lúng túng:

- Cô! 

Tươi định đứng dậy đi vào làm tiếp nhưng cô Linh đã bước đến ngồi bên cô bé. Cô nhẹ nhàng:

- Đậu đại học rồi mà sao lại buồn vậy? Cô nghe mấy chị em trong xưởng bảo con định làm đến cuối tháng là nghỉ, để chuẩn bị nhập học đúng không?

- Dạ! Con… (Tươi ngập ngừng) Chắc con vẫn làm cô ạ!

- Con còn đi học mà, sao làm được?

- Con… con chắc không theo học được cô ạ. Nhà con như vậy, chắc không theo nổi bốn năm đại học. Mẹ con đã quá vất vả rồi. Nhưng con chưa biết nói với mẹ làm sao!

Bước ngoặt cuộc đời - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Cô Linh quay sang cầm lấy tay Tươi. Cô thiếu nữ 17 tuổi trước mặt cô nhỏ bé, mỏng manh quá. Cô Linh giữ lấy tay Tươi trong đôi tay mình một lúc lâu rồi nhìn thẳng vào cô bé, trìu mến nói: 

- Dừng lại thì đơn giản rồi. Con vẫn đi làm chỗ cô, vài năm sau có thể lấy chồng, sinh con. Và cứ đi làm như thế này. Nhưng như vậy có nghĩa là cuộc đời của con mãi dậm chân tại chỗ. Sẽ như mẹ con, luôn trong một vòng luẩn quẩn với những khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Hãy mạnh mẽ lên, nếu con không dám bước tiếp sao biết cuộc đời phía trước có những gì đang chờ đợi? Khi con dám đối diện với những thử thách, khó khăn thì chắc chắn con sẽ tìm ra cách để vượt qua nó. Bé Tươi cô biết là một cô bé đầy nghị lực. Cố lên con, đừng từ bỏ ước mơ. Con phải biết con chính là động lực, là nguồn sống của mẹ con đấy.

- Mẹ con cũng từng nói với con vậy.

- Và chắc chắn mẹ con sẽ rất buồn nếu biết con có ý định từ bỏ ước mơ để ở nhà đi làm. Và mẹ con sẽ cảm thấy có lỗi, sẽ dằn vặt nhiều lắm khi không thể lo cho con. Điều đó còn kinh khủng hơn những vất vả mà mẹ con đang trải qua hàng ngày. 

Tươi im lặng. Cô bé đăm chiêu nhìn bóng nắng lọt qua kẽ lá, nhảy nhót dưới mặt đất trước mặt. Học tiếp hay dừng lại? Có lẽ cô Linh nói đúng. Nhưng Tươi thực sự rối bời khi nghĩ đến quãng ngày sắp tới. 

- Tươi này. Năm nay em Linh Lan nhà cô lên lớp 8 rồi, cô muốn nhờ con kèm cho em hai môn Toán, Anh được không? Cô nghĩ ngoài thời gian đi học, con sắp xếp kèm cho em bốn buổi, mỗi môn hai buổi. Chỉ tiếng rưỡi một buổi thôi. Tiền dạy cô sẽ trả như mọi lần bé Lan học gia sư tại nhà. Mấy lần con chỉ bé Lan học bài, nó thích lắm, bảo chị Tươi chỉ dễ hiểu, thích học với chị Tươi.

Tươi còn đang ngạc nhiên chưa biết nói gì thì cô Linh nói tiếp:

- Nhà cô có dư cái xe đạp điện, con cần dùng cô cho mượn. Đi học cho tiện. Đầu năm nhập học có nhiều thứ phải chi tiêu, có cần cứ nói với cô, cô giúp cho. 

- Con cám ơn cô nhiều lắm, nhưng con không dám…

- Không dám cái gì chứ. Xe cô cho mượn để con đi đi về về còn kèm em Lan. Chứ con mà ở trọ ở gần trường thì ai dạy Lan giúp cô? Với lại, xe phải đi chứ cứ để không nó lại nhanh hỏng ấy. Cô sẽ trả trước tiền học của em Lan cho con. Nhưng nói vậy, chứ khi nào khó khăn quá cứ nói cô, coi như cô cho con mượn, sau này ra trường đi làm trả cô cũng được. 

Nghe cô Linh nói mà sống mũi Tươi cứ cay cay. Nó không biết thời gian bốn năm sẽ trôi qua như thế nào. Nhưng hiện tại, Tươi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Cô Linh nói đúng, nếu nó không dám đối diện với khó khăn thử thách thì nó mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi nữa. Nó nghĩ đến ngày học xong, ra trường trở thành một cô giáo, thướt tha trong tà áo dài đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ học bài. Chợt Tươi mỉm cười. Chưa đầy một tháng nữa nó sẽ chính thức trở thành sinh viên đại học. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.