Cá không ăn muối...

Chia sẻ

Còn có mấy ngày nữa là nhà trai đến đón dâu, mà hôm nay, nhà ông Giang vẫn chưa “nhúc nhích” gì. Rạp chưa bắc, bàn ghế chưa kê, cũng chẳng thấy họ hàng người ra kẻ vào giống như nhà có đám cưới.

Trong nhà, không khí rầu rĩ, xám xịt hơn cả mấy ngày trời đầu đông âm u. Mấy cô em gái quây xung quanh an ủi, cũng không làm bà Lê – vợ ông Giang vui lên được. Bà chẳng buồn ăn uống, cứ ngồi rơi nước mắt, lúc nào không chịu được thì chửi toáng lên, “con với cái, thà mày giết bố giết mẹ đi còn hơn…”. Dưới bếp, Thảo nấu cơm, nhưng tâm trí cũng như bị bóp nghẹt đi sau những lời đay nghiến của mẹ…

Thảo chuẩn bị lấy chồng. Đã gần 30, tưởng như “có người lấy” là may – theo cách buôn chuyện của mấy bà hàng xóm, Thảo sẽ mang lại niềm vui cho gia đình. Nào ngờ, biết người Thảo định lấy là ai, bố mẹ cô chết điếng. Anh ta hơn Thảo 10 tuổi, đã hai đời vợ, và có một đứa con riêng. Thứ duy nhất “tươi sáng” là nghề nghiệp ổn định, công chức đàng hoàng, có nhà, có xe. Nhưng cũng không đủ kéo lại cái nỗi ê chề của bố mẹ Thảo, khi biết con gái đường quang không đi, lại đâm quàng bụi rậm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bố mẹ, cho đến chị gái, rồi cả họ hàng không ai ủng hộ người đàn ông ấy. Họ phản đối cật lực, thậm chí mẹ Thảo tuyên bố, bà mà còn sống thì anh ta đừng mơ bước chân vào làm con rể bà. Thảo biết kiểu gì mọi người cũng sẽ phản ứng gay gắt như vậy, nên cô rất bình tĩnh, bình tĩnh tới mức kiên định với lựa chọn của mình. Các dì của Thảo thì than thở: “Cái món hai, ba đời vợ thì chỉ có dở hơi thôi cháu ơi, đừng dại mà dính vào”. Thảo không cãi lại, mặc kệ bố mẹ hết lòng khuyên nhủ, cho đến mắng nhiếc, bỉ bôi, cô vẫn một lòng không thay đổi ý kiến.

Từ hôm báo tin, cũng vài lần người yêu của Thảo đến thăm gia đình cô, ngỏ ý muốn nói chuyện để hai bên hiểu nhau. Nhưng lần đầu đến, ông Giang, bà Lê cấm tiệt từ ngoài ngõ. Lần thứ 2, ông Giang thẳng thừng, “nhà tôi không có gì để nói cả. Tốt nhất cậu buông tha cho con gái tôi đi. Nó còn trẻ người, non dạ, không hiểu cuộc đời”. Lần thứ 3, anh ta vẫn đến, ông Giang điên lên, nhưng anh ta cầm lấy tay ông, tha thiết van xin được cưới Thảo, bởi “cháu yêu em ấy thật lòng. Cuộc đời cháu có nhiều thiếu sót, xấu xí, nhưng cháu hứa sẽ bù đắp cho em ấy”. Ông Giang giật mạnh tay, chẳng nói gì.

Vậy mà đất phải chịu trời. Bố mẹ Thảo vẫn phải đồng ý làm đám cưới cho con gái. Nhưng không giấu được sự gượng ép, lấy lý do đang dịch bệnh, họ chẳng hề mời hàng xóm láng giềng, mà chỉ có họ hàng. Rạp cưới cũng không to, chỉ vừa cái sân nhà bé tí. Cỗ bàn thế nào, bà Lê cũng khoán cả cho mấy người dì lo hộ, bà chẳng có tâm trí gì. Các dì bảo bà chuẩn bị vàng mừng cho con chưa, bà chán chả buồn nói. Còn Thảo, cô vẫn không ý kiến gì, lặng lẽ chuẩn bị chụp ảnh cưới, mời bạn bè và mấy việc vặt linh tinh. Nhà có đám cưới bình thường vui như thế nào, thì đây ngược lại hoàn toàn, tẻ ngắt và quạnh hiu, như chỉ làm cho có.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi ngày cưới cũng đến. Nhà Thảo đề xuất ăn hỏi xong thì cưới luôn cho nhanh, bởi “hay ho gì mà dềnh dang đến 3, 4 ngày”. Câu nói chua chát ấy của mẹ ghim sâu vào tâm trí Thảo, khiến cô gái cố gắng nén nỗi buồn suốt bao lâu nay giờ cũng phải vỡ òa. Thảo nấc lên rồi “truy” lại mẹ mình: “Con hỏi mẹ, đã bao giờ mẹ hỏi con có vui vẻ, có gì khó khăn trong cuộc sống cần mẹ ở bên, sẻ chia chưa? Từ bé, con đi chơi mẹ cũng cấm, suốt ngày toàn bắt học hành. Lên đại học thì mẹ cấm yêu, ra trường đi làm thì mẹ bắt phải kiếm tiền, rảnh rỗi thì ra Hà Nội chăm cháu cho chị. Chưa một lần mẹ hỏi con có bạn trai chưa, hay yêu đương thì phải thế nào? Giờ con tìm được người con yêu, thì mẹ cấm tiếp. Sao ai cũng được bố mẹ động viên mà mỗi con thì toàn là cấm đoán và nhiếc móc thế?”.

- Vì mày ngu, không biết chọn người mà lấy! – bà Lê không còn bình tĩnh nữa.

- Không phải, vì mẹ đã bao giờ dạy con chọn người yêu đâu… Thảo chua chát, gạt nước mắt. Cô định nói gì thêm, nhưng khoảnh khắc ấy, mẹ cô cũng như nhận ra điều gì, ánh mắt bà đau đớn hơn, và Thảo không muốn đau hơn nữa.

Ngày cưới, hàng xóm xung quanh xì xào “về làm vợ lẽ, bảo sao đám cưới chẳng mời gì mình!”. Ấy vậy nhưng khi nhà trai đến, ai cũng ngạc nhiên. Không những đến rất đông mà còn chỉn chu và sang trọng, khác hẳn với vẻ tiêu điều của nhà gái. Ông Giang, bà Lê hơi ngượng vì rạp cưới còn chẳng đủ cho 1/3 khách. Lúc trao quà, trong khi nhà trai trao vàng liên tiếp thì bố mẹ Thảo ngồi dưới nhấp nhổm, bởi họ chỉ chuẩn bị hai chiếc nhẫn vàng nho nhỏ. Bỗng dì út dúi vào tay mẹ Thảo một chiếc hộp to, trong là chiếc kiềng vàng, dì bảo “cái Thảo nhờ em đưa cho chị, bảo chị tí trao cho nó”. Bà Lê ngậm ngùi cầm lấy, nhìn lên con gái đang cười rất tươi. Lâu lắm rồi bà mới thấy Thảo cười.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi đám cưới cũng xong xuôi, Thảo về làm dâu, thỉnh thoảng vẫn về thăm bố mẹ. Không khí gia đình vẫn vậy, dường như càng lặng lẽ hơn khi con gái út đi lấy chồng. Ông bà Giang đều đã về hưu, ngày ngày chỉ đi ra đi vào, có lúc thấy Thảo về cũng vui đấy, nhưng nhìn thấy chàng rể, họ lại tự động kìm niềm vui ấy lại. 3 tháng, nửa năm, rồi một năm trôi qua, Thảo cũng sắp sinh con đầu lòng. Lúc này, bà Lê mới đồng ý ra nhà thông gia thăm con, thăm cháu, dù từ lúc Thảo cưới, nhà chồng luôn tha thiết mời bố mẹ cô ra chơi. Bà để ý, họ đối đãi với Thảo cũng không tới nỗi nào. Cô ở cữ, mẹ chồng luôn tay chăm sóc, kèm thêm một người giúp việc. Chồng Thảo thì đi làm về là chăm vợ, ôm con. Bà Lê ra chăm Thảo mà không khác gì khách quý, chẳng phải làm gì. Bà không dám tin. Một ngày, bà đánh liều hỏi Thảo: “Con ở đây có tốt không?”.

Thảo cười, “Tốt mẹ ạ. Thật sự con cũng không dám nghĩ mình được đối xử tử tế như vậy”. Thảo bảo, ngày cô được chồng đưa về giới thiệu, mẹ anh đã rất gay gắt. Nhưng không phải vì phản đối, mà bà gay gắt với con trai và bắt anh hứa, Thảo sẽ là người phụ nữ cuối cùng, quan trọng nhất của anh. Bà cảm ơn Thảo đã chấp nhận lấy một người đàn ông nhiều sai lầm như con bà. Suốt thời gian làm dâu, không chỉ chồng mà cả mẹ chồng đều chăm chút, như để bù đắp hết mức cho Thảo. “Con cũng đặt ra nguyên tắc trong việc anh ấy có trách nhiệm với con riêng. Ít nhất là mọi thứ vẫn ổn tới bây giờ. Mình cứ trọn vẹn, có lý có tình với người ta thì họ cũng sẽ đối đãi với mình như vậy thôi ạ”…

Đêm về, bà Lê cứ nằm ngẫm nghĩ mãi lời con gái nói. Thì ra, nó quyết tâm vậy thôi chứ vẫn còn đó nhiều mông lung, nghĩ ngợi về tương lai lắm. Vậy mà làm mẹ, bao lâu nay bà cứ giả vờ bỏ ngoài tai, không quan tâm đến con gái, mặc kệ nó, cái đồ “cá không ăn muối thì cá ươn”. Bà tự dặn mình, thôi thì con mình đã chọn được con đường riêng cho nó, bà phải làm thế nào để nó vững tin mà đi tiếp, có vậy, hạnh phúc mới thật sự đến với nó, và vợ chồng bà cũng thấy vui hơn sau những ngày dài tưởng chừng như bi kịch, bởi cứ sống mãi bằng cái nhìn của người khác!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.