Các cấp Hội LHPN Hà Nội: “Nói không với bếp than tổ ong”

Chia sẻ

“Xóa sổ” bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu trọng điểm của thành phố Hà Nội trong năm 2020. Thời gian qua các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời triển khai nhiều mô hình hay, việc làm sáng tạo, thiết thực giúp cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân thay đổi hành vi và “nói không với bếp than tổ ong”.

Từ đẩy mạnh tuyên truyền về “Bếp than khó thở”…

Chia sẻ tại buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thạc sỹ Nguyễn Văn Thanh, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trao đổi, phân tích kỹ những tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Theo đó, khi người sử dụng bếp mà đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi mịn và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2…). Lúc đầu, những loại khí này sẽ không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh. Các chất khí được phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn.

Hội LHPN phường Liễu Giai, quận Ba Đình tặng bếp điện cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khănHội LHPN phường Liễu Giai, quận Ba Đình tặng bếp điện cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Không chỉ có người trực tiếp tham gia đốt than mà ngay cả những người xung quanh nhất là người già và trẻ em đều có thể phơi nhiễm với CO và bụi mịn qua ba con đường: hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Hiện tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như: Viêm nhiễm đường hô hấp và phổi; Bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư thanh quản… cũng đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư có sử dụng bếp than tổ ong. Chính vì thế “Bếp than khó thở” được nhiều người coi là một “mầm họa” gây ô nhiễm không khí và kẻ giết người vô hình, thầm lặng.

Chị Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình cho biết thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ quận Ba Đình đã lồng ghép triển khai quán triệt và thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thay thế và loại bỏ bếp than tổ ong, coi đây là một trong những chỉ tiêu thi đua quan trọng trong công tác Hội năm 2020. Những buổi truyền thông tại các Chi hội do Hội tổ chức, các hộ gia đình đã nắm bắt thêm được nhiều kiến thức, thông tin bổ ích về tác hại của việc sử dụng than tổ ong và những quy định của thành phố trong thời gian tới đây, đồng thời ủng hộ chủ trương và mục tiêu chung của cả thành phố và cộng đồng vì môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

Hội LHPN phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng tặng bếp điện cho hội viên có hoàn cảnh khó khănHội LHPN phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng tặng bếp điện cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Tương tự tại quận Cầu Giấy, chị Nguyễn Kim Lê - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN quận Cầu Giấy trao đổi: Là một trong những đoàn thể tích cực tiên phong đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, Hội LHPN quận Cầu Giấy đã phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường quận xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách chi tiết các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng bếp than tổ ong. Đồng thời Hội còn thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể khác giám sát vận động người dân, phối hợp với Ban quản lý chợ Cầu Giấy – Hội LHPN khối chợ tuyên truyền vận động các gia đình nhất là với các hộ kinh doanh dịch vụ tham gia ký cam kết không sử dụng than, bếp than tổ ong, từ đó từng bước thay thế và “xóa sổ” toàn bộ việc sử dụng than tổ ong và bếp than tổ ong bằng những loại bếp, nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Đến “xóa sổ” bếp than tổ ong bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo

Nhằm thực hiện xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, từ ngày 1/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường có sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu. Sau một thời gian, các cấp Hội Phụ nữ quận Ba Đình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thành lập và ra mắt hàng chục mô hình “Phụ nữ nói không với than và bếp than tổ ong” tại các chi hội trên địa bàn.

Hội LHPN phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tổ chức ký cam kết cho các hội viên trong chi hội phụ nữ nói không với bếp than tổ ongHội LHPN phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tổ chức ký cam kết cho các hội viên trong chi hội phụ nữ nói không với bếp than tổ ong

Tại quận Cầu Giấy, Hội đã xây dựng Kế hoạch số 28 về việc triển khai thành lập mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với bếp than tổ ong” nhằm nâng cao vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong việc vận động và thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường. Hội Phụ nữ cấp cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: cán bộ Hội trực tiếp đến các hộ gia đình, thành lập các nhóm zalo để giám sát, truyền thông tác hại của than tổ ong trên trang mạng xã hội… để người dân, hội viên thấy rõ những tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và đời sống. Tính đến quý III năm 2020 đã có 100% các cơ sở Hội Phụ nữ hoàn thành ra mắt mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với bếp than tổ ong”, gần 200 gia đình có sử dụng bếp than tổ ong đã ký cam kết không tiếp tục sử dụng. Với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, Hội Phụ nữ cơ sở của quận đã đề xuất chính quyền phường quan tâm tặng bếp ga, bếp từ để sử dụng và thường xuyên giám sát.

Trao đổi với phóng viên báo PNTĐ, chị Nguyễn Lan Hương – Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa nói: “Việc thành lập mô hình “Chi hội phụ nữ không sử dụng than và bếp than tổ ong” là thực hiện hóa Chỉ thị số 15 của UBND TP và các văn bản chỉ đạo của quận Đống Đa về việc tuyên truyền vận động hướng tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong năm 2020”. Sau khi triển khai thí điểm mô hình này tại Hội LHPN phường Thổ Quan, quận Hội tiếp tục nhân rộng mô hình này tới Hội LHPN các phường còn lại để phấn đấu đến hết tháng 12/2020 trên địa bàn quận Đống Đa không còn hội viên phụ nữ sử dụng bếp than. Để trợ giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi sử dụng sang các loại bếp thân thiện với môi trường, Hội LHPN phường Thổ Quan, quận Đống Đa đã huy động nguồn xã hội hóa tặng 50 bếp hồng ngoại trị giá 40 triệu đồng cho các hộ gia đình khó khăn. Với bếp than tổ ong không sử dụng, Hội LHPN phường còn thu gom, trang trí để tái chế thành chậu trồng hoa, cây xanh tặng các trường học.

Hội LHPN quận Đống Đa tặng chậu hoa làm từ bếp than tổ ong cho các trường họcHội LHPN quận Đống Đa tặng chậu hoa làm từ bếp than tổ ong cho các trường học

Vui mừng khi được nhận bếp điện, chị Bùi Thị Hồng Hà, hội viên phụ nữ phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng cho biết: Gia đình thuộc diện khó khăn, chồng chạy xe ôm, hai con còn nhỏ, bố mẹ thì già yếu. Từ trước đến nay, gia đình vẫn sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu hằng ngày, thời gian gần đây được các cấp Hội phụ nữ tuyên truyền vận động, chị Hà đã biết được tác hại của khí than đến môi trường và sức khỏe, gia đình chị rất vui và cảm ơn Hội đã chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm đến đời sống hội viên khó khăn”. Nhờ vận động các nhà hảo tâm đồng thời chủ động đề xuất các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi từ bếp than tổ ong sang các loại bếp khác, tặng bếp điện, bếp từ, hỗ trợ tiền điện… tính đến nay, Hội LHPN quận Đống Đa đã tặng hàng trăm bếp điện thay thế bếp than tổ ong cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.