Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn
(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã sáng tạo, đổi mới, thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, triển khai thực hiện hoạt động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 1/1/2025.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Tại Thủ đô Hà Nội vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm từ chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Theo kết quả thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra, trong khi đó, việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn thành phố. Lượng rác thải này đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ đó, việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy rác thải rắn trở thành vấn đề nan giải, thách thức lớn với công tác quản lý đô thị của thành phố; tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Theo bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Thành phố luôn tích cực tổ chức các phong trào về bảo vệ môi trường; xây dựng các chiến lược về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; triển khai đồng bộ các giải pháp trong viêc bảo vệ môi trường, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường mang tính bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố luôn quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường để Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp
Với trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội Phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của Thành phố, những năm qua Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN các quận/huyện và cơ sở đổi mới các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường; xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Mỗi cơ sở Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhiều công trình phần việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”… Năm 2024, Hội Phụ nữ đã tổ chức “Ngày Phụ nữ Thủ đô chung tay phân loại và xử lý rác thải” nhằm tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn và đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả về phân loại và xử lý rác thải trong các cấp Hội phụ nữ Thủ đô, đặc biệt là trong bối cảnh toàn dân khẩn trương vệ sinh môi trường khắc phục sau cơn bão số 3.
Không dừng ở việc tuyên truyền, phân loại, xử lý rác thải, để có thể khai thác triệt để hiệu quả từ rác thải, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã linh hoạt, đổi mới các mô hình, cách làm hay, hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rác.
Có thể thấy, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, chất thải rắn sinh hoạt có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Hiện nay, Hội LHPN Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai, duy trì hiệu quả và nhân rộng 2 mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới kinh tế tuần hoàn chủ đạo là mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện” và “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”.
Hội LHPN quận Hoàng Mai là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng nhiều mô hình hiệu quả bảo vệ môi trường, tiêu biểu như mô hình “Trạm rác văn minh”. Theo chị Nguyễn Lệ Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàng Mai, từ tháng 8/2023, Quận Hội đã đồng loạt khánh thành 20 “Trạm rác văn minh” trên địa bàn 14 phường tại các điểm công cộng như: Trường học, khu chung cư cao tầng, khu dân cư, tại các chợ... để không chỉ cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia phân loại rác thải rắn sinh hoạt có giá trị tái chế cao như chai, lọ, thùng giấy, bìa,... mà ngay cả người dân đều có thể thực hiện dễ dàng. Sau khi phân loại Hội bán rác tái chế để gây quỹ hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho các hoạt động của Hội LHPN các cấp.
Cùng với quận Hoàng Mai, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả mô hình, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã liên tục sáng tạo, đổi mới hình thức triển khai, tiêu biểu như: Mô hình “Ngôi nhà xanh”, mô hình “Nhà của pin” được thiết kế nhỏ gọn, gắn tại cửa các hộ gia đình tình nguyện tham gia, phù hợp không gian nhỏ, hẹp của ngõ, ngách các khu dân cư thuộc khu vực nội đô. Hay như mô hình CLB “Hỗ trợ phụ nữ thu gom ve chai” tại quận Nam Từ Liêm với các hoạt động liên kết, tập huấn, vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ vật dụng bảo hộ cần thiết trong công tác thu gom, phân loại rác thải dành cho đối tượng phụ nữ làm nghề thu gom ve chai tại địa phương. Qua đó, tạo vòng tuần hoàn khép kín, giúp công tác thu gom, phân loại và bán để gây quỹ được triển khai hiệu quả, được cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao. Đến nay, mô hình đã được triển khai rộng khắp Thành phố. Trung bình hàng năm, các cấp Hội thu gom, phân loại và gây quỹ khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” được thực hiện theo Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025” của UBND Thành phố giao Hội LHPN Hà Nội chủ trì từ năm 2022 đến nay.
Mô hình được triển khai bước đầu tại các huyện ngoại thành. Hàng năm các cấp Hội Thủ đô khu vực ngoại thành tổ chức tập huấn quy trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, giải pháp thu gom, xử lý và tái chế rác thải rắn, ứng dụng IMO nông nghiệp cho hơn 2.800 hội viên, phụ nữ trên địa bàn, đồng thời, tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai mô hình. Kết quả, sau một năm triển khai, đã có 50.761/66.681 (đạt 76,12%) hộ gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn 18 huyện, thị xã áp dụng thành công phương pháp ủ phân hữu cơ, sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi của các hộ gia đình, đồng thời, giúp giảm gần 13 tấn rác thải (khoảng 40%) xả trực tiếp ra môi trường.
Trong thời gian tới, để các mô hình được triển khai, duy trì, phát huy hiệu quả tối đa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Hội LHPN TP Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể sau: Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân Thủ đô tham gia thực hiện, duy trì các mô hình phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình gắn với phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội, thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của Thành phố, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ứng phó biến đổi khí hậu... góp phần xây dựng nếp sống lối sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh; Phát huy thế mạnh các kênh truyền thông của Hội, mạng xã hội trong đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; Đánh giá và nhân rộng các mô hình điểm trong công tác thực hiện phong trào, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; Chủ động kêu gọi xã hội hóa, liên kết, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, dự án tình nguyện vì môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn từ việc phân loại, xử lý rác thải của các doanh nghiệp, đơn vị tại địa phương, tạo nguồn lực hỗ trợ triển khai, nhân rộng mô hình hiệu quả.