Các con dâu ơi, mẹ không phải là osin cao cấp!

Chia sẻ

Mỗi buổi tối, vừa đấm lưng vừa xem tin tức cuối ngày, bà Oanh lại thở dài thườn thượt, chỉ mong cho sớm mai ngủ dậy dịch bệnh biến đi thật xa không trở lại nữa. Để các “con dâu yêu quý” của bà ngay lập tức về đây, đón lũ trẻ trở lại nhà chúng. Nguyên một mùa dịch, bà bận đến mức “hết hồn”!

Ngày nhận quyết định nghỉ hưu, bà Oanh thấy thảnh thơi lạ thường. Nhiều năm cống hiến cho công việc, bà không thấy buồn lắm khi phải xa anh chị em đồng nghiệp và cơ quan, vì bà nghĩ, khi trở về địa phương, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ khiến đời sống tuổi già thêm phong phú. Nghĩ mà vui, trước khi nghỉ hưu, bà đã hứa hẹn rất nhiều với các chị em phụ nữ trong khu phố, lên kế hoạch tham gia nhiều phong trào, đi đây đi đó xả hơi… Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính, vừa nghỉ hưu thì… dịch bệnh ập đến. Cả xã hội giãn cách, trường học đóng cửa, lũ trẻ không có nơi để học hành, chơi đùa khi bố mẹ chúng vẫn phải đi làm. Bà Oanh có tận 2 anh con trai, tức là 4 đứa cháu nội. Cùng một buổi tối, 2 nàng dâu thi nhau gọi điện cho mẹ chồng “cháy máy”, với cùng một “khẩn cầu”: Mẹ trông bọn trẻ giúp chúng con vài hôm với…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Oanh lúc ấy còn hăng hái, vui vẻ nhận lời ngay. Sáng hôm sau, 3 cái xe ô tô đỗ xịch kín cả sân nhà. Trẻ con, người lớn ào ra, ríu rít, khiến ngôi nhà của hai ông bà vốn bình lặng trở nên sinh động, tươi mới hẳn. Các con trai, con dâu của bà Oanh hớt hải bê hết thùng này túi kia, nào là quần áo, đồ chơi, sách vở của các con. Rồi chúng chẳng kịp hỏi han sức khỏe bố mẹ, nhao nhao dặn dò mẹ chồng. Bà Oanh phải nhẹ nhàng: “Cứ từng đứa một trình bày, để mẹ còn ghi chép lại kẻo quên thì khổ!”.

Thế là mất nguyên một buổi sáng, bà Oanh được các con dâu training (đào tạo) “kỹ thuật làm bà nội thời giãn cách”. Người trẻ cứ thao thao bất tuyệt, tiếng Tây xen lẫn tiếng ta, làm người già như bà Oanh ù hết cả tai vì chẳng hiểu gì. Nào là giờ học qua zoom, rồi ai-đi (ID), pát-guốt (password), mạng lác (lag)…, nghe mà cứ như ở chân trời nào ấy!

Cho đến khi chúng nó lên xe, yên vị gửi con để về thành phố, vợ chồng bà Oanh vẫn nhìn nhau… ngơ ngác. Quà nghỉ hưu của các con tặng bà đây ư? – bà hỏi chồng. Ông nhìn bà, cười khổ: “Thôi, chúng mình cùng cố gắng!”. Đóng cổng vào sân, suýt nữa thì quả bóng đập vào người hai ông bà. Bọn trẻ mới tí tuổi mà sút căng thật, may mà tránh kịp. Chồng bà Oanh lập cập đi dọn hết xe đạp, để dành sân cho các cháu nội được dịp “xổng chuồng”…

Suốt từ đó, nguyên một tháng trời, ngày nào vợ chồng bà Oanh cũng quần quật từ sáng tới tối. 5 giờ sáng, bà lục đục dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng và các cháu, rồi quét dọn nhà cửa, xếp lại đống đồ chơi các cháu dồn vội đêm hôm trước giờ đi ngủ. Tưởng dậy sớm hẳn như vậy là có thời gian tập thêm bài yoga, dưỡng sinh cho khỏe khoắn chân tay, nhưng ai ngờ mỗi đứa cháu thích một kiểu, thành thử bà phải chiến đấu trong bếp đến gần khi lũ nhóc ngủ dậy. Chồng bà hò hét các cháu dậy được thì cũng hết hơi, vì trẻ con thành phố vẫn còn thích ngủ nướng, chưa thay đổi thói quen được. Gắt gỏng thì chúng nó mếu máo, khóc lóc, làm nũng, mà nhỏ nhẹ, nựng lên nựng xuống thì mãi mới lôi được các cháu xuống giường. Nói chung, kế nào cũng mệt. Mấy hôm đầu, bà nội nấu không vừa ý, các cháu giẫy nảy lên, chẳng chịu ăn uống gì, ông bà phải ngồi ép mãi. Thành thử, chương trình chào buổi sáng, rồi thời gian ngồi trà nước với mấy ông bạn già hàng xóm của chồng bà Oanh cũng phải gạt đi. 9h sáng, khi lũ nhỏ ăn xong, mới thấy gương mặt ông bà giãn ra được đôi chút.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ăn tối cũng “trường kỳ” y như ăn sáng. Mà còn phải thay đổi món ăn liên tục, bà Oanh có hôm nhức mỏi hết cả lưng và cánh tay vì trang trí món ăn hình con vật theo yêu cầu, sở thích của cháu. Đã vậy, cứ một lúc các con dâu lại gọi về, nhắc mẹ cho con ăn thêm sữa chua, hoa quả, đồ ăn bữa phụ… Bà Oanh thấy mình còn hơn cả bảo mẫu, bởi ngày chúng nó đẻ, bà lên chăm, cũng chẳng tới mức luôn chân luôn tay thế này!

4 đứa trẻ thì 4 lịch học khác nhau. Ông bà phân công, ông trông đứa này học thì bà phải giám sát đứa khác chơi. Chơi theo lũ trẻ đã mệt, học theo chúng nó còn “căng thẳng hơn nhiều”. Học trực tuyến ở trường xong thì đến học thêm tiếng Anh, khổ nhất là mạng internet chập chờn, hoặc khi các cháu lười không chịu học, ông bà phải đôn đốc, nịnh nọt mãi. Học xong, chúng nó lại thích chơi game, hoặc gọi online để nói chuyện với bạn bè. Ngồi máy tính lâu thì hỏng mắt, ông bà Oanh sốt cả ruột… Quanh đi quẩn lại, một ngày đã hết tự lúc nào. Trời về chiều, bà Oanh lại tất tả cơm nước cho mấy ông cháu. Cái điện thoại của bà cũng được cài facebook, zalo để nói chuyện với bạn bè đấy chứ, nhưng giờ vứt chỏng chơ ở góc giường, chỉ có con dâu lúc nào “ra lệnh” thì gọi về mà thôi…

Sau 2 tuần chiến đấu với các cháu, ông bà phờ phạc cả ra. Không chỉ lũ nhỏ bận, mà cũng bởi các con, chẳng hiểu bận rộn thế nào, gọi điện về chỉ chăm chăm hỏi con chúng nó, không đoái hoài một lời tới bố mẹ. Chồng bà Oanh tóc bạc hẳn, vì ông vốn ưa sự yên tĩnh, thích ngủ sớm. Nay các cháu về, ríu rít cả ngày, lại chơi đùa đến 10h đêm mới chịu ngủ, lịch của ông cũng phải theo, nên ông mệt đi nhiều. Ông mới bảo vợ: “Thôi bà ạ, mình không thể luôn chân luôn tay theo nó mãi được! Giờ phải thiết quân luật, không nể nang gì bố mẹ chúng nó nữa!”.

Thế là sáng hôm sau, khi hò được lũ trẻ dậy ăn sáng, vợ chồng bà Oanh bảo các cháu ngồi thành một hàng và phổ biến “nội quy khi ở nhà ông bà nội”. Theo đó, không chỉ tự ăn, ăn ngoan không được đòi hỏi quá nhiều, sau mỗi buổi học phải biết phụ giúp ông bà việc nhà, học hành chăm chỉ và đi ngủ sớm. Nghe thì dễ, nhưng đến lúc thực hiện, bọn trẻ la oai oái. Những đứa trẻ “gà công nghiệp” không quen ăn bữa cơm nhiều rau, ít đồ rán xào, không biết quét nhà, cắm cơm, cũng chẳng mấy khi chịu lôi sách ra đọc… Ông bà Oanh không nể nang gì nữa, thẳng tay đưa các cháu vào nền nếp. Mấy đứa thi nhau gọi về… mách bố mẹ! Các con dâu bà Oanh lại ca mẹ chồng không tôn trọng các cháu, không để các cháu tự phát triển theo khả năng của mình… Bà Oanh kết thúc cuộc “họp kiểm điểm” của các con dâu bằng một câu xanh rờn: “Các chị cho tôi xin 1 tuần. Sau 1 tuần mời các chị đến đón con về, lúc ấy xem chúng nó ngoan hay hư hơn! Còn từ giờ tới lúc ấy, đã gửi con về đây cho tôi thì để yên để vợ chồng tôi rèn cháu!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không ai dám ho he, vì nếu giờ bị ông bà trả lại, các cô chẳng thể bấu víu vào đâu khả dĩ. Suốt 1 tuần đó, không được bố mẹ thiên vị, bênh vực nữa, bọn trẻ chỉ còn biết phải nghe lời ông bà. Ngủ sớm, dậy sớm, hỗ trợ ông bà làm việc nhà nên nhanh đói, ăn cũng nhiều hơn. Học hành thì nghiêm túc hơn hẳn, bởi nếu không nghiêm thì ông sẽ ngay lập tức tắt máy, “lúc ấy không theo kịp bài vở bằng các bạn, thì còn xấu hổ hơn nhiều”. Thế là 8 rưỡi, 9h tối, lũ trẻ đã tự lùa nhau đi ngủ vì một ngày tốn quá nhiều năng lượng!

Một tuần sau, các con trai, con dâu bà Oanh về thăm con, không dám nhắc lại chuyện trách mẹ chồng. Nhưng chồng bà Oanh không để yên, ông nhắc nhở các con, rằng “gửi cháu về đây, bố mẹ rất vui vẻ đón nhận. Nhưng xem mẹ các con như ô-sin cao cấp để sai bảo, chỉ hết cái này cái nọ, mà không biết an ủi, động viên thì sai hoàn toàn. Mẹ các con vừa nghỉ hưu, đáng ra phải được xả hơi, được các con chăm sóc, thì nay nai lưng ra chăm cháu nội mà không được một lời của con cái…”.

Các con bà Oanh cúi gằm mặt, chẳng nói được gì. Chiều hôm ấy, họ xin bố mẹ đón các cháu về lại thành phố. Ông bà Oanh không ý kiến, nhưng cũng buồn, bởi đã quen có các cháu ở bên. Còn lũ trẻ, thấy bố mẹ xếp đồ, cứ nằng nặc, có đứa khóc ầm lên: “Ứ đâu, mình mẹ về thôi, con ở lại với bà…”.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.