Cách nhìn của mẹ tạo nên tính cách của con
(PNTĐ) - Năm đó, một người bạn rủ mẹ con tôi đi Singapore với gia đình chị và gia đình một người bạn của chị. Đó là lần đầu tiên chúng tôi tự đi du lịch nước ngoài, vì người bạn tôi rất từng trải, lại thường xuyên đi phượt nên tôi mới yên tâm đồng ý. Nào ngờ, đến phút cuối, chị bạn tôi lại có việc bận nên phải hủy bỏ chuyến đi.
Còn lại ba mẹ con tôi và hai mẹ con người bạn của chị bạn, vẫn đành phải lên đường.
Trước hôm đi, hai gia đình chúng tôi gặp nhau. Vừa nhìn thấy con chị, tôi đã hơi giật mình vì cháu bé bị khuyết tật, chân khoèo, bước thấp, bước cao. Không phải là tôi kỳ thị người khuyết tật, mà là tôi trộm nghĩ ở nước ngoài lạ nước lạ cái, chúng tôi đã đủ bỡ ngỡ rồi thì làm sao hỗ trợ được cho hai mẹ con của chị. Không ngờ, chính mẹ con chị lại trở thành người dẫn đường cho 3 mẹ con tôi.
Máy bay đáp xuống sân bay ở Singapore, tôi còn đang lúng túng như gà mắc tóc, nhìn trước ngó sau chẳng biết đâu là cửa ra. Nghĩ đến chặng đường phải tự bắt xe taxi về nhà nghỉ mà tôi túa mồ hôi, ân hận vì sao mình liều lĩnh thế. Bỗng cô bé con chị bạn tập tễnh chạy ra chỗ một cậu nhân viên sân bay, rút ra tờ giấy từ trong túi áo rồi nói điều gì đó. Rất nhanh sau, cậu nhân viên đi về phía chúng tôi, khoát tay ra hiệu chúng tôi đi theo cậu. Thì ra, cậu ấy dẫn chúng tôi ra khỏi sân bay, còn hỗ trợ tìm xe ô tô đưa chúng tôi về đúng nhà nghỉ theo địa chỉ mà cháu bé cung cấp.

Chiều hôm đó, chị bạn lại tiếp tục khiến tôi ngạc nhiên khi đưa cho con gái một tờ bản đồ rồi nói con tìm đường ra siêu thị gần đó mua đồ ăn về nấu cho cả đoàn. Chị quay sang bảo tôi: “Chị cho hai đứa đi cùng con nhà em để bọn trẻ trải nghiệm Singapore luôn”. Tôi giãy nảy: “Không được, chúng nó đã biết gì đâu, nhỡ đi lạc thì sao?”. Chị bạn cười: “Các cháu cứ theo bản đồ này đi dọc xuống cuối phố là thấy siêu thị. Đường đi không quá xa và rất an toàn, chị cứ yên tâm. Nếu gặp khó ở đâu, bọn trẻ có thể hỏi người đi đường để giúp đỡ”.
Tuy nhiên tôi không an tâm nên vẫn giữ con ở nhà. Thế là con chị bạn đi một mình, lát sau mang về một túi mì gói. Rồi theo lời mẹ, cháu lại nhanh nhẹn vào bếp nấu mì. Tôi nhận làm thay con nhưng chị bạn gạt đi, nói nấu mì là việc nhẹ, con chị có thể tự làm được. Quả nhiên, lát sau cháu đã nấu được 5 tô mì hấp dẫn, nóng hổi. Tôi phục quá, liền hỏi chị bạn: “Cháu bị tật như thế mà chị lại sai con làm nhiều việc vậy, tội nghiệp quá. Chị cứ để cháu nghỉ ngơi, chị em mình có thể đi mua đồ ăn cho các con. Cháu nó thế còn đứng bếp nấu nướng, nhỡ khi nó bỏng thì sao…?”.
Chị bạn nhìn tôi cười: “Không đâu, chưa bao giờ mình coi con là khuyết tật cả. Mình dạy và ứng xử với cháu như mọi đứa trẻ bình thường khác. Ở nhà với mình, cháu vẫn phải đi chợ, nấu cơm, rửa bát, quét nhà… mình thấy nếu cứ để con không làm gì thì chẳng bao giờ con lớn được”.
Tôi lại hỏi tiếp: “Nếu chị cho con đi một mình ở Việt Nam mình thì em còn có thể hiểu được. Đằng này…”.

Chị bạn lại cười: “Trước khi lên đường, con mình đã tự tìm hiểu rất kỹ về cuộc sống ở đây, cháu biết nếu bị lạc thì phải tìm ai để hỗ trợ. Được cái tiếng Anh của con khá tốt nên con cũng tự tin”.
Mấy ngày sau, con gái của chị bạn lại thể hiện rõ sự tự chủ, còn biết cách mua vé tàu, biết nhìn biển báo để chọn các tuyến tàu điện ngầm… Trong khi đó, các con tôi thì nhút nhát, thường chỉ đi theo mẹ và không dám rời xa mẹ lấy một phút. Ngay cả lúc phải xếp hàng để mua nước uống cho cả đoàn, tôi cũng không dám cho con làm vì sợ nhỡ khi con làm rơi tiền nên thường chỉ bảo con ra ngoài đợi để mẹ mang đồ uống đến cho. Cũng vì thế mà so với bạn cùng lứa, hai đứa con tôi cái gì cũng lóng ngóng, vụng về, cả chuyến đi không sai được việc gì.
Giờ thì tôi đã hiểu cách nhìn của người mẹ làm nên tính cách của con. Người mẹ cho rằng con làm được và để cho con cơ hội tự làm mọi việc thì con sẽ làm được và qua đó dần dần lớn lên. Còn người mẹ luôn sợ con không làm được và không cho con cơ hội tự làm thì con cũng sẽ mãi không biết làm.