Cái điện thoại bàn bị bỏ

Chia sẻ

Bà Bình buồn lắm khi các con quyết định bỏ đi cái điện thoại cố định vốn lắp trong nhà. Chúng bảo bà, bây giờ, cả nhà con ai cũng có điện thoại di động cả rồi, để điện thoại cố định trong nhà cũng phí đi.

Con trai bà dẫn chứng, giờ đồng nghiệp, bạn bè đều chỉ quan tâm tới số di động của nhau. Khi muốn liên lạc thì chát chit, gọi qua zalo, viber… chứ mấy ai gọi điện thoại bàn. Ngay cả hai đứa cháu mới lớp 6 và lớp 8 của bà giờ cũng có nhóm bạn trên mạng xã hội cả rồi.

Nhưng, các con bà quên mất là còn ông bà. Vốn được mệnh danh là “cư dân low-tech” (kém công nghệ) của gia đình cả ông bà đều không biết dùng điện thoại di động. Muốn liên lạc với con cháu, ông bà chỉ biết nhấc máy điện thoại bàn lên gọi đi các nơi thôi.

- Ông bà ơi, thay vì gọi điện thoại bàn thì từ nay, ông bà gọi di động cho các cháu là được, con trai bà nói. Mà không thì để bọn trẻ chủ động gọi sang cho ông bà.

Thôi thì các con đều đã lớn cả, chúng muốn làm gì trong nhà chúng thì chúng cứ việc làm. Ông bà Bình chẳng nên can thiệp ngăn không cho con làm việc này việc kia. Con bỏ đi điện thoại cố định, bà chẳng muốn nhưng đành chấp nhận.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ đó, như con trai nói, bà lại gọi di động cho các cháu. Hiềm nỗi, chẳng mấy khi các cháu nào chịu nghe điện. Bọn trẻ con tính vung quăng bỏ vãi, nhiều khi về tới nhà là điện thoại cố định còn người thì di động. Ngày trước, khi còn có điện thoại bàn, mỗi lần bà gọi là chuông điện thoại réo khắp nhà. Bọn trẻ dù đang ở tầng trên, tầng dưới là đều nghe thấy và trả lời kịp thời.

Con trai bà nói sẽ để lũ trẻ gọi sang cho bà. Phương án này cũng chẳng khả thi. Bọn trẻ con ham chơi, chưa đủ chín chắn để hiểu nỗi lòng của người già luôn muốn gần con cháu. Thành thử, có khi cả tuần chúng cũng không chủ động gọi sang nhà để hỏi thăm bà.

Bà Bình cảm thấy, tự nhiên mình mất đi mối dây liên hệ với các con cháu. Ý nghĩ đó cứ quanh quẩn khiến bà tiều tụy hẳn đi. Rồi bà nghĩ hay là con cháu thấy ông bà phiền phức, không muốn bà cứ suốt ngày gọi sang cho chúng nữa.

Rồi bà bị ốm thật, hai ngày rồi chẳng muốn ăn gì. Khổ cho ông nấu cháo rồi lại bỏ phí. Con cháu thì chẳng biết để mà hỏi thăm. Ông vốn lập cập, chẳng biết nhớ nhớ quên quên, mắt lại tèm nhèm nên việc bấm máy gọi di động cho các cháu cũng khó. Bà ốm không gọi là ông cũng chào thua.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mãi tới ngày thứ 3, con trai bà vô tình rẽ vào chơi mới biết bà bị như thế. Ông bảo, bà bị bệnh tinh thần phần nhiều. Bà nhớ con, nhớ cháu mà không biết gọi cho con cháu thế nào.

Mấy hôm sau, điện thoại trong nhà bà Bình đột nhiên reo vang. Là thằng cháu nội gọi tới khoe:

Bố mẹ cháu lại lắp điện thoại cố định rồi bà ạ. Bố bảo, lắp điện thoại để cho bà và các cháu gọi cho nhau dễ dàng. Cái điện thoại này đổ chuông to lắm bà ạ. Vậy là từ nay, nếu nhớ thì bà cứ gọi cho cháu bà nhé, cháu sẽ nghe điện thoại của bà ạ.

Nghe xong, bà Bình cười, thấy mình khỏe hẳn ra.

LAN CHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.