Cái đứa... vứt đi!
(PNTĐ) - Hôm nay, người ta sẽ đến lấy nhà. Căn nhà cuối cùng. Nghĩa là từ đây, bà Yến ra đường ở. Đồ đạc của bà đã dọn dẹp xong, để dồn ngoài cổng. Bà chẳng biết đi đâu, cứ thần người ra mãi. Hàng xóm ái ngại. Rồi bỗng có tiếng xe máy, con gái bà về đón mẹ. Vẫn là hàng xóm, thấy cái cảnh mẹ con dắt díu nhau đi, khẽ thở dài: “Rõ khổ, ngày xưa chửi nó như vứt đi! Giờ cũng chỉ có cái đứa vứt đi ấy về nuôi mẹ!”.
Nhà bà Yến khi xưa giàu nhất làng, rộng nhất làng. Từ ngày làng lên phố, được đền bù đất tiền tỉ, đất chẳng mất đi là mấy mà lại có thêm tiền, bà lại càng được thể ra oai. Chẳng phải làm lụng gì, tiền có thì gửi ngân hàng và cho vay nặng lãi, ngày nào bà cũng váy bướm đi chơi cho sướng đời. Nhà cửa thì thuê người dọn dẹp, cuộc sống cứ như trên mây.
Ấy thế mà cứ hở ra là hàng xóm lại thấy bà quát tháo đứa con gái lớn. Huệ - con gái bà sinh ra mà như một sự nhức nhối của bà vậy. Im lặng cũng quát, cãi lại cũng bị mắng, làm cái gì cũng không vừa ý. Huệ có lẽ là người khổ duy nhất trong căn nhà sung sướng ấy. Bà Yến chẳng sắm sửa gì cho con gái, trông Huệ lôi thôi chẳng khác người ở vậy.

Bù lại, bà Yến cưng Tuấn - cậu con trai út như cục vàng, như thỏi kim cương. Tuấn được mẹ chăm chút cho hơn hẳn chị gái, và bà Yến cũng không ngần ngại thiên vị con trai trước mặt con gái. Lắm lúc, bà còn sỉ vả rằng bà chỉ có Tuấn là con, “Cái thứ con gái như mày chỉ có vứt đi, chẳng được tích sự gì!”. Tất cả là bởi sự trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tâm trí bà Yến, khi chính bà cũng từng là nạn nhân của sự cổ hủ ấy. Bà từng bị bố mẹ thiên vị, phải làm lụng khổ sở, không được quan tâm, chiều chuộng bằng anh trai, em trai, nên trong suy nghĩ của bà Yến, chỉ có con trai mới là tất cả. Đàn bà, con gái rồi cũng là thứ vứt đi, hoặc sau này lấy chồng, thì cũng là con là cái nhà người khác. Giờ, bà lại trút những tư tưởng ấy lên Huệ - con gái ruột của chính mình.
Ngày Huệ đi lấy chồng, bà Yến làm cái đám cưới xoàng không thể tả. Khách khứa thì ít, của hồi môn bà cho con gái cũng hẻo vô cùng. Thế mà, đám cưới của Tuấn, kể cả lần lấy vợ thứ hai của anh ta, bà cũng làm rình rang, khách mời ra vào nườm nượp suốt ba, bốn ngày. Nhưng rồi, cái gì cũng có giá của nó.

Chính sự chiều chuộng quá đáng của mẹ đã đẩy Tuấn vào vòng xoáy của ăn chơi, nợ nần. Lười làm, mà lại chỉ muốn hưởng, Tuấn sa chân vào cờ bạc lúc nào không biết. Đỏ đỏ đen đen vây quanh, Tuấn u mê chẳng thấy đường về. Ban đầu, chỉ là dăm ba triệu xin mẹ để bù chỗ này, chỗ kia, bà Yến không mảy may nghi ngờ gì. Rồi đến cả chục, vài chục triệu, cứ vài ba hôm bà Yến lại thấy con trai xin tiền rồi đi đâu mất hút. Bà gặng hỏi, Tuấn còn cáu: “Con đi làm ăn, nay mai con kiếm gấp mười về cho mẹ!”. Thấy con trai cáu, bà Yến không dám nói thêm, lại khấp khởi mừng thầm vì nghĩ con trai có hiếu.
Tuấn đi đánh bài đánh bạc, chỉ có bà Yến là không biết. Chứ cả làng này đều biết. Người ta đánh tiếng với Huệ, để mong cô lôi em trai về, bởi nói với bà Yến thì chỉ tổ nghe bà mắng lại vì dám “vu khống” con trai bà. Huệ về bảo mẹ. Đời nào bà Yến tin con gái. Bà mắng Huệ thậm tệ: “Cái loại mày chỉ biết nghĩ xấu cho em. Nó ngoan, nó giỏi chứ không vô tích sự như mày!”.
Thế mà mấy hôm sau, nhà bà Yến có khách. Là mấy người đàn ông cao lớn, đến đúng lúc bà đang váy áo tung xòe chuẩn bị đi chơi. Họ hất hàm, hỏi Tuấn đâu. Bà Yến vênh lên, chẳng sợ: “Nó đi làm, bận lắm. Các anh tìm nó lúc khác”. Mấy thanh niên cười khẩy: “Thằng đó mà làm à, có mà đang ngồi chiếu ấy! Thôi, nhắc cho bà biết, con trai yêu quý của bà đang nợ tiền chúng tôi. Mẹ con liệu mà bảo nhau trả, đừng để bọn này phải dùng biện pháp mạnh!”.

Và đó là lần đầu tiên, bà Yến phải bán đất để trả nợ cho con trai mình. Lần đầu, rồi lần thứ hai, thứ ba…, mỗi lần bán đất, là một lần cậu quý tử quỳ xuống ôm chân xin mẹ tha thứ, rồi lại đâu vào đấy. Cho tới hôm nay, khi sân, vườn đã bán hết, chỉ còn lại cái nhà hai tầng để ở - giờ bà Yến cũng phải bán nốt. Chúng nó đánh con bà nhừ tử mất thôi, nếu bà không chồng tiền ngay cho chúng nó.
Bà Yến tiều tụy đi nhiều, ánh mắt chẳng còn sắc sảo như trước, mà cứ lấm lét như sợ lại có đứa nào tự dưng nhảy ra đòi nợ bà. Giờ bà trắng tay rồi, tiền trong ngân hàng hết nhẵn, mảnh đất cuối cùng, căn nhà cuối cùng để chui ra chui vào từ nay cũng vào tay người khác. Cậu quý tử - kẻ dâng hết đất cát của mẹ cho bọn vay nặng lãi, đã đi trốn biệt tăm cả tháng nay chẳng thấy về. Tuấn chỉ gọi điện, mà mỗi lần gọi cũng chỉ là giục mẹ bán nhà trả nợ. Bà phải bán vội vàng, bán tống bán tháo để nhanh có tiền, rồi thu xếp đồ đạc để dọn đi cũng phải nhanh chóng như bị ai đuổi.
Cho đến cuối cùng, như nghĩ ra điều gì, bà Yến bỏ lại hết, chỉ mang theo vài túi quần áo. Nhưng bà không đi được. Bà cứ đứng lặng ở cổng, hết nhìn phía trước lại ngoái lại phía sau, như không muốn rời đi nơi từng là tài sản, là kỷ niệm, là cả cuộc đời bà từng có.
Sẽ chẳng ai nhận ra người đàn bà lầm lũi, khổ sở ấy là bà Yến cho đến khi Huệ trở về. Cô tất tả xách đồ của mẹ lên xe, rồi lắc vai bà: “Thôi, của đi thay người. Mẹ thế là trọn vẹn nghĩa tình với nó. Giờ mẹ kệ cuộc đời nó, mẹ về ở với con!”.

Bà Yến ngước nhìn con gái. Nó đã cao lớn và xinh đẹp thế này ư? Bao năm qua, một phút giây để chăm chú nhìn xem con gái lớn thế nào, bà Yến cũng không thèm dành ra. Chỉ biết đến con trai, bà mặc kệ cô con gái tự lớn, tự lao vào đời, tự bươn chải mà không một lần hỏi han, quan tâm như một người mẹ bình thường. Vậy mà hôm nay, đứa con gái mà bà xem như “cái đứa vứt đi” lại trở về, đón bà và sẵn sàng chăm sóc bà vô điều kiện. Bà Yến cúi gằm xuống, tay nắm lấy tay Huệ, chao ôi, bàn tay đứa con gái mà họa hoằn lắm, bà mới một lần cầm lấy. Bà cứ vuốt ve, như để xoa dịu đi những lỗi lầm mà ngày xưa bà cố tình, hằn học gây ra cho Huệ. “Giờ mẹ chẳng biết làm gì để xin lỗi con cả”, bà nói khe khẽ.
- Con có cần mẹ xin lỗi đâu. Mẹ là mẹ của con, mẹ nuôi con nhiều rồi, giờ để con chăm sóc mẹ!
Nắng chiều đổ bóng Huệ ôm mẹ trong lòng, bờ vai bà Yến run lên bần bật.