Cái giá của sự cố chấp

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cái tính ghê gớm, cố chấp của Hồng khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Nhiều khi cô không kiềm chế được mình, đã mắng mỏ, giận dỗi chồng vì những lỗi lầm không đáng có.

6h tối, Hồng vừa cắm nồi cơm thì điện tắt phụt. Ngó xung quanh vẫn thấy nhà hàng xóm sáng đèn. Cô bực bội nghĩ “không hiểu hỏng hóc ở đâu, lại đúng vào giờ cơm nước thế này”. Lúc này, ánh mắt Hồng chợt dừng lại ở tờ thông báo phát lần thứ hai về việc nộp tiền điện, không biết được dán sau cánh cổng từ bao giờ mà hôm nay cô mới thấy. Hàng tháng, việc đóng tiền điện đều do Tuấn đảm nhiệm, nên cô không để ý đến.

Vừa lúc đó, Tuấn đi làm về, hỏi: “Sao nhà cửa tối om vậy em?”.

Hồng nói gắt gỏng: “Tuấn ơi, anh làm ăn cái kiểu gì thế hả? Có mỗi việc đóng tiền điện thôi mà cũng làm không xong. Bây giờ anh làm thế nào?

- Ôi anh không để ý thông báo nên quên đóng rồi. Để anh gọi điện họ xử lý ngay đây.

- Anh không nộp tiền điện mà đòi làm được cái gì?

Tuấn mở điện thoại ra rồi lại ngập ngừng quay sang vợ: Anh… anh không còn đủ tiền trong tài khoản nữa. Em trả đi, rồi khi nào có tiền anh đưa cho em sau.

- Lại hết tiền? Sáng, trưa, tối, ngày ba bữa anh đều ăn cơm ở nhà, cũng không phải mua sắm, chi tiêu cái gì, mà sao lúc nào anh cũng hết tiền? Tôi đã rất là tâm lý khi không cầm thẻ lương của anh, mỗi tháng anh chỉ lo đóng tiền điện nước và tiền học phí cho con. Còn lại từ tiền thuê nhà, ăn uống, đối nội, đối ngoại, phát sinh, tiết kiệm… đều do tôi lo cả. Vậy mà có mấy tháng anh không hết tiền? Đấy chỉ cách đây hai tháng thôi anh cũng quên không nộp tiền học cho con để cô phải nhắn tin nhắc nhở riêng.

Cái giá của sự cố chấp - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cũng như mọi lần Hồng cáu gắt, làu bàu mãi rồi cũng thôi. Còn Tuấn chỉ biết lẳng lặng ngồi chơi với con, thậm chí đôi khi cũng không dám thở mạnh vì sợ vợ khó chịu. Anh hiểu rõ tính khí ghê gớm, đôi khi cố chấp của Hồng, vì vậy dù làm việc vất vả bên ngoài, anh luôn tâm lý, nhẫn nhịn vợ. Thu nhập của hai vợ chồng ở mức trung bình, gia đình hai bên ở quê cũng chỉ đủ ăn nên sau 5 năm kết hôn, họ vẫn chưa có nhà riêng.

Căn nhà vợ chồng Hồng thuê không lớn lắm, nằm kẹt giữa một con ngõ nhỏ của thành phố ồn ào và tấp nập. Dù cuộc sống không dư dả, chi tiêu chắt bóp, nhưng cuộc sống của gia đình nhỏ từng luôn rộn rã tiếng cười, đặc biệt là cậu con trai 4 tuổi tên Minh líu lo ca hát, đùa nghịch suốt ngày.

Mỗi buổi tối, Tuấn trở về nhà đều mang theo những câu chuyện vui nhộn từ công việc, từ những chuyến hàng đến những người bạn đồng nghiệp, khiến bầu không khí gia đình càng thêm ấm áp. Còn Hồng, càng ngày càng hay than thở về bộn bề lo toan, về áp lực nặng nề mà đôi khi cảm thấy quá sức chịu đựng. Nhưng Tuấn, người chồng hiểu vợ, luôn biết cách lắng nghe và đưa ra những lời khuyên dịu dàng, sẵn lòng chia sẻ gánh nặng.

Thế nhưng sự dịu dàng và ấm áp của Tuấn dường như không khiến Hồng cảm thấy hạnh phúc hay thỏa mãn. Trong lòng cô luôn tồn tại một sự bất an và không hài lòng mỗi khi nhìn vào những nỗ lực của chồng. Cô luôn có những phút giây so sánh, càu nhàu mỗi khi Tuấn đưa về số tiền kiếm được, cảm thấy chán chường vì nó không đủ để đáp ứng những mong muốn và dự định của cô. Thậm chí, Hồng còn không giấu được sự khó chịu về việc Tuấn chi tiêu vào những thứ mà cô cho là "vô bổ" và không cần thiết.

Dịp kỷ niệm ngày cưới, Tuấn hào hứng trích một khoản lương vừa mới lĩnh để chuẩn bị một món quà bất ngờ cho vợ. Anh hy vọng rằng hành động này sẽ thắp lại ngọn lửa tình yêu và sự quan tâm mà anh dành cho cô, một cách để anh thể hiện tình cảm không chỉ bằng lời nói mà còn qua việc làm.

Tuy nhiên, khi Tuấn trao hộp quà cho Hồng, thái độ của cô không như anh mong đợi. Hồng nhận lấy món quà một cách lạnh nhạt, không một nụ cười hay ánh mắt rạng rỡ.

- Tuấn, anh lại mua linh tinh cái gì đấy? Tiền đâu ra mà suốt ngày chỉ biết mua sắm vô tội vạ thế hả?

- Vợ cứ mở ra xem đi, nó hợp với vợ lắm mà cũng không đắt đâu.

Cô mở hộp quà ra, nhìn vào chiếc đồng hồ bên trong - một chiếc đồng hồ anh đã dành dụm từng đồng để mua lại hét lên: “Ui trời ơi, anh mua cái này làm gì? Xem giờ thì đã có điện thoại rồi, đeo ở tay để trang trí cho vướng víu à? Thôi anh mang ra cửa hàng trả lại đi. Nói khéo với người ta sao cho hợp lý, hoặc là lấy rẻ hơn giá mua cũng được. Chứ em không dùng đâu, phí cả tiền”.

Cái giá của sự cố chấp - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuấn đứng đó, với niềm vui nhạt nhòa và bàn tay trống rỗng. Anh thất vọng nói: “Em quá đáng rồi đấy? Em không bao giờ biết trân trọng những gì mà anh làm. Lúc nào cũng nghĩ anh làm những điều vớ vẩn à? Ở với em, thực sự quá mệt mỏi và áp lực”.

Hồng, vốn chưa bao giờ chứng kiến chồng mình phản ứng dữ dội như thế, nhưng cô lại không chịu khuất phục. Ngược lại, cô càng trở nên cứng rắn: "Nếu anh thấy tôi nhàm chán đến vậy, nếu anh không thể chịu đựng nổi tôi nữa, vậy thì xin mời, anh hãy biến mất khỏi tầm mắt tôi ngay lập tức”.

Tuấn bước ra khỏi căn nhà, lòng trĩu nặng cảm xúc, anh tìm về một quán cà phê quen thuộc nơi yên tĩnh để tìm chút bình yên cho riêng mình. Tại đây, anh ngồi lặng lẽ bên tách cà phê đã nguội, đôi mắt mông lung nhìn ra xa xăm. Chính quán cà phê này, anh đã tình cờ làm quen với Lan, một người phụ nữ có trái tim ấm áp, luôn biết lắng nghe và chia sẻ, điều mà lâu nay Tuấn tìm kiếm. Những cuộc trò chuyện với Lan đã trở thành liều thuốc an ủi cho trái tim mỏi mệt của anh.

Theo thời gian, mối quan hệ giữa Tuấn và Lan ngày càng trở nên sâu đậm, vượt qua ranh giới của tình bạn. Tuấn bắt đầu nảy sinh tình cảm với Lan, mặc dù phần sâu thẳm trong anh vẫn mãnh liệt yêu thương gia đình mình. Ngẫm lại, Tuấn thấy lòng mình bối rối, anh không muốn làm tổn thương Hồng hay xáo trộn cuộc sống gia đình nhưng cảm xúc dành cho Lan lại không thể nguôi ngoai.

Một ngày kia, không may, Hồng nhận được cuộc gọi từ một người bạn. Người bạn ấy đã nhìn thấy Tuấn và Lan cùng nhau đi ăn tại một nhà hàng sang trọng. Cú sốc về sự phản bội khiến trái tim Hồng như vỡ vụn, cảm giác đau đớn như sóng gió đánh gục tất cả niềm tin của cô. Đau khổ và ngập tràn cảm xúc, Hồng quyết định phải làm sáng tỏ mọi việc, cô cần một lời giải thích.

"Tại sao anh có thể làm điều này với em, Tuấn? Tại sao anh có thể đối xử với em một cách phũ phàng đến như vậy?". Hồng đối mặt với Tuấn, giọng nghẹn ngào đầy thất vọng.

Đứng trước ánh mắt đầy vẻ đau đớn và thất vọng của Hồng, Tuấn nhận ra sự ích kỷ và sai lầm của mình. Anh đã không kiềm chế được trước cám dỗ và dần trượt dài trong một mối quan hệ ngoài hôn nhân. Nhưng buổi tối đi ăn bị bắt gặp đó, anh đã quyết tâm kết thúc mọi chuyện, anh chia tay Lan để trở về với gia đình nhỏ của mình.

Tuấn tha thiết mong Hồng có thể mở lòng tha thứ để gia đình trọn vẹn như trước. Còn đối với Hồng cô cũng nhận ra lâu nay, mình cũng góp phần đẩy chồng ra xa mình. Những lo toan, cảm giác yên tâm nghĩ chồng sẽ... mãi là của mình khiến Hồng tự cho mình quyền được ứng xử với chồng thế nào cũng được. Trong khi đó, người phụ nữ kia lại cho chồng cô cảm giác được tôn trọng, sự nhẹ nhàng, ấm áp.

Việc Hồng có tha thứ cho chồng hay không, cô vẫn còn cần thời gian để suy nghĩ. Nhưng ít ra Hồng cũng đã nhận ra một chút gì đó chưa phải từ phía mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đau cột sống thắt lưng

Đau cột sống thắt lưng

(PNTĐ) - Hầu hết mọi người đều có ít nhất một lần trong đời có đau cột sống thắt lưng. Đau có thể khiến bệnh nhân lo lắng, thậm chí đau có thể xuất hiện với mức độ rất dữ dội, nhưng phần lớn đau cột sống thắt lưng theo tiến trình tự nhiên có thể tự hết trong vòng vài tuần. Những trường hợp cần can thiệp khẩn cấp hoặc phẫu thuật thường không nhiều.
Chăm sóc da mùa hanh khô

Chăm sóc da mùa hanh khô

(PNTĐ) - Mùa thu đến, tiết trời không còn nắng nóng gay gắt như mùa hè nhưng lại có phần khô hanh hơn khiến làn da dễ bị khô, bong tróc. Dưới đây là một số lưu ý để làn da duy trì được độ ẩm, mịn màng hơn trong mùa thu.
Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử?

Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử?

(PNTĐ) - Pháp luật hiện hành có những quy định và chế tài xử phạt để bảo vệ hôn nhân và gia đình. Theo đó những người vi phạm chế độ một vợ một chồng sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên trong thực tế, việc xử phạt hành vi vi phạm này vẫn chưa được sát sao và triệt để chỉ vì tâm lý chấp nhận và ngại tố cáo của người trong cuộc. Chính điều này đã dẫn đến kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.