Cảm ơn con dâu của mẹ!

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà Thảo chưa bao giờ thích con dâu. Lý do là vì theo bà, đã làm vợ, làm mẹ thì phải làm hết mọi việc, không được sai khiến, bắt chồng “phục tùng” cun cút như thế.

Sáng nào cũng như sáng nào, cứ 5 giờ là bà Thảo dậy, lục đục vệ sinh cá nhân rồi quét nhà, quét sân. Dọn dẹp xong xuôi thì nấu đồ ăn sáng cho chồng con. Bà làm nhanh thoăn thoắt, 6 giờ sáng cơm canh đã sẵn sàng, nhưng lúc ấy nào đã ai ngủ dậy. Ông Toản chồng bà thì còn “kéo bễ” đến trưa, còn Hùng – con trai bà thì ngủ nướng, dậy cái là phóng đi làm luôn. Gần như hôm nào, những bữa ăn sáng của bà Thảo đều thừa quá nửa.

Bảo bà Thảo dậy muộn hơn, hoặc để đấy con cái tự mua đồ ăn, mình đi tập thể thao, dưỡng sinh, hay cà phê cà pháo với bạn bè, thì còn lâu bà mới nghe nhé! Cái thói quen dậy sớm, làm đủ việc của bà đã trở thành nếp, kể từ ngày bà lấy ông Toản.

Ông Toản ham cờ bạc, rượu chè, tứ đổ tường chẳng thiếu cái chi, nên hơn ba mươi năm qua, cái nhà ông bà cứ mãi thấp bé, mái ngói cũ kỹ lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng bề thế của hàng xóm. Khi người ta tu chí làm ăn, thì ông Toản đốt sạch tiền, bà Thảo nai lưng ra kiếm “cúng” vào chiếu bạc. Khi người ta được an hưởng tuổi già, thì bà Thảo tiếp tục nai lưng – như một nghĩa vụ suốt cuộc đời, còn ông Toản – dù không chơi bài bạc nữa, nhưng vẫn ung dung, đủng đỉnh như một ông hoàng vậy.

Cảm ơn con dâu của mẹ! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hơn ba mươi năm sống chung, với cái tư tưởng cũ, bà Thảo chưa một lần dám quát, dám cãi lại chồng. Với bà, chồng có sai, có tội lỗi đến mấy thì vẫn là trụ cột gia đình, là người to nhất nhà, còn phận làm vợ như bà – thì chỉ là chịu đựng và nghe lời răm rắp. Bao nhiêu năm qua, làm ăn được bao nhiêu thì ra đi bấy nhiêu, lắm lúc vừa phải mót những đồng tiền cuối cùng cho chồng đánh bạc, vừa phải chịu đựng đòn roi của chồng, mà bà Thảo vẫn tự an ủi mình, làm vợ là phải vậy…

Vì thế, khi con trai bà đưa Hiền về giới thiệu, rồi lấy Hiền, cô trở thành con dâu bà Thảo, bà không hề ưa cô. Năm tháng chỉ quen với tăm tối và cam chịu, chưa một lần nhận lời yêu thương từ chồng khiến bà lúc nào cũng có tâm lý ác cảm. “Con bé ấy – tôi chẳng hiểu sao thằng Hùng lại ưng!” – bà tâm sự với mấy bà hàng xóm quanh nhà. Rồi bà chê Hiền dậy muộn, ăn uống thì đòi hỏi, lắm khi còn bắt chồng đi mua, rồi cứ cuối tuần lại bắt chồng đưa đi chơi, “cấm thấy nó mặc lại bộ quần áo nào trong một tuần, tiêu hoang thế chứ lại, không biết thương chồng là gì”, bà càu nhàu mãi. Nói chung, Hiền làm gì cũng không vừa mắt mẹ chồng.

Nhưng ngược lại, Hiền không ghét bà Thảo. Thậm chí, cô còn muốn gần bà nhiều hơn. Từ ngày mới về ra mắt, Hiền đã lăng xăng cạnh bà, chủ động hỏi chuyện. Không hiểu là quá vô tư hay vô tư có chủ ý, mà Hiền thi thoảng lại “sai việc” bố chồng. Ngay hôm đầu tiên về nhà, lúc bê mâm cơm lên nhà trên để ăn, thấy chiếu chưa trải, Hiền đã “bố ơi bố trải hộ con cái chiếu ạ! Con đang dở tay bê mâm rồi!”. Ông Toản trừng mắt nhìn dâu mới, kiểu “ô hay nó không biết mình là ai hay sao mà sai mình nhỉ?”, nhưng Hiền cứ tỉnh bơ: “Bố nhanh hộ con mới, mâm nặng quá!”. Thế là ông Toản phải bỏ cái điều khiển tivi xuống, lúi húi lôi cái chiếu dưới gầm tủ ra, vẻ rất nặng nề.

Cảm ơn con dâu của mẹ! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Từ bà Thảo đến Hùng hết hồn vì con dâu mới dám sai việc bố chồng như thế. Ông Toản cũng điên, mắng bà Thảo không biết dạy Hiền phận làm dâu con. Bà Thảo đổ hết bực tức lên đầu Hiền, thậm chí cấm cô không được “mất trật tự” như thế. Nhưng Hiền “vô tư” quá hay sao, mà thản nhiên tranh luận lại ngay, giữa cả nhà luôn: “Con thấy như thế là rất bình thường mà, cả nhà cùng nhau làm việc, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm thì có gì là sai! Thời buổi nào rồi mà đàn bà phải làm hết việc như thế!”.

Đó là “phát nổ” đầu tiên của Hiền, mở màn cho rất nhiều lần cả nhà trợn tròn mắt vì cô. Ông Toản - từ một người lâu nay như “ông hoàng” trong nhà, giờ bị con dâu thỉnh thoảng lại nhờ vả cái nọ, cái kia, khi thì “bố đón cháu hộ con”, “bố cắm hộ con nồi cơm”, hay “bố nhặt rau” thậm chí là “bố nhận đồ hộ con shipper đang ngoài cổng”… Ông Toản không làm không được, vì có lần Hiền nhờ ông cắm cơm, ông không nói không rằng cũng không làm, thành ra cả nhà hôm ấy chẳng có cơm mà ăn, thức ăn thì đầy mâm mà nồi cơm hiu hắt, đến là cười ra nước mắt.

Nhưng càng vậy, nhẽ ra càng “giải phóng” được cho bà Thảo, thì bà lại không ưa. Ai đời, người đàn ông mình dành cả đời để phục vụ, hầu hạ, không bao giờ dám sai khiến một câu, thì bây giờ lại nghe lời cun cút một đứa con gái ở đẩu ở đâu về làm dâu. Không được phép ghét chồng, bà quay qua hậm hực với con dâu. Bà đòi ăn riêng, rồi can thiệp chuyện vợ chồng Hiền, bắt cô dậy sớm làm lụng, vợ chồng cô đi chơi về khuya là gọi thông gia… Đủ thứ chuyện, Hiền vẫn nhịn, cho đến một ngày.

Cảm ơn con dâu của mẹ! - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bà Thảo bị sốt xuất huyết, mệt lả cả người, chẳng biết trời trăng gì, hơn chục ngày trời chân đi không vững, miệng thì đắng ngắt. Bà không thiết ăn uống nữa, chỉ nằm một chỗ. Suốt từng ấy ngày, Hiền phục vụ mẹ chồng, từ lau rửa đến ăn uống. Trước mặt là bát cháo sườn hầm hạt sen, bà Thảo nhẩm tính lại trong đầu, “hôm qua là thịt gà ác, hôm kia là chim bồ câu, ngày nào nó cũng lo đổi món cho mình”. Đặt bát cháo ngay đó rồi chạy ù đi luôn vì đã tới giờ đi làm, Hiền không kịp nhận thấy ánh mắt mẹ chồng mình rưng rưng, cay cay vì xúc động, và chắc là cả vì hối hận nữa. Nhưng rồi bà lại hết hồn khi trước khi phóng xe đi làm, cô con dâu của bà đã kịp “sai” bố chồng: “Còn cái nhà con chưa quét, với nồi cháo của mẹ tầm gần trưa bố hâm lại cho mẹ ăn nhé!”.

Hiền cứ “quang quác” lên như thế, mà ông Toản nghe thật. Nhìn ra cửa sổ, bà Thảo ngỡ ngàng thấy chồng đang cầm chổi, lúi húi hót rác ở đầu hè. Lạ lùng quá, trần đời bà chỉ thấy chồng cúi lưng ở chiếu bài, chứ cúi lung quét nhà thì đúng là đến lúc mắt kèm nhèm thế này mới thấy. Gần trưa, nhà vẫn chỉ có hai ông bà, con cháu đi làm, đi học đến chiều tối. Bà Thảo nhắm thấy mình dậy nấu nướng được rồi, mới mon men bám thành giường ngồi dậy. Ai ngờ đã thấy ông Toản bê bát cháo to tướng vào, bảo bà “ăn đi cho nóng!”. Bà Thảo xúc động ăn hết bát cháo, rồi thẽ thọt hỏi chồng: “Thế cái Hiền nó sai gì ông cũng làm à? Ông không sợ mất uy à?”.

Ông Toản cười buồn: “Tôi cũng chẳng biết, nó bảo thì mình làm, ban đầu còn khó chịu nhưng dần dần đâm quen. Nó bảo ông như thế các cháu vui lắm, đi đâu cũng khoe ông thương bà. Lạ thật, cả đời tôi mang tiếng phá nhà phá cửa chỉ biết hại vợ con, giờ được con yêu, cháu mến. Vậy thì cần gì uy nữa!”.

Bà Thảo lặng ngắm chồng. Bà biết, dù muộn màng, nhưng bà cũng đã cảm nhận được hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.