Cảm ơn mùa đông
(PNTĐ) -
Mùa đông ơi xin đừng hắt hủi
áo khăn này mùa trước vẫn nguyên hương
hương hò hẹn phập phồng trong vạt áo
tôi gói cùng nhịp trống chèo khuya
Hay cứ hắt hủi đi, mùa đông nhé
những câu thương câu nhớ đã phong trần
nhịp trống chèo tan theo câu giã bạn
hắt hủi bao lần cũng chả oan đâu
Tôi không ngờ mùa đông
vẫn dành cho tôi cơn gió lạnh
để ấm lòng một kẻ đi xa
Tôi cuống quýt quàng heo may vào cổ
choàng sương mai lạnh lẽo quanh người
cảm hơi ấm câu chèo trong gió bấc
băng giá giấu trong lòng nhen nhóm sưởi tình thơ
2/2015
Nguyễn Vũ Tiềm

LỜI BÌNH:
“Cảm ơn mùa đông” có lẽ là tuyên ngôn cứng cỏi nhất bởi nó được thốt lên trong sự lạnh giá. Cảm ơn mùa khắt nghiệt nhất, gay gắt nhất mà cũng thành thật nhất. Mùa đông, mùa cho ta nhận ra hơi ấm thực sự của lòng người:
Mùa đông ơi xin đừng hắt hủi
áo khăn này mùa trước vẫn nguyên hương
hương hò hẹn phập phồng trong vạt áo
tôi gói cùng nhịp trống chèo khuya
Mùa đông này vừa đến đã nhớ đông xưa. Phải rồi, chỉ có giá rét mới tạo ra cơ hội để gìn giữ những “hò hẹn”, những “phập phồng”, những “nguyên hương” trong khăn áo… Áo khăn gói lại, lòng người ấp ủ từ mùa cũ và mùa sau gặp lại vẫn muốn tìm thấy hơi ấm xưa. Nhưng thật bất ngờ, khổ thơ thứ hai lại là một phản đề khác:
Hay cứ hắt hủi đi, mùa đông nhé
những câu thương câu nhớ đã phong trần
nhịp trống chèo tan theo câu giã bạn
hắt hủi bao lần cũng chả oan đâu

Giọng điệu ở câu thơ này thật ngang tàng: “Hay cứ hắt hủi đi, mùa đông nhé”. Thế nhưng, khi đọc tiếp thì đâu phải như thế, đó là cách nói dỗi, nói ngược để được an ủi, được nâng niu. Những câu thương nhớ phong trần hay “nhịp trống chèo tan theo câu giã bạn” là những gì không níu kéo được, làm khác được. Cái cách mà người thơ tự nhận lỗi về mình ấy mới oan uổng, mới oan ức làm sao…Vậy thì mùa đông (hay chính là một cô gái nào đó, nàng thơ nào đó), đâu nỡ kết tội anh. Đến đây, ta bắt gặp hai khúc tâm tình, khúc đầu tiên là một khổ ba câu thơ như giọng lĩnh xướng:
Tôi không ngờ mùa đông
vẫn dành cho tôi cơn gió lạnh
để ấm lòng một kẻ đi xa
Nghe ra, rất mâu thuẫn mà thống nhất, đã là “gió lạnh” làm sao lại có thể “ấm lòng” được cơ chứ. Nhưng thật ra, với kẻ đi xa như người ly hương, người ly biệt thì cái lạnh giá ấy là một đặc ân. Bởi thế, anh nhận lại trong sự vồ vập, háo hức:
Tôi cuống quýt quàng heo may vào cổ
choàng sương mai lạnh lẽo quanh người
cảm hơi ấm câu chèo trong gió bấc
băng giá giấu trong lòng nhen nhóm sưởi tình thơ
Hóa ra, tình yêu chính là sự hóa giải các đối cực: Anh vội vã “quàng heo may”, “choàng sương mai”, cảm “câu chèo trong gió bấc” để ngưng kết băng giá trong lòng. Nhưng, chính băng giá ấy là nơi chuyển hóa sang mặt đối lập, nơi tình thơ bùng lên nồng nàn nhất…
Đọc câu thơ cuối cùng: “băng giá giấu trong lòng nhen nhóm sưởi tình thơ”, tự hỏi có phải là nhãn tự đặt ở đây để tạo nên một phục bút chăng? Không hẳn thế, với các nhà thơ hiện đại, ý tứ luôn là sự dung hòa của các đối lập, chuyển hóa các thái cực tạo nên một chất thơ riêng. Cảm ơn mùa đông của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Sẽ có nhiều mùa đông đến và đi nhưng chắc chắn nhiều người vẫn nhớ đến mùa đông trong bài thơ của anh…