Cảm ơn những cây thị nội trồng

Nguyễn Thuỳ Liên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hàng năm, hễ cứ tới dịp tháng 6 tháng 7 Âm lịch là cây thị trong vườn nhà tôi lại bắt đầu bước vào mùa quả chín. Đầu tiên là những quả chín bói, phải tinh con mắt lắm mới quan sát thấy những quả thị chín nép mình lấp ló sau các tán lá xanh biêng biếc.

 Miền quê yên ả của tôi hầu như nhà nào cũng trồng thị, nhà ít thì một cây dùng làm bóng mát cũng như để lấy quả ăn chơi; còn nhà nhiều thì có khi trồng tới cả vài, ba cây.

Gia đình tôi có tới 4 cây thị cổ thụ, và những cây thị với đường kính thân gốc lên tới cả gần nửa mét, cao cả vài chục mét. Những cây thị này là thành quả mà ông nội tôi đã vun trồng chăm bón từ khi nội còn trẻ. Nội từng kể về sự xuất hiện của những cây thị trong vườn nhà, đó là thời thanh niên lúc nội đi lính, đóng quân ở miền rẻo cao Hà Giang, nhân thấy một gia đình người dân tộc Mông ở trong bản, gần chỗ đóng quân của nội có cây thị to cao, quả mùa nào cũng sai lúc lỉu.

Điều đặc biệt là cây thị ra quả rất to, to hơn gấp vài, ba lần so với giống thị bình thường ở đồng bằng. Người chủ của cây thị ấy kể rằng ông ta lấy giống thị quý đó từ một cây thị mọc hoang trong rừng sâu... Và rồi, do mê giống thị nên nội tôi đã xin chủ nhà gần chục quả thị chín mang về, dùng hạt của nó để nhân giống.

Trong số những hạt thị được ươm trồng thì chỉ có 4 cây thị con mọc lên, và từ 4 hạt mầm nhú lên xanh tươi ấy đã cho ra kết quả là 4 cây thị hiện hữu trong vườn nhà tôi cho tới tận ngày hôm nay…

Cảm ơn những cây thị nội trồng  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Suốt quãng thời gian tuổi thơ tôi, chẳng có mấy khi mùa thị chín tới là tôi lại vắng bóng dưới gốc thị, kể cả những buổi tối, hay đêm trăng sáng. Lũ trẻ con hàng xóm cũng hay tụ tập bên dưới những gốc thị nhà tôi để chơi các trò chơi dân gian, bởi dưới tán thị luôn rợp bóng mát, lại ngập tràn một mùi thị chín thơm ngào ngạt đến khoan khoái, dễ chịu.

Mùa hè là mùa của những chú ve chui lên từ đất, và mấy gốc thị cũng là nơi chốn những chú ve chui lên, bò lên thân cây nhiều nhất, vì thế mỗi tối tôi vẫn hay cùng đứa em cầm đèn pin mò ra, men quanh mấy gốc thị để soi bắt ve mang vào nhà chăm chú xem chúng lột xác.

Như đã nói, vì nhà nào cũng trồng thị, nên khi bước vào mùa quả chín thì không gian cả làng quê tôi luôn ngập tràn trong mùi thị chín. Hương thị ùa vào cả những gian phòng ngủ của mỗi gia đình, chẳng vậy mà mỗi đêm hè, trước khi đi ngủ mẹ luôn nhắc tôi mở toang cánh cửa sổ để cho căn phòng thoáng đãng, cho hương thị chín ùa vào. Khi bước vào mùa thị chín, không chỉ được sở hữu những quả thị chín vàng rộm, cầm để ngửi hít hà, để chơi trong những chiếc bị đựng thị được đan bằng sợi treo lủng lẳng..; bọn trẻ chúng tôi còn được thoả thích ăn thị chín.

Thị chín nẫu nà (chín nhừ) ăn tuyệt ngon, khi vị ngọt, hương vị hấp dẫn của nó cũng chẳng kém hồng xiêm, ổi, nhãn, na... là bao nhiêu. Thực ra thì không riêng gì trẻ con mới “khoái khẩu” những quả thị chín, mà nhiều người già cũng thích ăn thị, bởi theo y học cổ truyền thì quả thị có nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Có một điều mà tôi thấy nó không hề thay đổi suốt bao nhiêu năm, đó là khi nội còn sống, hễ cứ bắt đầu bước vào mùa thị chín, khi những quả thị chín bói đầu tiên xuất hiện trên cây cao, là nội lại bắc thang, hoặc sai con, các cháu leo lên cây hái những quả chín bói ấy mang xuống, rửa sạch sẽ bụi bẩn, rồi sắp vào đĩa, sau đó dâng lên đặt ngay ngắn lên bàn thờ để thắp hương cầu khấn ông bà tiên tổ.

Nội tôi thường nói với chúng tôi rằng: "Quả chín đầu mùa bao giờ cũng phải dành cho ông bà tiên tổ trước, bởi làm như vậy thì mùa sau ông bà tiên tổ mới phù hộ cho những cây thị trĩu cành sai quả tiếp...". Và sau này, khi nội già yếu rồi mất đi, thì cha tôi luôn là người kế tiếp công việc mà khi xưa nội vẫn hay làm, đó là luôn hái những quả thị chín bói đầu mùa dâng lên bàn thờ để cúng ông bà tiên tổ, cúng nội.

Những cây thị do nội trồng thực sự nhiều năm đã là "cứu cánh" cho gia đình tôi. Khi những quả thị chín qua mỗi mùa được mẹ tôi hái mang ra chợ bán lấy tiền dùng mua gạo, thức ăn, hay chi tiêu cho cả nhà. Rồi tiền bán thị nhiều năm mẹ cũng luôn để dành cho mấy anh chị em chúng tôi mua sách bút, quần áo mới để tới trường học hành. Nói chung khi mà vào mùa thị chín thì hầu như hôm nào mẹ cũng gánh thị đi chợ phiên ở các làng xã xung quanh bán, để rồi khi về lại có tiền, dẫu không nhiều nhưng cũng khiến cuộc sống và những bữa ăn của gia đình tôi được đủ đầy, tươm tất hơn!

Chẳng vậy mà nhiều khi về nhà, ra vườn ngắm nhìn những cây thị già cổ thụ, nước mắt rưng rưng nhớ nội, tôi luôn thẩm cảm ơn nội, bởi chính những cây thị nội trồng đã góp phần “đưa” cả gia đình tôi vượt qua giai đoạn kinh tế nhiều khó khăn của những ngày xưa cũ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sống mãi với ký ức hào hùng...

Sống mãi với ký ức hào hùng...

(PNTĐ) - Sáng 10/10/1954, Hà Nội ngợp trời rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân đổ ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chi hội trưởng “tuổi cao, gương sáng”

Chi hội trưởng “tuổi cao, gương sáng”

(PNTĐ) - Những năm qua, phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, bà Quách Thị Quỳ, dân tộc Mường, là Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, Tổ trưởng tổ Phụ nữ cao tuổi thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì là tấm gương gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Hội Phụ nữ các cấp, của địa phương phát động.
Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều công trình, phần việc ý nghĩa. Qua đó, tạo được phong trào thi đua sôi nổi, cổ vũ cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô

Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô

(PNTĐ) - Những khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thủ đô trước hết đến từ quyết tâm đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc của lãnh đạo Thành phố. Những năm qua, Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư trên 2.144 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), từ ngân sách Thành phố.