Cần biện pháp mạnh để đủ sức răn đe

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các hành vi quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em gái tại nơi công cộng đã và đang xảy ra, hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ nên nhiều khi bị “núp bóng”, là đùa vui hay khen ngợi…

Nhiều vụ việc quấy rối vẫn xảy ra

Những ngày qua, mạng xã hội không khỏi bức xúc trước một bức thư và đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông “xin” ngủ cùng cô gái hàng xóm.

Theo đó, nạn nhân Đ.M.P (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, rạng sáng ngày 29/6, khi đang ngủ thì chị nghe thấy một giọng nam gọi cửa. Do ở nhà một mình nên chị không lên tiếng.

Sau một hồi không thấy động tĩnh gì, người đàn ông ném bức thư vào trong nhà rồi bỏ đi. Sáng hôm sau, chị P đọc bức thư và tá hỏa khi thấy nội dung: “Anh muốn đêm nay ngủ với em chút, khoảng 30 phút. Anh gửi em 2 triệu”. Thậm chí, người này còn dặn dò chị P không được nói cho ai biết và nên “biết điều”.

Kiểm tra lại camera, chị P phát hiện sau khi nhét thư, người đàn ông này còn quay lại ngôi nhà hai lần để gọi cửa và áp mặt nhìn vào bên trong nhà. Do lo sợ, chị P đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an, đồng thời đề nghị làm rõ danh tính người đàn ông trên.

Trước đó, cơ quan công an phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đã triệu tập đối tượng N.H.A (sinh năm 2004, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa) lên làm việc vì đã có hành vi sàm sỡ cô gái trẻ trước cửa một nhà trọ trên địa bàn phường.

Tại cơ quan công an, H.A khai, tối 27/6 khi đang đi đường thì thấy nạn nhân đi xe máy trên đường nên đã bám theo về tận nhà trọ. Khi cô gái chưa kịp xuống khỏi xe máy thì H.A lao vào khống chế, sàm sỡ nạn nhân. Bị nạn nhân phản kháng quyết liệt, H.A đã bỏ chạy khỏi hiện trường.

Cần biện pháp mạnh để đủ sức răn đe - ảnh 1
Phụ nữ bị quấy rối cần dũng cảm lên tiếng Ảnh minh họa

Trên mạng xã hội cũng lan truyền một đoạn clip có thời lượng 10 giây ghi lại cảnh người đàn ông đi xe SH, không đội mũ bảo hiểm chạy trên đường đã thực hiện hành động sàm sỡ, quấy rối phụ nữ ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vào giữa tháng 6 vừa qua.

Người này đi xe từ phía sau rồi bất ngờ vượt lên phía trước xe máy của cô gái lưu thông cùng chiều, sau đó ép xe cô gái và đưa tay thực hiện hành vi sàm sỡ nạn nhân.

Hay ngày 21/5, sự việc 2 cô gái đi xe máy dừng chờ tại nút giao Yên Phụ - Thanh Niên (quận Tây Hồ, Hà Nội) thì bị một người đàn ông đụng chạm vào phần nhạy cảm. Toàn bộ diễn biến vụ việc đã bị camera bên đường ghi nhận lại…

Rất nhiều vụ quấy rối tình dục phụ nữ xảy ra tại không gian công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nhiều phụ nữ, trẻ em gái tỏ ra lo lắng trước sự thiếu an toàn của môi trường sống xung quanh.

Theo ThS. Trần Vân Anh, Giám đốc chương trình Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), quấy rối trẻ em gái và phụ nữ ở nơi công cộng là một vấn nạn xảy ra khá thường xuyên, thậm chí ngày càng có xu hướng gia tăng dưới nhiều hình thức, nhưng dường như vẫn chưa được nhìn nhận hay hiểu một cách đầy đủ.

Đặc biệt, những định kiến giới và một số hành động có hại như: Giữ im lặng để bảo vệ danh dự gia đình có trẻ em gái và phụ nữ bị quấy rối và xâm hại tình dục, đổ lỗi cho nạn nhân, bao biện và dung túng cho hành vi trêu ghẹo, đùa cợt hàm ý tình dục giữa nam và nữ nơi công cộng, bình phẩm về hình thể phụ nữ khiến họ cảm thấy xấu hổ… vẫn đang được coi là câu chuyện riêng tư và có thể chấp nhận được trong môi trường văn hóa và xã hội Việt Nam.

Điều này dẫn đến việc nạn nhân bị quấy rối thường có xu hướng im lặng và vì vậy tình trạng quấy rối không được giải quyết triệt để. Mặt khác điều này cho thấy, các hành vi quấy rối chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ hay vẫn được “núp bóng”, coi như là đùa vui hay khen ngợi. 

“Cần hiểu rõ rằng quấy rối tình dục không chỉ là những động chạm cơ thể mà còn là những lời nói, cử chỉ như nhìn chằm chằm, huýt sáo, lời nói trêu ghẹo, bình phẩm về cơ thể và ngoại hình… khiến cho nạn nhân không thoải mái hoặc mất an toàn. Kể cả các hành vi dù vô tình, và thậm chí có ý tốt nhưng người tiếp nhận không cảm thấy thoải mái vẫn là các hành vi không phù hợp” – ThS Trần Vân Anh nhấn mạnh.

Cần biện pháp mạnh để đủ sức răn đe - ảnh 2
Bức thư người hàng xóm viết để “xin ngủ cùng” cô gái trẻ khiến cô vô cùng lo sợ Ảnh: Int

Cần quy định cụ thể hành vi quấy rối tình dục để xử lý nghiêm

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, quấy rối tình dục là khái niệm rất rõ ràng, chi tiết và có những mức chế tài cụ thể ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm quấy rối tình dục ít được nhắc đến trong các văn bản pháp luật. Hiện nay chỉ có lĩnh vực lao động và Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự là có nhắc đến khái niệm này.

Hành vi quấy rối tình dục xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, ở bất kỳ độ tuổi nào, người phạm tội cũng có thể thực hiện hành vi quấy rối tình dục với người khác.

Quấy rối tình dục có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kì người nào mà chưa được sự chấp thuận làm gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, được thể hiện thông qua nhiều hình thức như: Hành động, lời nói, hình ảnh... và có thể xảy ra ở bất cứ đâu như: Nơi công cộng, nơi làm việc hoặc thậm chí là trên các phương tiện xã hội.

Hành vi quấy rối tình dục thể hiện rất đa dạng, có thể là lời nói, ánh mắt, cử chỉ, chữ viết (bức thư), hình ảnh hoặc là những hành vi đụng chạm cơ thể, sờ mó, nắn bóp, thậm chí là những hành vi nghiêm trọng hơn là tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm...

Những hành vi này hướng tới nhu cầu tình dục, tìm kiếm khoái cảm của người thực hiện hành vi. Hành vi này gây ra sự sợ hãi, lo lắng, xấu hổ, bất an đối với nạn nhân nên người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả do mình gây ra. 

Hành vi quấy rối tình dục ban đầu có thể chỉ là ánh mắt, lời nói, đụng chạm.  Nhưng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì người thực hiện hành vi quấy rối tình dục có thể dễ dàng vượt quá giới hạn để thực hiện những hành vi tiếp xúc cơ thể trái ý muốn, thậm chí có thể là tiến tới cưỡng dâm, hiếp dâm nạn nhân.

Cần biện pháp mạnh để đủ sức răn đe - ảnh 3
Hình ảnh thanh niên khống chế, sàm sỡ cô gái trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội
Ảnh: Int

“Dưới góc độ pháp lý, hành vi quấy rối tình dục là vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi quấy rối tình dục ở mức độ lời nói, cử chỉ, hành động nhưng chưa tấn công tình dục, chưa thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân thì hành vi này cũng mới chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt có thể tới 8 triệu đồng” - TS.LS Đặng Văn Cường phân tích.

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì, quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Nếu quấy rối tình dục ở dạng lời nói, cử chỉ, thông điệp hoặc hành động đụng chạm... mà chưa thể hiện thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Trong môi trường làm việc thì hành vi quấy rối tình dục sẽ có chế tài cao hơn, có thể xử phạt đến 30 triệu đồng.

Tại khoản 3, Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, các hành vi quấy rối tình dục chưa quy định cụ thể nên hiện nay, vẫn còn nhiều vụ việc quấy rối tình dục xảy ra, gây hoang mang, lo sợ cho một bộ phận phụ nữ và trẻ em gái.

ThS Trần Vân Anh thì cho rằng, để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng, cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí – truyền thông, trường học, doanh nghiệp… cần tăng cường truyền thông xã hội, truyền thông cộng đồng bằng nhiều hình thức, để nâng cao nhận thức, đặc biệt là xóa bỏ việc đổ lỗi cho nạn nhân bởi điều này chính là nguyên nhân, gốc rễ khiến nạn nhân hay người chứng kiến không dám lên tiếng khiến các vụ việc quấy rối, xâm hại gia tăng.

Với các bạn nữ, nếu không may trở thành nạn nhân của quấy rối hay là người chứng kiến, hãy lên tiếng yêu cầu thủ phạm dừng lại ngay lập tức, rời khỏi nơi đang gặp nguy hiểm, dũng cảm tố giác và tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh.

Ví dụ nếu đang ở trên xe bus, hãy báo với lái xe, phụ xe để được hỗ trợ đổi chỗ hoặc đưa thủ phạm đến cơ quan chức năng gần nhất nếu sự việc nghiêm trọng…   

“Việc xây dựng những điểm công cộng an toàn, thân thiện với phụ nữ là hành trình dài với nhiều thách thức và cần sự chung tay, đoàn kết hợp tác của nhiều bên. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần có văn bản hướng dẫn, giải thích rõ các hành vi được coi là quấy rối, xâm hại, đồng thời có khung pháp lý xử phạt đủ sức răn đe. Tôi tin rằng, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành những người dẫn dắt sự thay đổi bằng việc hành động ngay hôm nay, bắt đầu từ việc lên tiếng tố giác khi chứng kiến các hành động quấy rối, mất an toàn và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị quấy rối. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào cũng đều sẽ phải chấm dứt” – ThS Trần Vân Anh cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.