Căn cứ để giao con cho bố hoặc mẹ khi ly hôn
(PNTĐ) - Tôi lấy chồng được 5 năm và có một cháu trai 3 tuổi. Do bị chồng bạo hành nên tôi quyết định ly hôn. Xin hỏi, điều kiện để tòa án giao con cho người mẹ nuôi thì cần những gì? Tôi có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền nuôi con của chồng tôi không? Nguyễn Hoài Thương,quận Hoàng Mai

Trả lời: Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Theo đó, về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trong trường hợp khi ly hôn mà bạn và chồng không thỏa thuận được việc ai là người nuôi con thì tòa án xem xét trên cơ sở vì lợi ích và tương lai của con bạn mà sẽ quyết định ai nuôi con sẽ tốt hơn.
Nếu con bạn dưới 36 tháng tuổi thì tòa án sẽ giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Bên cạnh đó bạn cũng cần phải có đủ điều kiện để chăm sóc và nuôi dưỡng con, bạn phải có thu nhập ổn định, có nơi ở (Luật không có quy định cụ thể về việc người nuôi con phải có sở hữu nhà ở hoặc chỉ là đi thuê nhà để ở).
Nếu đúng như bạn đã trình bày là chồng của bạn không có trách nhiệm cùng với bạn nuôi dưỡng con thì bạn có thể giao nộp chứng cứ chứng minh; trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thì tòa án sẽ cân nhắc sẽ giao con cho bố hay mẹ nuôi dưỡng.
Nếu tòa án giao con cho bố hoặc mẹ thì vẫn có thể thay đổi quyền nuôi con trong một số trường hợp. Căn cứ để thực hiện sự thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định cụ thể tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, trong trường hợp cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con, người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con; việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Tòa án có thẩm quyền quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có yêu cầu của bố hoặc mẹ.
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên khi người đó bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con...
Nếu tất cả những gì bạn trình bày như trên là đúng sự thật, trên cơ sở những bằng chứng mà bạn cung cấp, tòa án sẽ xem xét để có thể giao con cho bạn.