Tháng hành động vì trẻ em 2023:
Cần quyết liệt để phòng chống tổn hại trẻ em
(PNTĐ) - Liên tiếp các vụ bạo lực trẻ em xảy ra một lần nữa khiến cho cả xã hội bàng hoàng vì sự tàn nhẫn của chính những người lớn đang chăm sóc trẻ.
Số vụ bạo lực, xâm hại tăng cao
Cách đây hơn chục ngày, cả xã hội “sốc” trước thông tin về việc cháu bé N.N.T.C (2 tháng 20 ngày tuổi, con gái của Nguyễn Phúc Hồng Ân, 22 tuổi) bị chính người tình của mẹ đánh đập dẫn đến tổn thương nghiêm trọng trên cơ thể, mà mẹ ruột cháu bé không hề can ngăn. Theo hồ sơ của cơ quan công an, vào ngày 20/5, Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ số 3E Thông Thiên Học, phường 2, TP Đà Lạt) đã đánh cháu bé 2 tháng tuổi, con trai người tình dẫn đến bị tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, suy thận cấp, suy gan. Đáng nói, trước đó, rất nhiều lần, Thương đã dùng tay đánh, tát mạnh vào mặt cháu C do cháu là trẻ sơ sinh thường hay quấy khóc. Đáng lên án hơn, thời điểm Thương bạo hành cháu C, mẹ của cháu có mặt tại phòng trọ nhưng không căn ngăn. Công an TP Đà Lạt đã xét nghiệm nhanh, kết quả cả Thương và Ân đều dương tính với ma túy.
Cũng mới đây thôi, vụ việc một người mẹ sau khi đi làm về, vì con trai 1 tuổi khóc quấy mà đối tượng đã đánh con đến tử vong do vỡ gan, vỡ ruột non khiến cộng đồng một lần nữa bức xúc bởi tính tàn nhẫn của chính những người đã sinh thành, nuôi dưỡng trẻ. Theo đó, Nguyễn Thị Phương Thảo, 28 tuổi, quê An Giang sau khi đi làm ở quán karaoke về đã đánh bằng tay nhiều lần vào thân thể con trai ruột. Trước đó mấy hôm, Thảo có sử dụng ma túy đá và hôm xảy ra vụ việc, đối tượng uống nhiều rượu bia.

Vụ việc này có nhiều tình tiết giống như vụ án đã xảy ra tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cách đây vài năm, vụ “chồng hờ” của mẹ đóng đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội), vụ “mẹ kế” đánh chết cháu Vân An ở thành phố Hồ Chí Minh... Những vụ việc cho thấy đạo đức, nhân cách của những người làm cha, làm mẹ rất quan trọng, có thể quyết định đến tính mạng, sức khỏe của các con. Với những người phụ nữ sống buông thả, bất cần, chung sống như vợ chồng với người tình, sử dụng trái phép chất ma túy thì tính mạng của những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị tước đoạt bất kỳ lúc nào.
TS. LS Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, hành vi của các đối tượng là rất tàn nhẫn, có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé. Theo quy định của pháp luật, hành vi với mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người, đối tượng nhận thức được hành vi nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người.
Quyết liệt ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ
Đánh giá về tình hình các vụ bạo lực, xâm hại tình dục thời gian qua, theo thống kê của Tổng đài 111, trong 19 năm qua, Tổng đài đã tiếp nhận hơn 5,3 triệu cuộc gọi đến, trong đó tư vấn hơn 469.000 cuộc gọi; hỗ trợ can thiệp cho hơn 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Trong số 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp có 4.194 ca bạo lực trẻ em (chiếm 43.68%); 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 25.75%); 748 ca về trẻ em bị bóc lột (chiếm 7,79%).
Đáng nói, các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và tư vấn liên quan đến pháp luật tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2020 đến nay, tỉ lệ các cuộc gọi tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực chiếm 51,3% trong tổng số ca tư vấn chuyên sâu ở Tổng đài 111. Trong đó, trẻ em là đối tượng gọi đến Tổng đài nhiều nhất với 225.956 cuộc gọi (chiếm 48,1%); cha mẹ, người chăm sóc trẻ có 80.568 cuộc gọi (chiếm 17,2%); người dân quan tâm đến các vấn đề của trẻ em có 123.015 cuộc gọi (chiếm 26,2%).
Lo ngại về vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng lên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, các cuộc gọi đến Tổng đài 111 đã tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2022. Các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) phân tích, ở các vụ việc bạo hành trẻ em thời gian gần đây đều có sự tương đồng nhất định. Thứ nhất, về thân phận, các con là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của một cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi bố mẹ tái hôn, các con sẽ sống một cuộc sống bi kịch nếu người kia máu lạnh, tàn nhẫn, ích kỷ. Do sự ngây thơ và không có khả năng tự vệ, các con âm thầm chịu đựng, lãnh đủ sự tàn bạo vô nhân tính của người lớn. Thứ hai là sự tương đồng về thái độ vô cảm của người thân thích, hàng xóm, đặc biệt là chính cha/mẹ trẻ. Ở các vụ án bạo hành trẻ đến tử vong thời gian gần đây đều dưới hình thức bạo hành gia đình. Trẻ bị chịu bạo lực đòn roi, với nhiều chấn thương trên cơ thể đến khi chết. Thứ ba là sự tương đồng về nhân cách thoái hóa, lệch lạc của kẻ gây án và người liên quan – chính là cha mẹ trẻ khi đồng điệu với kẻ thủ ác, thờ ơ với an nguy hạnh phúc của con.
“Chỉ cần có tấm lòng thật tâm yêu trẻ, có ý thức trách nhiệm công dân… sẽ không khó để nhận ra trẻ cần được cứu trước khi quá muộn. Có thể đánh giá ở các vụ án đã xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm, chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên… Tội của họ là thờ ơ, vô cảm, mà không biết rằng giá như họ bao đồng chút thôi, là một sinh linh đã có thể được giữ lại” - Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu nói.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 được phát động với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại cho trẻ em” nhằm mục đích để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội cũng như gia đình, cá nhân lựa chọn giải pháp tốt nhất để giải quyết triệt để các vấn đề nóng liên quan đến trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chăm lo, quan tâm đến đầu tư nguồn lực, bao gồm có ngân sách địa phương, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cấp cộng đồng thôn, ấp, bản, để thực hiện tốt việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường…
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, bên cạnh những mô hình, giải pháp mang tính bền vững cùng với sự nỗ lực tích cực của các cấp ngành, thì trách nhiệm của cha mẹ trong việc bảo vệ trẻ vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần cập nhật kiến thức, kỹ năng bảo vệ con em mình trong phòng chống xâm hại bạo lực, cũng như thường xuyên giám sát, bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích trong gia đình và cộng đồng. “Cha mẹ, người chăm trẻ cần chủ động tìm kiếm kiến thức, kỹ năng tin cậy, học làm cha mẹ thông qua các tài liệu hướng dẫn, các chương trình học trực tuyến trên mạng… Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật xử lý triệt để hơn nữa các vi phạm làm tổn hại đến trẻ…” – ông Nam nói.