Cần tạo cho mình có niềm tin, ý chí để vượt qua đại dịch

Chia sẻ

Theo Giáo sư Cao Tiến Đức, đại dịch Covid-19 là một sang chấn, vừa gây tổn thương cơ thể, vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân.

Từ ngày thành phố Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 15, rồi Chỉ thị 16, chị L.T.N làm việc online cứ ở nhà 3 ngày thì lên cơ quan 1 ngày. Ở nhà vừa làm việc vừa trông con, mặc dù 2 con của chị đứa lớn lên 10, đứa nhỏ lên 6 tuổi, song mỗi khi công việc còn chưa xong mà 2 con réo rắt nào là “kiện” nhau vì tranh giành đồ chơi, đồ ăn… chị L.T.N lại phải gào lên, các con mới chịu im. Chẳng được bao lâu, 2 con lại lặp lại. Trong khi khối lượng công việc chị phải xử lý nhiều, cảm thấy bức xúc, bực dọc với chồng và con đã khiến cuộc sống gia đình chị trở nên nặng nề.

Chị L.T.N 38 tuổi, làm trưởng phòng một công ty chuyên về xuất nhập khẩu, từ khi có dịch Covid-19 công việc của công ty gặp nhiều khó khăn khiến không chỉ thu nhập giảm mà áp lực công việc tăng. Nhiều đêm căng thẳng đến nỗi chị không ngủ được, phải dùng đến thuốc ngủ, cơ thể chị dần suy kiệt, giảm cân, tóc bạc nhiều. “Tôi thật sự muốn bỏ cuộc, nhiều khi tính bỏ việc nhưng không dám bởi nếu làm công việc khác thì khó bắt đầu lại trong khi hiện nay nhiều người thất nghiệp, mất việc. Tôi còn phải lo cho 2 con ăn học và gửi tiền về chăm bố mẹ già ốm bệnh ở quê. Năm ngoái bị cắt giảm thu nhập đã khiến cho cuộc sống khó khăn”. Làm việc giãn cách tại nhà, thu nhập giảm, công việc nhiều, bước chân ra ngoài thì lo Covid-19, khiến chị L.T.N phải nhờ đến bác sĩ tâm thần để điều trị và uống thuốc để ngủ.

Từ khi có sự xuất hiện và bùng phát của dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới kinh tế xã hội, đời sống nhiều gia đình và cá nhân bị đảo lộn. Do các ngành nghề sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, cửa hàng cửa hiệu bị đóng cửa, công nhân nhà máy nhiễm bệnh... tổn thất thiệt hại về mặt kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý của nhiều người trưởng thành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, việc cách ly tại nhà, không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.

Đại dịch khiến người ta dễ sang chấn tâm lý	Ảnh minh họaĐại dịch khiến người ta dễ sang chấn tâm lý Ảnh minh họa

Theo Giáo sư Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm thần, bệnh viện Quân y 103, trong thời gian dịch Covid-19 có rất nhiều người xuất phát từ những lo âu như: Việc phải cách ly tại nhà, cách ly tập trung, sợ bị lây chéo, hay tình trạng sống cô đơn, không được giao tiếp, lo lắng cho người thân như bố mẹ già, con nhỏ không có người chăm sóc; công việc, thu nhập bị ảnh hưởng, thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… Có thể chuyển thành một loạt các phản ứng cảm xúc (như đau khổ hoặc tình trạng tâm thần), có các hành vi không lành mạnh như sử dụng quá nhiều chất gây nghiện, không tuân thủ cách ly tại nhà và tiêm vắc-xin.

Giáo sư Cao Tiến Đức cho rằng, các bệnh lý tâm thần trên rất nguy hại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống, công việc, hạnh phúc gia đình, thậm chí có thể có ý tưởng tự sát và hành vi tiêu cực. Bệnh lý tâm thần có thể khởi đầu bằng các triệu chứng như: Buồn chán, mệt mỏi, lo sợ, hoang tưởng ảo giác, kích động hoặc có hành vi nguy hiểm như tự sát, tấn công người xung quanh. Nhiều người bệnh lý tâm thần lại bắt đầu bằng các triệu chứng như: Đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, huyết áp, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau vai gáy, cơ, xương khớp…

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra hậu quả nặng nề. Một số người mắc các rối loạn trên có thể tự khỏi nhưng hầu hết sẽ tiến triển thành mạn tính, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe từng cá nhân của người đó và các mối quan hệ xung quanh. Chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.

Đưa ra lời khuyên với mọi người, Giáo sư Cao Tiến Đức nhấn mạnh: “Không nên quá lo lắng, mọi người cần tuân thủ thực hiện giãn cách, thực hành quy tắc 5K phòng chống dịch Covid-19 để tự bảo vệ mình và cộng đồng. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin tích cực, tăng hoạt động có ích… Đặc biệt, cần tạo cho mình có niềm tin, ý chí để vượt qua đại dịch”.

Trở lại trường hợp của chị L.T.N, sau khi được các bác sĩ đưa ra lời khuyên và hỗ trợ trị liệu, chị đã giảm bớt lo âu và dần lấy lại giấc ngủ cũng như cân bằng được cuộc sống giữa gia đình với công việc. Đặc biệt là mặc dù giảm thời gian làm việc song chất lượng công việc của chị lại được tăng lên. “Tôi đã phải học cách sống chung với Covid-19 và cắt giảm chi tiêu không cần thiết để giảm áp lực kinh tế cho bản thân tránh được căn bệnh tâm thần”.

HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.