Cần thủ tục gì khi cho người nước ngoài thuê nhà?

Chia sẻ

Vợ chồng tôi có 2 căn hộ chung cư và đang có ý định cho thuê 1 căn. Hiện tại xung quanh khu nhà tôi ở có nhiều người nước ngoài làm việc. Vậy cho tôi hỏi khi tôi cho người nước ngoài thuê nhà tôi phải làm những thủ tục gì? Tôi phải nộp những loại thuế gì? Xin cảm ơn quý Báo!

Trần Minh Phương – Hai Bà Trưng – Hà Nội

Trả lời:

Việc giao dịch về nhà ở cũng như người có nhà cho thuê phải tuân thủ theo Luật Nhà ở số 65/2014-QH13 ngày 25/11/2014. Điều kiện để các bên có thể tham gia giao dịch về nhà ở được quy định tại Điều 119 như sau:

Điều 119

“1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:

a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

2. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:

a) Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;

b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

3. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản”.

Khi có đủ điều kiện nêu trên thì bạn và bên thuê phải thỏa thuận lập hợp đồng cho thuê. Hợp đồng phải bao gồm các nội dung:

- Họ tên của bên có nhà cho thuê và bên thuê nhà;

- Mô tả đặc điểm của nhà cho thuê;

- Giá cho thuê nhà, phương thức thanh toán;

- Thời hạn cho thuê;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Cam kết của các bên;

- Các thỏa thuận khác có thể phát sinh như trả nhà trước thời hạn, lấy nhà trước thời hạn Hợp đồng…;

- Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng;

- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng, tên và chữ ký của các bên;

- Công chứng, chứng thực hợp đồng (nếu các bên có nhu cầu).

Tiếp theo, bạn phải làm những thủ tục dưới đây để có thể cho khách hàng thuê nhà là người nước ngoài:

1. Thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho thuê nhà. Khi bạn đi thực hiện đăng ký kinh doanh tại UBND quận nơi bạn có nhà cho thuê. Các giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký kinh doanh là giấy tờ chứng minh chủ sở hữu nhà cho thuê, giấy chứng minh nhân dân.

2. Sau khi có được giấy đăng ký kinh doanh, bạn phải nộp thuế môn bài và kê khai mã số thuế căn hộ. Hồ sơ đăng ký mã số thuế gồm: Giấy đăng ký kinh doanh, tờ khai MST căn hộ, tờ khai thuế môn bài.

3. Để kiểm soát được việc cư trú, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam, bạn cần làm thủ tục đăng ký an ninh trật tự tại công an quận nơi có nhà cho thuê.

4. Khai báo tạm trú cho khách thuê tại Công an phường gồm các thủ tục:

- Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài;

- Hợp đồng thuê nhà;

- Hộ chiếu còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam và Visa lao động;

- Giấy đăng ký an ninh trật tự do Công an quận cấp sau khi đã thực hiện xong ở bước thứ 3;

- Giấy phép đăng ký kinh doanh;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho thuê (hoặc hợp đồng mua bán nhà);

- Chứng minh thư của chủ nhà.

5. Nộp thuế thu nhập cá nhân

Bạn phải thực hiện thủ tục này ở Chi cục thuế quận để kê khai nộp thuế. Hồ sơ gồm có:

- Hợp đồng thuê nhà;

- Kê khai thuế phải nộp với cơ quan thuế.

Sau khi nhận được bản xác nhận số thuế phải nộp, bạn sẽ mang tờ xác nhận kê khai thuế thu nhập cá nhân đến kho bạc để nộp vào ngân sách nhà nước.

Trên đây là toàn bộ quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý khi cho người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam. Hy vọng những gợi ý trên sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho bạn thực hiện được việc kinh doanh từ dịch vụ cho thuê nhà.

Luật sư: Trần Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.