Canh bầu nấu với cá trê

Thu Đình
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Trong chuyến đi thực tế cùng sinh viên vào các tỉnh Nam Bộ hè vừa rồi, điều để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về Nam Bộ ấy là vùng đất trù phú gắn liền với rất nhiều huyền thoại thời mở đất, với những con người bộc trực, thẳng thắn; năng động, sáng tạo; hào phóng, hiếu khách, trọng nghĩa trọng tình. Đặc biệt hơn nữa vẫn là những món ẩm thực đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, ví như món canh bầu nấu với cá trê tôi đã được thưởng thức.

Anh bạn tôi cười khà, giọng rặt miền Nam: “Canh bầu nấu với cá trê/ Ăn vô cho mát mà mê vợ già”. Rồi anh hào hứng kể cho cả đoàn nghe giai thoại tình yêu của anh, lý do vì sao anh trở thành rể quý của mảnh đất phù sa màu mỡ này. Anh bảo rằng, ai đến với Nam Bộ mà chẳng làu làu câu ca: “Canh bầu nấu lộn cá trê/ Anh đi làm rể anh mê canh bầu”. Giọng vừa ngọt lựt vừa tếu táo, anh nhìn chúng tôi bảo: “Đấy, chỉ vì tôi mê canh bầu nấu với cá trê nên mới làm rể nơi này đấy thôi”. Ai nấy nghe xong đều cười đắc ý.

Quả bầu quá đỗi thân thuộc với người dân Việt Nam. Trong quan niệm của người dân Việt, bầu tượng trưng cho sự bình dị, mộc mạc, nghĩa tình. Còn với cá trê, cũng như các loại cá nước ngọt khác, đây là loại cá giàu dinh dưỡng, thịt cá mềm ngọt, có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Có lẽ vì thế, món canh cá trê nấu với bầu luôn tròn vị, đậm đà, là “đặc sản”, niềm tự hào của vùng đất Nam Bộ, góp phần níu chân du khách thập phương mỗi khi có dịp đến với xứ sở miệt vườn, sông nước này.

Canh bầu nấu với cá trê - ảnh 1
Ảnh minh họa

Để nấu món canh bầu cá trê, khâu đầu tiên chính là cách chọn nguyên liệu và sơ chế. Đối với cá trê, phần nhiều, người ta vẫn chọn trê vàng vì nó to béo, thịt thơm ngọt. Cá trê được rửa qua với nước muối rồi cho vào tro để làm sạch nhớt. Khi sơ chế, cần cắt bỏ đầu, tách bỏ đi hai cục máu tanh ở mang, rửa sạch, cắt thành khúc vừa ăn, sau đó ướp với các gia vị ớt, tiêu, mắm, muối, đường… trong khoảng thời gian nhất định. Bầu nấu canh thường là bầu xanh. Bầu được gọt vỏ, rửa sạch rồi xắt thành sợi nhỏ để sẵn. 

Món canh bầu - cá trê tưởng chừng đơn giản nhưng để thực sự ngon miệng khi thưởng thức thì khâu nấu là cả một nghệ thuật. Đầu tiên, ta bắc nồi lên bếp đun dầu cho nóng rồi phi vàng tỏi, hành đã băm nhuyễn. Tiếp theo, cho phần cá trê đã ướp vào, chao sơ qua và múc ra chén. Tiếp tục cho nồi nước canh lên bếp đun sôi, cho phần cá đã chao vào tiếp tục nấu chín.

Trong quá trình nấu, chú ý hớt bỏ bọt nước, sau đó cho phần bầu đã xắt thành sợi vào, giữ lửa thêm một lúc, chờ nêm nếm gia vị thêm lần nữa cho vừa ăn rồi tắt bếp. Canh bầu nấu cá trê được múc ra tô lớn, rắc thêm tiêu, ngò, hành lá… chỉ cần hít hà hương vị món canh thơm lựng là muốn được thưởng thức ngay.

Canh bầu nấu với cá trê - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cũng là món canh bầu cá trê nhưng mỗi vùng miền lại có cách làm ít nhiều khác nhau. Có nơi, cá trê được đem luộc chín, vớt ra để nguội, gỡ lấy nạc nguyên miếng rồi ướp gia vị. Riêng phần nước luộc cá sẽ dùng để nấu canh. Thịt cá trê sau khi ướp, được chao qua với dầu và hành, tỏi băm, chờ khi nồi canh bầu sôi thì cho phần thịt cá vào, nêm nếm gia vị vừa ăn là bắc xuống. 

Dẫu món canh bầu - cá trê được nấu theo kiểu nào thì hương vị của món ăn cũng rất đặc trưng. Thịt cá trê vàng ươm, thơm lừng quyện hòa vào từng sợi bầu, ăn vào ngọt mát, ngon ngậy. Những ngày hè nóng nực, có chén canh bầu nấu cá trê dân dã giải nhiệt, bổ dưỡng, chẳng những tan biến mỏi mệt mà bữa cơm gia đình càng thêm đong đầy hạnh phúc! 

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.