Cảnh giác ung thư vú ở người trẻ
(PNTĐ) - Phụ nữ trẻ thường không nghĩ mình có nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, ung thư vú có thể “tấn công” mọi lứa tuổi, trong đó, 5% trường hợp ung thư vú xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Vì vậy, các chị em phụ nữ nên sớm nhận thức các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú.
Chẩn đoán ung thư vú ở phụ nữ dưới 40 tuổi khó khăn hơn vì mô vú thường dày hơn mô vú phụ nữ lớn tuổi. Ngoài ra, phụ nữ trẻ thường không kiểm tra vú định kỳ, vì vậy, khi phát hiện ung thư vú, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và ít đáp ứng với điều trị. Ung thư vú cũng gây nhiều thách thức cho phụ nữ trẻ trong các vấn đề liên quan đến tình dục, khả năng sinh sản và mang thai sau khi điều trị.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố khiến phụ nữ trẻ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, gồm: Tiền sử cá nhân mắc ung thư vú hoặc tổn thương phát hiện qua sinh thiết có nguy cơ cao; tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vú, hoặc mắc một số hội chứng di truyền khiến họ có nguy cơ ung thư vú cao hơn; tiền sử xạ trị vùng ngực trước 20 - 30 tuổi; đột biến gen, chẳng hạn như BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ cao phát triển ung thư vú.
Ung thư vú ở người trẻ tuổi có nguy hiểm không?
Ung thư vú được chẩn đoán ở phụ nữ trẻ có xu hướng di căn nhanh, đồng thời tiên lượng sống cũng kém hơn phụ nữ lớn tuổi. Một thống kê của Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW) cho thấy, năm 2013 – 2017, tỷ lệ sống sau 5 năm ở phụ nữ ung thư vú trong độ tuổi từ 20 – 39 là 89,6%, trong khi với phụ nữ bị ung thư vú ở độ tuổi 40-59 lên đến 93,4%.

Dấu hiệu cần lưu ý
Tùy từng trường hợp, ung thư vú sẽ biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Những dấu hiệu ung thư vú giai đoạn đầu ở người trẻ cần lưu ý gồm: Khối u mới ở vú hoặc nách; một phần vú dày lên hoặc sưng; da vú kích ứng hoặc lõm vào; da đỏ hoặc bong tróc ở núm vú hoặc vú. Núm vú bị thụt hoặc đau; tiết dịch núm vú; thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú; đau hoặc nóng ấm ở vú.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán ung thư vú ở người trẻ tuổi, cách tiếp cận đầu tiên thường là siêu âm tuyến vú trước; chụp nhũ ảnh bằng kỹ thuật chụp 3D. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có thể chỉ định thêm MRI vú để việc chẩn đoán chính xác hơn độ rộng của bệnh, đánh giá trước khi phẫu thuật bảo tồn vú hay trước khi hoá trị tiền phẫu và vai trò của tầm soát ung thư vú đối bên.
Điều trị như thế nào
Tiên lượng điều trị tốt khi ung thư vú được phát hiện sớm, dựa trên khối u có lan ra ngoài vú hay không, cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các lựa chọn điều trị gồm: Phẫu thuật vú; hóa trị; xạ trị; liệu pháp nhắm trúng đích; liệu pháp nội tiết tố.
Điều trị ung thư vú có thể gây các tác dụng phụ nhất định. Một số tác dụng phụ chỉ mang tính tạm thời và biến mất sau kết thúc điều trị. Trong khi những tác dụng phụ khác có thể tồn tại lâu hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của các chị em.
Cách phòng ngừa ung thư vú ở người trẻ
Khám tầm soát, sàng lọc bệnh sớm là biện pháp hữu hiệu giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi, hạn chế bệnh tái phát, di căn. Với người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, việc kiểm tra, tầm soát bệnh sớm giúp tăng khả năng điều trị khỏi. Ví dụ, việc sàng lọc ở những người mang gen đột biến BRCA nên được thực hiện khi 25 tuổi.
Hơn 90% phụ nữ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu có tiên lượng sống tốt hơn. Ngoài ra, phụ nữ trẻ nên được tư vấn về các bệnh tuyến vú, đồng thời đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc ung thư vú, các chị em có thể lưu ý những điều sau:
Đạt và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng; hạn chế uống rượu; tập thể dục thường xuyên; cho con bú đúng tư thế. Bên cạnh đó, phụ nữ trẻ chẳng may mắc ung thư vú có thể tìm đến sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và xã hội.