Canh hến nấu với thì là

Thu Đình
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mẹ tôi vẫn thường bảo “Ăn cơm có canh như tu hành có bạn”. Ấy là mẹ muốn nhắc nhở anh em tôi rằng, dẫu đông hay hè, dù thịnh soạn hay đạm bạc thì mỗi bữa cơm cũng cần có một bát canh.

Sáng nay đi chợ, vừa về tới nhà, mẹ liền lấy túi hến ra, giọng hồ hởi: “Trời nắng nóng thế này mà được húp bát canh hến nấu với thì là quả thật… sẽ không gì ngon bằng!”.

Hến là đặc sản của vùng nước ngọt và nước lợ, vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, rất tốt cho sức khỏe. Trong Đông y, hến được xem là một vị thuốc quý dùng để chữa nhiều chứng bệnh. Hến có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Hến giàu dinh dưỡng, cũng là món ngon giải nhiệt, chứa nhiều canxi, sắt… rất hợp để ăn trong những ngày hè nóng nực.

Canh hến nấu với thì là  - ảnh 1

Mẹ tôi từng làm nghề mò hến, và con mương làng từ lâu đã trở thành người bạn thân thuộc với mẹ sớm chiều. Anh em tôi tự hào lắm, bởi nhờ nghề của mẹ mà chúng tôi mới có được cuộc sống đề huề như hiện tại. Cũng như bao làng quê khác khi chưa bước vào thời công nghiệp hóa hiện đại hóa, hến sinh sôi nảy nở tự nhiên và nhiều vô kể. Muốn có bữa cơm với món hến, chỉ cần xắn quần, lội xuống mương một lát là có cả mớ hến tươi ngon mang về.

Từ lâu, hến đã được người dân quê chế biến thành nhiều món ngon khác nhau: cơm hến, bún hến, cháo hến… Riêng gia đình tôi, những bữa cơm thường có món hến cải thiện, nhiều hơn cả vẫn là canh hến. Mẹ nấu rất nhiều món canh từ hến: hến nấu rau đay, hến nấu khế, hến nấu cà chua… nhưng thanh mát nhất vẫn là canh hến nấu với rau thì là.

Để có món canh hến như ý, cần đảm bảo các bước theo trình tự. Đầu tiên, mẹ ngâm hến trong nước vo gạo để chúng nhả hết chất bẩn, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch rồi luộc lên với một chút muối. Khi luộc, mẹ đẩy lửa liu riu để hến không bị dính và dễ đãi. Khi nào nồi hến sôi, mẹ mở vung, lấy đũa đảo đều để hến mở hết miệng. Rồi mẹ tắt bếp, chắt lấy phần nước luộc hến để riêng ra một bát lớn, lắng cặn, lấy phần nước trong dùng nấu canh. Phần vỏ và thịt hến được đổ ra rổ để đãi tách lấy phần thịt. Rau thì là cũng đã được mẹ hái ngoài vườn mang vào, rửa sạch và thái nhỏ. 

Công đoạn cuối cùng là nấu canh. Mẹ bắc nồi lên bếp, cho một lượng dầu ăn vào, chờ dầu nóng rồi phi hành khô đã chuẩn bị sẵn cho thơm vàng, tiếp tục cho phần thịt hến vào xào cho hến chín tới, căng tròn như hạt đậu là được. Sau đó, mẹ cho phần nước luộc hến vào, đẩy lửa cho nồi canh sôi trở lại, thả rau thì là vào nồi, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. 

Canh hến nấu với thì là  - ảnh 2

Món canh hến thì là giản dị là thế nhưng hấp dẫn anh em tôi suốt một thời tuổi thơ lam lũ. Bữa cơm nhà được dọn ra, không chỉ hấp dẫn bởi nồi cơm gạo mới thơm dẻo mà còn có thêm bát canh hến màu trắng đục quyện rau thì là xanh đậm và bát cà muối vàng giòn… Mới nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay hương vị ngon ngọt, đậm đà của quê nhà. Thấy anh em tôi hảo món canh hến, những ngày rảnh rỗi, mẹ thường “trổ tài” nấu món này như muốn dành tất cả yêu thương, chắt chiu những điều tốt đẹp nhất có thể cho gia đình. 

Đã qua rồi một thời sương gió, mẹ giờ đã ở tuổi thất thập, da mồi tóc sương. Nghề mò hến chỉ còn là kỷ niệm vui mẹ dành kể cùng con cháu mỗi khi gia đình sum vầy. Mỗi dịp như thế, bữa cơm đoàn viên chẳng thể thiếu món canh hến thì là. Mấy chục năm rồi, vậy mà hương vị canh hến thì là mẹ nấu vẫn tròn vị, chẳng những đậm đà, ngọt thanh mà còn đong đầy tình mẹ! 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.