Câu chuyện “đi xem đất” hay “một lần bất tín...”

Chia sẻ

9h tối mới thấy chồng đánh ô tô vào gara, bà Mai ngồi chờ cơm tối ở phòng khách, chờ ông Thành bước vào:

- Anh đi đâu giờ này mới về? Hay lại đi “xem đất”?

Ông Thành ngạc nhiên:

- Đất cát gì! Có bị dở hơi đâu mà nửa đêm còn đi xem đất? Mà anh hay em mua đất cát gì đâu mà xem?

Bà Mai đưa cho chồng cái điện thoại đang mở một bài báo:

- Đây! Anh đọc đi! “Quan nam” với “quan nữ” hẹn nhau ra bìa rừng đây, bị đội liên ngành đi kiểm tra bắt quả tang. Thật ôi quá? Bọn họ vô đạo đức thật, đang khi phong tỏa chống dịch mà họ bất chấp Covid, bất chấp cả đạo lý! Bị bắt, bị lập biên bản xử phạt, còn nói dối tên tuổi. Bây giờ lại bị bóc toang ra như này, còn mặt mũi nào mà nhìn ai nữa? Vợ chồng con cái cũng nhục theo bọn họ.

Ông Thành nhìn lướt qua bài báo, thấy cái xe đạp điện dựng cạnh cái xe hơi, đọc cái tít bài, ông hiểu ngay sự tình:

- Ôi trời! Anh hội ý lãnh đạo! Nghỉ covid lâu quá, công việc đình trệ, sếp trưởng gọi mấy phó ở lại bàn cách tháo gỡ... Có gì cho ăn để còn tắm rửa ngủ nghỉ! Mệt chết đi được.

Bà Mai dọn cơm tối, giọng nhẹ hơn:

- Anh ăn đi, nhưng muộn thế này thì ăn ít thôi, kẻo lại tăng mỡ máu. Em từ nay cũng chả đợi cơm anh khuya thế này nữa đâu. Bao nhiêu năm chờ cơm anh, ăn muộn vừa bị quá đói lại vừa tích mỡ, béo lắm sinh bệnh tật.

Ông Thành lặng lẽ ăn cơm, lặng lẽ đi tắm và lặng lẽ về phòng, đọc sách rồi đi ngủ. Ông không muốn tranh cãi với vợ những chuyện nhạy cảm như thế. Ông biết, chỉ cần ông nói câu gì bây giờ cũng đều sẽ là “đổ dầu vào lửa”. Chuyện là hơn 10 năm trước ông cũng đã từng suýt “đi xem đất” với cô đồng nghiệp trẻ. Lúc đó, ông vừa được đề bạt lên cấp phó. Cơ quan nhiều người ngưỡng mộ ông vì năng lực chuyên môn tốt, tính hài hước, nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Và chính vì cái tính sẵn lòng giúp đỡ của ông đã cuốn hút một cô gái trẻ. Từ chỗ say mê học hỏi chuyên môn nghiệp vụ, đến chỗ cô có cảm tình sâu sắc với sếp, và cô đem lòng yêu ông, mặc dù ngoài đời thì cô vẫn gọi “chú - cháu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đàn ông ngoài 40, đang phong độ, lại giỏi giang thành đạt. Cô gái mới ra trường, đang háo hức học hỏi mong phát triển chuyên môn, lại được sếp tận tình chỉ bảo, chả hiểu từ lúc nào, cô bị sếp hút mất hồn vía. Ông Thành với sự nhạy cảm của một người đàn ông từng trải, ông biết cô gái trẻ yêu ông tha thiết và sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là được ông đáp lại tình cảm. Nhưng ông càng biết thì càng ca-mơ-run, vì sau lưng ông có vợ đẹp con khôn. Vợ ông cũng giỏi giang và thành đạt. Rồi con 2 đứa con thông minh, ngoan ngoãn. Vợ chồng ông thuộc diện “đẹp đôi”, ai cũng bảo “Thế gian được vợ mất chồng; chứ được cả vợ cả chồng thì chỉ có mỗi nhà ông Thành”. Về lý trí, ông hiểu rõ, không ai dại gì bỏ “vợ cái con cột”, như vậy để chạy theo tình cảm phù phiếm. Chả biết mối tình này sẽ đi đến đâu, kể cả nếu là tình yêu thực sự, có thể đi đến hôn nhân, nhưng ông sẽ mất trắng cuộc hôn nhân đang có, và nguy cơ sẽ mất luôn 2 đứa con đang vào tuổi khôn lớn.

Nhiều hôm không quá bận họp hành hay công việc, ông Thành cũng suy nghĩ rất nhiều trước những ly trà, ly cafe, lọ hoa tươi mà hàng ngày cô đồng nghiệp dưới quyền lặng lẽ đem tới, nhẹ nhàng đặt trước khi sếp đến văn phòng. Cô chăm sóc sếp từng ly từng tý, không bao giờ đòi hỏi được đền đáp. Như thế ông càng khó nghĩ. Chẳng thà như mấy cô gái hám tiền bạc, hám chức tước mà chạy theo các sếp, thì lại đi một nhẽ, lại dễ hiểu. Nhưng như cô gái trẻ này thì thật lạ, cô xinh đẹp, giỏi giang, lao vào công việc như thiêu thân, không nề hà bất cứ việc gì được giao, khó đến đâu cô cũng tìm cách giải quyết được. Cuộc sống cô cũng vui vẻ, hòa đồng, biết quan tâm đến mọi người. Nhiều khi các cô chú lớn tuổi cũng hỏi “Vì sao chưa thấy cưới xin gì hả cháu”, cô chỉ cười nhẹ “Cháu ế quá rồi, chả ai quan tâm. Cô chú có ai thì giới thiệu cho cháu với”. Nhưng có giới thiệu ai thì cô cũng lạnh nhạt với đối phương, ít tuần thì chàng ta cũng biến không sủi tăm.

Ông Thành “đọc vị” được tâm trạng của cô, tình cảm của cô, nên ông càng cố né. Ông sợ tình cảm cứ nhen lên, rồi như đám cháy lớn, khó mà dập. Nhưng rồi những tin nhắn điện thoại thể hiện sự đau khổ, nhớ nhung của cô, hàng ngày, hàng giờ gặm nhấm trái tim ông. Rồi một sáng thứ 7, là ngày nghỉ nhưng ông có nhiều việc quá, nên vẫn đến văn phòng làm. Không ngờ cô gái biết sếp đi làm nên cũng đến. Cô lặng lẽ pha trà, mua ly cafe đen, cắm lọ hoa hồng mới. Ông Thành thấy lòng xao động, ông hỏi: “Cháu... ăn sáng chưa?”. “Chưa ạ”. “Thế đi ăn phở Phố Cổ với chú”. Cô gái hơi run, đáp khẽ “Vâng”.

Hai chú cháu đến quán Phố Cổ. Quán này đúng nghĩa với tên gọi, nằm ở một phố cổ, trang trí tinh tế, bát phở thanh khiết, thanh cảnh, không ngập đầy dầu mỡ như các quán khác. Ông Thành cũng hay đưa vợ con đến ăn sáng những ngày cuối tuần, gọi là cả nhà thư giãn. Hôm nay ông bối rối trước tình cảm của cô gái trẻ, chả biết làm thế nào để kìm lòng, ông buột miệng mời cô đi ăn cùng. Hai người đang ăn thì bỗng “trời đổ sập xuống”! Đó là vợ ông đưa 2 con đến ăn phở! Trời ơi, sao quả đất nhỏ hẹp thế hở trời! Ông Thành lúng túng nhìn vợ, vợ ông kinh ngạc nhìn chồng! Và bà nhìn ra ngay “cô bồ trẻ”. May sao có 2 đứa con, chúng hồn nhiên, ríu rít kéo ghế ngồi chung bàn cùng với bố, không hề để ý đến cô gái ngồi cùng bố mình. Ông Thành rất nhanh, trấn tĩnh được. Ông kéo ghế bảo vợ:

- Em ngồi đây luôn đi. Hai chú cháu đi làm mà đều chưa ăn sáng nên anh rủ cháu nó đi cùng cho biết quán này nhà mình hay ăn.

Cô gái lúng túng, khẽ khàng: “Cháu chào cô ạ”. Bà Mai cũng “đẳng cấp”, bình tĩnh rất nhanh, bà ngồi xuống ghế mà chồng vừa kéo cho mình:

- Chào cháu! Cô tưởng cơ quan bận quá thì mới phải đi làm ngày nghỉ. Ai ngờ còn có thời gian rủ nhau đi ăn – phở! (bà cố ý đai dài chữ “ăn phở”). Thôi chú cháu ăn đi rồi về làm việc, kẻo có ai cùng cơ quan lại kéo nhau ra đây ăn nữa thì... mất - việc (bà lại cố kéo dài chữ “mất việc”, ngầm ý cảnh cáo 2 người “cẩn thận kẻo bị kỷ luật mất việc)”.

Lúc đó có một cậu bé đánh giày vào quán, hỏi bà Mai:

- Cô ơi, cháu đánh giày cho cô nhé?”.

Bà Mai rất sắc:

- Cô không đánh giày. Cháu có... đánh người không?

Thằng bé đánh giày nghĩ bà trêu chọc nên nó cười: “Không ạ” rất hồn nhiên. Bát phở của ông Thành và cô gái đồng nghiệp nguội ngơ nguội ngắt vì không ai dám ăn. Đến thở còn không dám thở mạnh nữa là...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cô gái trẻ “sợ vãi linh hồn”, không còn dám ăn phở, lí nhí đứng dậy “Xin phép cô chú cháu về cơ quan trước”. Cô đi như chạy, nhưng 2 chân cứ ríu vào nhau, bước chạy rất khó nhọc. Bà Mai bảo chồng: “Anh hôm nay ăn phở, ngày mai còn ăn cả “mì ăn liền” nữa thì không xong đâu nhé! Thôi, các con ăn, ăn nhanh rồi mẹ con mình về cho bố còn đến cơ quan đi-làm (bà lại đai dài 2 chữ “đi làm”).

Tối đó về nhà, ông Thành “chịu trận” của vợ tưng bừng. Ông ra sức thanh minh. Quả thực cũng đã “ăn phở” gì đâu. Cũng may ông chưa dám “ăn phở”, chứ không thì phen này chắc chắn “ra đê”. Nhưng bà Mai cũng là người đủ trình độ, bà cũng không đánh ghen vớ vẩn như mấy “bà vợ vô học”. Bà chỉ “nhắc nhở” chồng, và bà cũng biết tình yêu mà vợ chồng bà dành cho nhau mấy chục năm, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, không dễ gì ông dám phá bỏ.

Từ đó, ông Thành rất chịu khó về nhà sớm, ăn tối sớm với vợ con, ông ít dám tham gia hội nhậu bạn bè hay đi tiếp khách cơ quan các buổi chiều tối, thường cố gắng tranh thủ kết hợp ăn trưa.

Cô gái trẻ sau vụ “ăn phở” không thành, cô lặng lẽ xin chuyển công tác. Chuyện êm thấm được mấy tháng thì một hôm ông Thành nhờ vợ lấy hộ tập tài liệu trong cặp, không ngờ bà Mai phát hiện “quả bom tấn” trong cặp đi làm của chồng. Đó là 1 hộp bao cao su! Bà lặng người. Vợ chồng bà chưa bao giờ dùng “cái của nợ” này. Vậy thì đích thị là chồng bà đã dùng với gái trẻ! Bà Mai muốn hét toáng lên, nhưng ngặt nỗi các con đang có mặt ở nhà. Bà nén “cơn cao huyết áp”, nhẹ nhàng đưa tập tài liệu kèm cái hộp “của nợ” lên phòng chồng đang làm việc. Bà đập “bộp” cái hộp bao cao su xuống bàn trước mặt chồng, hai hàm răng nghiến chặt: “Cái gì đây? Hả”. Ông Thành ngạc nhiên: “Thế nó là cái gì?”. “Thôi anh đừng lừa dối nữa, nói trắng ra tôi xem! Đã đến mức mua cả hộp phòng thủ thế này thì chắc không chỉ “ăn phở” mà còn “ăn mì” nữa rồi”. Ông Thành hốt hoảng cầm cái hộp nhỏ xinh lên xem là cái gì mà vợ lại nổi tàm bành thế? Ông kinh ngạc há hốc mồm: “Bao cao su”! “Tiên sư cái thằng Quang, phóng viên y tế, hôm nay nó đi họp báo bên ngành y về, nó bảo hội nghị biếu thì em biếu sếp, tiện tay anh bỏ vào cặp, chứ có để ý nó là cái gì đâu”. Bà Mai không tin. Ông Thành giải thích: “Cả đời anh có dùng đâu nên chả biết cái của nợ này thật. Bây giờ anh gọi điện thoại, em hỏi Quang thì rõ”. Rồi ông bật loa gọi, hỏi Quang cái hộp mày cho anh là cái gì? Bên kia Quang cười khanh khách: “Em tưởng anh chị dùng thì nó là loại đời mới. Y tế họ biếu giới thiệu sản phẩm, em biếu lại anh”...

“Cuộc chiến” đã hạ nhiệt, nhưng ông Thành càng phải rút kinh nghiệm. Thế nhưng nhiều lúc xã hội xảy ra chuyện ai đó bị kỷ luật, bị cách chức “vì trai/ gái” thì ông Thành đều biết đó là nỗi niềm “tế nhị” với vợ. Tuần trước, cái “tay” Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh T.N cũng chỉ vì “quá chén rượu” tại bữa ăn trưa ở nhà bếp cơ quan, rồi gọi nữ cấp dưới vào phòng riêng, chốt cửa làm trò bậy, bị cô gái chống cự và tố giác, thế là bị cách chức! Đàn ông thế cũng là nhục, nhưng ông Thành không dám kể cho vợ, coi như không biết.

Đã qua bên kia dốc cuộc đời, ông càng hiểu, cuộc sống muốn thực sự hạnh phúc, muốn có gia đình bền vững, được vợ (chồng) con tôn trọng, thì không chỉ thành công trong công việc (trong sự nghiệp), mà còn phải sống chân thành, thủy chung. Chỉ cần “Một lần bất tín thì vạn sự bất tin”.

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.