Cây không hoa

TẠ THỊ THANH HẢI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mười một giờ đêm, tôi uể oải về nhà sau kíp trực có đến bốn ca mổ. Nghe tiếng mở cửa, ông tôi húng hắng ho và rên khe khẽ. Hình như từ lâu lắm rồi âm thanh đó đã trở thành cử chỉ đáp lời của ông với mọi người.

1

 Bố và anh Phan vẫn chưa về. Cũng chẳng có gì lạ, hai người vẫn giờ giấc thất thường như thế. Ông nói vọng từ trong màn, bảo vẫn phần tôi cơm. Tôi ậm ừ vâng dạ cho qua vì tuy bụng đói mà miệng đắng ngắt chẳng muốn ăn. Nhưng, tôi vẫn làm động tác mở cái lồng bàn và khua bát đũa lạch xạch cốt để ông nghe tiếng mà yên tâm. 

Mâm cơm nguội ngắt, có một bát óc lợn hấp lá ngải. Đó là món ăn mà bà Nhài vẫn làm khi biết tôi trực về muộn. Bà là người Tuyên Quang, giúp việc cho đứa cháu họ xa bên hàng xóm nhà tôi, được bố tôi thuê mỗi ngày sang nấu hai bữa cơm, bảo rằng món óc lợn lá ngải ấy rất có lợi cho thần kinh, giúp tôi có cái đầu minh mẫn tỉnh táo trong mỗi ca mổ (dù bà biết tôi chỉ là bác sĩ phụ mổ). Đó là món ăn chỉ dành cho riêng tôi, vì thực ra trong nhà có ai thích cái vị đắng ngắt của lá ngải đâu. Là bác sĩ, về khoa học, tôi biết món ăn đó không thể có công dụng đến mức ấy. Nhưng có lẽ cảm cái tấm lòng chân thật của người phụ nữ quê mùa, một chút hàm ơn với người đàn bà duy nhất hiện diện trong nhà tôi, mà lần nào tôi cũng cố ăn cho hết.

Tôi đi qua phòng thằng An, ghé mắt qua khe cửa đã thấy nó ngủ gục bên bàn máy tính từ bao giờ. Tôi cũng không muốn đánh thức, bởi nếu gọi nó dậy tầm này thế nào cũng nghe nó cạu cọ và nó sẽ lại thức đến sáng. Học lớp mười hai chuyên Tin, nó ước mơ trở thành một lập trình viên và gắn bó với cái máy tính hơn bất kỳ thành viên nào trong gia đình. Người nó gầy nhẳng, cao nghều, mắt cận 4,5 đi-ốp. Nó ốm dặt dẹo từ bé, vì khi mới được chín tháng tuổi nó đã bị mẹ tôi cai sữa để đi xuất khẩu lao động. 

Ông tôi hay gọi thằng An là thằng Gan (ý muốn ám chỉ gan mẹ tôi to quá, đang tâm bỏ cả đứa con đỏ hỏn đi biệt xứ). Ban đầu, bố tôi có ý thanh minh với ông đó là giải pháp tình thế. Thời gian đó bố mẹ làm ăn thua lỗ, lại bị người ta giật hụi nên ông nội phải bán cả nhà đất để sang ở với gia đình tôi. Cả nhà chui rúc trong cái phòng cũ chưa đến hai chục mét vuông, là phòng kho của Hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể. Không có bàn tay đàn bà, căn phòng lúc nào cũng ngổn ngang, bừa bộn như vừa bị kẻ gian đột nhập, sục sạo. 

Cây không hoa - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Mẹ sang Nga theo đường dây của một người bạn. Năm sau mẹ qua Đức và bằng các mối quan hệ của mình và được thủ tục định cư luôn ở đó. Ban đầu mẹ cũng giục bố sang trước rồi tính lo cho ba anh em tôi sang sau. Nhưng bố tôi không đồng ý vì năm đó phải lo sang cát cho bà nội, còn ông tôi  thì vừa mới trải qua một cơn đột quỵ. Hàng hóa và tiền mẹ gửi về vẫn đều đặn, nhưng những lá thư thì cứ thưa dần. Bố ngày càng lầm lì ít nói hơn, rồi những chuyến đi buôn ngược của bố cũng dài ngày hơn. Mấy năm sau, tôi loáng thoáng nghe bà thím nói với ông rằng mẹ tôi mới có em bé. Tôi thấy bố lẳng lặng gỡ khung ảnh cưới xuống, tháo tấm ảnh ra cất vào đáy tủ quần áo cũ. 

 Thi thoảng, có người đàn bà theo bố tôi về nhà, cô thì óng ả điệu đà, bà thì sồn sồn chợ búa. Ông tôi cứ nói bâng quơ mát mẻ, không có ý đuổi cũng chẳng ra chiều giữ. Người trở lại được hai ba lần, kẻ mất tăm sau đó. Họ đi rồi, ông thủng thẳng bảo với bố tôi: “Mấy cô đó chỉ nhòm vào cái túi tiền của anh thôi, chứ thấy cảnh mấy đứa con anh nheo nhóc bìu ríu thế này, chẳng ai có đủ lòng nhân ái để ở lại đâu.” Vài năm sau, bố cũng đưa cả nhà đến nơi ở mới, là căn nhà hai tầng rộng rãi và gần trường học của anh em tôi hơn. Nhưng kể từ ngày đó, không có người đàn bà nào đến nhà tôi nữa…

2

Anh Phan mới mang về một chậu cây bạch mã. Anh bảo có một khách hàng mách anh rằng trồng cây đó trong nhà thì phát tài phát lộc. Anh dặn dò tôi phải để ý đến cây đó, nó mà héo chết là nhà đen lắm. Là họa sĩ nghiệp dư và thi công tiểu cảnh sân vườn, anh Phan đi về thất thường. Anh hay đi vài hôm, có khi cả nửa tháng, lúc về nhà quăng cái túi du lịch bụi bặm rồi nằm lăn ra ngủ suốt mấy ngày.

 Ông tôi lúc nào cũng kè kè cái máy điện thoại để bàn, nếu cả ngày không có tiếng chuông nào thì ông đi ra đi vào, nhưng hễ có chuông là ông thảng thốt giật mình, lập cập bước đến nhấc máy ngay hồi chuông thứ hai. Thế nên anh Phan dù bận đến mấy cũng căn giờ gọi về để ông yên tâm. Nhiều lần tôi bảo sắm cho ông cái máy di động, ông mang theo bên mình để có thể đi chơi đây đó quanh hàng xóm. Nhưng ông dằn dỗi bảo: “Cái điện thoại bàn còn đó thì tụi bay còn nhớ tới sự tồn tại của  cái nhà này.” Thi thoảng ông vẫn dặn dò bố tôi:

- Anh phải để ý thằng cả. Trong ba thằng thì nó lông bông thất thường nhất, không khéo lại mắc nghiện.

 Bố tôi thủng thẳng:

 - Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Nó phải lo đời nó. Ông với con có sống mãi để lo cho nó được đâu.

- Vậy thì giục nó lấy vợ đi. Ba mươi rồi đấy, kén chọn cho cẩn thận, kẻo rồi…

 - Nó thích lấy thì ông cản cũng chẳng được. Mà cứ sống tự do như thế lại sướng, vợ con là cái nợ đời…

Bố tôi nhếch mép cười chua chát. Ông tôi quay đi thở dài bất lực…

Cây không hoa - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Tháng trước, lần đầu tiên tôi đưa Nga về nhà mình. Thằng An ríu rít níu tay Nga khoe một phần mềm game nó mới viết và tập tành chơi thử. Ông tôi thì lui cui đi ra đi vào nhắc bà Nhài nấu món nọ món kia. Bố tôi mắt không rời tờ báo, cả bữa ăn ông nói duy nhất một câu: “Cứ tự nhiên như ở nhà cháu nhé!” Tính Nga vốn hiền lành, em rụt rè gắp thức ăn cho ông tôi, rồi cho thằng An, bắt gặp ánh mắt nửa như dò xét nửa như chế nhạo của anh Phan, em cúi gằm mặt xuống, tay gảy gảy mãi không hết bát cơm. Tôi cố nói dăm ba câu chuyện để kết nối mọi người, nhưng càng nói càng thấy vô duyên. Không khí bữa ăn cứ chùng xuống. 

Nga dọn dẹp nhanh rồi xin phép ra về. Suốt dọc đường, Nga lặng im. Hai đứa ghé vào quán cà phê quen thuộc, Nga nói nhỏ, giọng như hụt hơi: “Sang tháng em đi Hà Nội học thêm lớp nghiệp vụ anh ạ”. Tôi biết em đã có ý định đó từ lâu nhưng giờ em mới nói lại. Phải chăng đó là lý do Nga muốn thoát ra khỏi mối quan hệ lỏng lẻo này? Nga là con một, sống nội tâm, nhạy cảm và cả nghĩ. Tôi chăm chăm nhìn vào ly cà phê để tránh ánh mắt vời vợi của em, khẽ khàng buông một câu mà tự thấy mình hèn hạ: “Tùy em…”. Yêu nhau hơn hai năm, sau khi Nga là cô bệnh nhân mổ cấp cứu vì viêm ruột thừa cấp trong ca trực của tôi, lúc nào em cũng như một con chim nhỏ ngoan ngoãn. Và tôi hiểu sự ngoan ngoãn ấy của em đồng nghĩa với việc em không đủ dũng khí để vượt qua cái khoảng lặng đang choán ngợp không khí gia đình tôi. Tôi không dám hy vọng rằng Nga có thể làm hồi sinh sự vui vẻ cho gia đình mình.

Cà phê nhạt thếch trong miệng. Khói thuốc vẩn vơ đặc quánh. Nga rấm rứt khóc: “Anh hạn chế hút thuốc nhé. Và nhớ đừng bỏ ăn sáng…”. Lúc nào Nga cũng ân cần dịu dàng quan tâm đến tôi từ những điều nhỏ nhoi như thế. Nhưng có lẽ tình yêu của tôi chưa đủ lớn để khiến em có thể hy sinh. Nga cũng hiểu tính tôi, hiểu rằng tôi không đủ bản lĩnh để nghĩ tới chuyện ở rể. Sau mối tình sinh viên mang nhiều màu sắc tương trợ, thì Nga là cô gái duy nhất khiến tôi có cảm giác mình được sống có trách nhiệm hơn với bản thân. Cứ im lặng như thế, mãi lúc sau, Nga mới rụt rè nói, giọng tha thiết và chân thành: “Hay mình cùng đi Hà Nội anh nhé! Cậu em có nhiều mối quan hệ. Hoặc là anh cứ làm ở phòng khám tư cũng tốt, chứ ở bệnh viện tỉnh cứ hợp đồng mãi thế này…”.

Tôi trầm ngâm, di di mãi mà điếu thuốc cháy dở vẫn không tắt. Có lẽ vì ám ảnh mãi chuyện đổ vỡ của bố mẹ mà tôi rất sợ sự thay đổi. Hay là tôi kém cỏi đến độ không đủ can đảm để thay đổi chính mình cũng như thay đổi cách sống, cách nghĩ của những người thân?! Tất cả đều rất tốt, vậy mà tại sao tôi không thể gắn kết lại thành một tổ ấm theo đúng nghĩa?!

Đưa Nga về đến cổng, em bần thần xuống xe, e dè bám lấy tay tôi, run rẩy: “Anh không giữ em ở lại, cũng không muốn cùng em đi. Là sao anh?”. Tôi cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn ấm áp của em xiết chặt. Im lặng. Chưa bao giờ tôi thấy mình hèn nhát đến thế. Em đâu có lỗi gì mà tôi lại khiến em phải day dứt đau khổ? Tôi thương em thực sự. Giá kể tôi có thể phẫu thuật trái tim mình, có thể lập trình một lối sống và suy nghĩ mới cho mọi người, hay có thể tạo nên những bức tranh thật hài hòa sống động cho tổ ấm của mình? Gần hai mươi năm qua, hình như lúc nào trong tai tôi cũng văng vẳng câu nói của bố: “Đàn bà sinh ra chỉ để làm khổ đàn ông…”. Những  người đàn ông trong gia đình tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi cái suy nghĩ đầy thù hận ấy, để rồi không ai chịu mở lòng mà thay đổi. Nga hiền lành và ngoan ngoãn thế, chắc hẳn em sẽ không làm khổ tôi, nhưng em lại không đủ sự kiên nhẫn và đức hy sinh  để kéo tôi thoát ra khỏi sự ám ảnh ấy…

3

Vài ngày, tôi lại nhớ ra việc phải tưới cho cây bạch mã của anh Phan một ấm nước trà nguội. Anh Phan bảo: “Cây này mà có hoa thì nhà đại phát, ai chăm sóc nó thường xuyên để nó ra được hoa, thì người đó phát trước”. Tôi gượng cười. Một người bụi bặm phong trần như anh cũng có lúc bấu víu vào niềm tin mơ hồ như vậy sao?!

Bố tôi mang về một con mèo mun, đen đến nhức nhối, hai con mắt nó sáng quắc dễ sợ. Bố bảo: “Có con mèo đen trong nhà, nó hóa giải được những luồng điện từ ảnh hưởng xấu đến con người. Dạo này bố hay nhức đầu, hoa mắt quá”. Hình như hồi học đại học, tôi cũng từng nghe ông thầy của mình nói như thế. Chưa tin nhiều về chuyện con mèo, nhưng bất giác tôi ngắm nhìn bố kĩ hơn. Tóc bố đã bạc quá nửa, dáng đi đã bắt đầu mỏi mệt. Và trong bữa ăn tối, bố nhẩn nha kể chuyện rút vốn nơi này nơi kia về. Lúc ngà ngà say, bố nhìn chúng tôi buột miệng: “Chẳng biết khi có đứa nào cưới, mẹ chúng mày có biết đường về không…”. 

Bố trách, hận, hay thực tâm vẫn mong chờ? Có lẽ lâu lắm rồi, chắc từ ngày thằng An học lớp Ba, tơi tả chạy về sau trận ẩu đả với lũ bạn trong lớp, sà vào lòng bố thổn thức: “Chúng nó gọi con là đồ bị mẹ bỏ rơi”; hôm nay bố mới nhắc đến mẹ. Anh Phan lúc đó cũng biêng biêng say, cười đưa đà: “Bố có cưới thì cưới, chứ bọn con hẵng từ từ”. Bố gườm gườm. Tất cả lại im bặt…

Tôi đang lúi húi bóc mấy cọng lá vàng cho cây bạch mã thì có âm báo tin nhắn. Tôi mở điện thoại, là tin của Nga. Em báo đã nhập học và về ở nhà cậu, lạ lẫm, sợ sệt vì thái độ của bà mợ. Tin nhắn cứ đến liên tiếp, ngừng một vài phút, lại có tin mới. Tôi “đã xem” mà không dám trả lời. Một nỗi thương cảm trào dâng, len lỏi cả niềm ân hận. Mãi sau, tôi nhấn phím viết vài dòng an ủi động viên, nhưng tự thấy sự nhạt nhẽo của những câu từ đó, tôi lại xóa đi không gửi. Tôi cứ nhìn trân trân vào những cuống lá trắng của cây bạch mã và mường tượng đến một ngày nào đó có bông hoa bé xíu nõn nà sẽ lấp ló trồi lên từ bẹ lá. Cuối tuần này không có lịch trực, tôi sẽ đi Hà Nội thăm Nga. Chắc em sẽ bất ngờ lắm. Tôi vuốt lau thật khẽ cho những phiến lá xanh bóng lên. Tôi tin rồi cây bạch mã sẽ ra hoa…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.