Cây sồi mùa đông

Chia sẻ

Tình yêu vốn muôn màu, muôn vẻ. Thường thì, người ta cảm mến rồi nảy sinh tình cảm yêu thương nhau vì cùng trang lứa, cùng nghĩ suy. Nhưng có khi sự khác biệt của tuổi tác, của cảm quan, lại tạo nên một chuyện tình đẹp. Sự chênh lệch ấy vừa là một bi kịch, vừa là một phép thử của tấm chân tình.

Em như cây phong non
Dễ cười và dễ khóc
Tôi cây sồi mùa đông
Vỏ sần sùi gai góc.

Cùng nhận về mưa móc
Cùng toả xanh cho đời
Cây phong nhiều mắt ngắm
Bỏ quên một cây sồi.

Phong non mọc thêm chồi
Cây sồi càng rụng lá
Cả hai cùng siêng năng
Giữa đất cằn sỏi đá.

Phong non nghiêng mắt lá
Tán toả xanh ngời ngời
Nhận về toàn tuyết giá
Là cây sồi mùa đông.
                            Đoàn Thị Lam Luyến

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:

Tình yêu vốn muôn màu, muôn vẻ. Thường thì, người ta cảm mến rồi nảy sinh tình cảm yêu thương nhau vì cùng trang lứa, cùng nghĩ suy. Nhưng có khi sự khác biệt của tuổi tác, của cảm quan, lại tạo nên một chuyện tình đẹp. Sự chênh lệch ấy vừa là một bi kịch, vừa là một phép thử của tấm chân tình. Ấy là trường hợp bài thơ Cây sồi mùa đông của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Trong cùng một “hệ sinh thái” tình cảm lại có hai cuộc đời, hai tâm trạng, mang bóng dáng của những cái cây:

Em như cây phong non
Dễ cười và dễ khóc
Tôi cây sồi mùa đông
Vỏ sần sùi gai góc.

Ở đây ta bắt gặp những cặp so sánh già-trẻ, non-cỗi, ồn ào-lặng lẽ… khá thú vị. Nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc vẫn là chút gì “sần sùi gai góc” của sự trải nghiệm. Lớp vỏ tưởng như cam chịu, trơ lì ấy chính là dấu tích của một thời sôi nổi ngày nào, giống như em của ngày hôm nay. Nhưng mà, trong khu rừng, trong cuộc đời, đâu phải chỉ có hai cái cây mà còn nhiều đôi mắt nhòm ngó, còn “lời ong, tiếng ve”:

Cùng nhận về mưa móc
Cùng toả xanh cho đời
Cây phong nhiều mắt ngắm
Bỏ quên một cây sồi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với sự tương đồng, gần gũi của hai thực thể trong cuộc sống, có chút gì gần gũi, cùng cảnh ngộ, dễ cảm thông giữa hai người. Nhưng mà, bao “mắt ngắm” lại chỉ hướng về “cây phong”-em; bỏ mặc “cây sồi” - anh cần mẫn, già nua này. Dường như có chút chạnh lòng, tủi thân mà cũng dễ hiểu, dễ cảm thông cho quy luật tự nhiên đó, để rồi:

Phong non mọc thêm chồi
Cây sồi càng rụng lá
Cả hai cùng siêng năng
Giữa đất cằn sỏi đá.

Giờ thì, hai cái cây đang dần xa nhau, dần “đi” về hai phía, một càng xum xuê, tươi tốt (Phong non mọc thêm chồi), một ngày càng già nua, tàn tạ (Cây sồi càng rụng lá). Nhưng, không vì thế mà cuộc sống trở nên bi quan, u ám, buồn tẻ. Là một cái cây đích thực sẽ luôn nhớ nhiệm vụ, bổn phận của mình cũng như một tình yêu đích thực luôn hướng về những điều tốt đẹp giữa bao gian khó: “Cả hai cùng siêng năng/Giữa đất cằn sỏi đá”. Hai chữ “siêng năng” đã kéo hai cuộc đời gần lại bằng một tiếng nói chung của tâm hồn. Và rồi, câu chuyện tình mùa đông giữa hai cái cây ấy có một cái kết thật thú vị:

Phong non nghiêng mắt lá
Tán toả xanh ngời ngời
Nhận về toàn tuyết giá
Là cây sồi mùa đông.

Cây sồi già lặng lẽ, âm thầm hy sinh vì một tình yêu đơn phương và cao thượng (Nhận về toàn tuyết giá), để phong non “tỏa bóng xanh ngời”. Một chuyện tình của những cái cây thật đẹp giữa mùa đông như ngọn lửa cảm xúc ấm áp.

Vẫn biết đó là chuyện của những cái cây bên nhau, vừa nâng đỡ, vừa che chở qua tháng ngày lạnh giá nhưng khi đọc Cây sồi mùa đông của Đoàn Thị Lam Luyến ai cũng thấy có bóng dáng cuộc đời mình. Mỗi năm chỉ có một mùa sương giá, gió lạnh nhưng trong cuộc đời đâu thiếu những gian khó, nguy nan. Phải là người yêu thật lòng, yêu người mình yêu hơn cả bản thân mới có được tình cảm ấy, sự hy sinh ấy. Có lẽ, mùa đông này Cây sồi mùa đông đã dạy cho chúng ta một bài học quý giá như thế.

PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.