Cha mẹ hãy “Lắng nghe - Kết nối - Đồng cảm - Chân thành” với con

Chia sẻ

Thời gian vừa qua, nhiều trường hợp trẻ em nhảy lầu tự vẫn đã gióng lên bài học cho các bậc cha mẹ trong việc cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của con em mình. Trao đổi của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô với PGS.TS Trần Thành Nam, trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội.

Thưa ông, ông lý giải như thế nào về hiện tượng trẻ em tự tìm đến cái chết. Nhiều người cho rằng, các em vẫn còn đang ở tuổi vô lo vô nghĩ và lo lắng (nếu có) cũng không là gì so với áp lực mà người lớn đang phải chịu đựng?

Ở tuổi nào thì cũng đều có lo lắng, áp lực, vấn đề gặp phải riêng. Có thể với người lớn, việc phải đi làm kiếm tiền là áp lực lớn nhưng với một đứa trẻ, vấn đề của các em lại là học hành, thi cử, việc xử lý các mối quan hệ với bạn bè…

Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện, khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc bất toại (không được toại nguyện). Chúng ta có câu “sở cầu bất đắc”. Cụ thể các bạn trẻ thường có suy nghĩ tiêu cực khi bản thân mình đối diện với một nỗi thất vọng lớn như thi trượt, thất bại trong một công việc gì đó hay đã rất cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả mình mong đợi... Chúng ta cũng có câu khác nữa là “Nhàn cư vi bất thiện”, ở không sinh bệnh. Bị cách ly khỏi môi trường xã hội tích cực quá lâu, bị tiêm nhiễm bởi các thông tin độc hại trên mạng khiến cá nhân không dứt được khỏi những suy nghĩ thảm họa hóa vấn đề. Trong những thời khắc như vậy, các em thường nghĩ tới những giải pháp tiêu cực như trốn chạy, tuyệt vọng, và trả thù bản thân.

TS Trần Thành NamTS Trần Thành Nam

Trong quá trình tham vấn tâm lý, tiếp xúc với nhiều cha mẹ, tôi thấy có một số sai lầm mà người lớn mắc phải trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Nhiều cha mẹ vẫn đang chỉ quan tâm đến việc cho con ăn ngon, mặc đẹp là đủ mà không nghĩ vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần của con cũng rất quan trọng. Trước khi tìm đến cái chết, nhiều trẻ cũng đã có những biểu hiện “bất bình thường” giống như một lời cảnh báo ví dụ sống khép mình, không muốn giao tiếp với ai, buồn bã, bỏ ăn, thích ở một mình. Một số trẻ có những lời nói tưởng chừng vu vơ, nhưng thực ra lại đang phản ánh suy nghĩ trong đầu trẻ như “Cuộc đời này quá chán”, “Không biết ở thế giới bên kia như thế nào”, “Sống thế này thà chết đi còn hơn”... Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại chỉ coi đây là câu nói đùa của trẻ nên bỏ qua. Hoặc cho rằng, trẻ nói vậy thôi chứ còn lâu mới dám tự vẫn. Cuối cùng, khi trẻ tự vẫn thật, cha mẹ hối hận thì đã muộn, không thể cứu vãn được nữa.

Nhìn rộng ra, ở Việt Nam chúng ta, vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh đã được ngành giáo dục nhận ra và triển khai thực hiện qua nhiều đề án đặc biệt là triển khai hệ thống các phòng Tư vấn tâm lý học đường tại các trường và dự án Trường học Hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều những định kiến, niềm tin sai lầm về lo âu, trầm cảm như lo lắng là thể hiện của người yếu đuối, lo lắng là thể hiện sự kém cỏi, không có khả năng tư duy. Trầm cảm chỉ là sự viện cớ, thể hiện sự lười nhác; trầm cảm là thể hiện thiếu ý chí; trầm cảm là do bộ não hỏng nên không thể chữa được; trầm cảm là do di truyền, bố mẹ bị, chắc chắn con cũng sẽ bị; ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin giúp chữa khỏi, uống thuốc lo âu trầm cảm chỉ hại người. Những kỳ thị này khiến cá nhân không dám thừa nhận mình có vấn đề và cản trở cá nhân tìm kiếm sự hỗ trợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy theo ông, cha mẹ cần quan tâm tới con em mình như thế nào cho đúng?

Điều quan trọng là cha mẹ hãy luôn làm bạn, chia sẻ, quan tâm, hỏi chuyện con mình. Khi nhận ra con đang có các dấu hiệu lo âu, trầm cảm, cha mẹ có thể hỏi con: “Mẹ thấy con khác, mẹ cảm thấy lo lắng một chút. Con có thể chia sẻ có chuyện gì không?”, “Con đã bắt đầu cảm thấy như thế này từ bao giờ?”, “Cách tốt nhất để mẹ giúp con bây giờ là gì? Hay con có muốn tìm kiếm một nhà tâm lý không?”. Cha mẹ cần khẳng định con là quan trọng và cha mẹ muốn giúp đỡ con: “Con rất quan trọng với mẹ. Mẹ sẽ luôn ở bên con, hãy nhớ như vậy”, “Có thể mẹ chưa hiểu chính xác những gì con đang cảm thấy nhưng mẹ thực sự quan tâm và muốn giúp con”; hoặc là hướng dẫn, chia sẻ cho con như: “Có thể con không tin vào điều này nhưng những gì con đang cảm nhận có thể thay đổi rất nhanh”, “Khi con thực sự muốn bỏ cuộc, hãy tự nhủ mình sẽ cố gắng chỉ một ngày nữa, một giờ nữa, hoặc vài phút nữa thôi”, “Con ạ, tất cả những gì bắt đầu bằng: Phải, Cần, Nên, Cố… đều có thể không chính xác, chúng mình sẽ cùng nhau nói chuyện và xem xét lại nhé”. Tóm lại bí quyết với cha mẹ là hãy Lắng nghe - Kết nối - Đồng cảm - Chân thành với con.

Khi nhận thấy con em mình có những cảm xúc tiêu cực, hãy ở cạnh đừng để các em một mình; trò chuyện, chia sẻ; cố gắng thuyết phục hoặc đưa con em đến gặp bác sỹ; loại bỏ các vật dụng như dao, kéo, dây thừng… để hạn chế chúng gây tổn thương cho con em mình.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ, người thân cũng cần học cách quản lý cảm xúc. Đôi khi vì sự cáu giận mà cha mẹ, người thân có để nói ra những lời nặng nề khiến trẻ bị tổn thương, từ đó dẫn tới hành động dại dột, thiếu suy nghĩ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy, với những bạn trẻ cần phải chú ý điều gì ?

Các bạn trẻ hãy nhớ rằng suy nghĩ và cảm xúc chỉ là suy nghĩ và cảm xúc. Mình không cần phải hành động theo chúng. Hãy nhớ rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta cũng chỉ là tạm thời, nó có thể chỉ kéo dài vài giờ hoặc thậm chí vài chục phút. Sau đó bạn có thể cảm thấy khác đi rất nhiều. Nó cũng giống như việc ngồi xếp bằng như tư thế ngồi thiền để tập trung thư giãn. Lúc mới bắt đầu ngồi thì rất đau, rất khó chịu, nhưng qua một thời gian, việc này trở nên dễ dàng hơn và thậm chí khiến chúng ta hứng thú với nó.

Vì vậy, các bạn trẻ hãy chấp nhận rằng cuộc sống có những căng thẳng và khó chịu mà mình không thể né tránh được. Hãy học cách quan sát những cảm xúc đó một cách khách quan. Như việc chúng ta là khán giả, đang ngồi xem phim và những cảm xúc, suy nghĩ của chúng ta là những hình ảnh chạy qua trên phim vậy. Chúng ta có thể hỉ, nộ, ái, ố với những hình ảnh trên phim nhưng sau khi hết phim thì ta vẫn bình tĩnh đứng dậy làm việc tiếp. Còn suy nghĩ kia thì vẫn ở trên màn hình tivi đã được tắt. Khi có suy nghĩ tiêu cực, loại bỏ bất cứ thứ gì trong nhà mà bạn có thể dùng để làm hại bản thân; tìm hỗ trợ: trực tiếp, trực tuyến, qua điện thoại; tránh ở một mình; tránh sử dụng ma túy và rượu.

Bạn trẻ cần được nâng cao năng lực phục hồi “4 tứ trụ” bằng cách cân bằng sức khỏe thể chất tốt, duy trì lối sống tốt, phát triển mối quan hệ xã hội tối và phát triển cảm xúc tốt. Để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, trẻ cũng có thể tham gia vào các hoạt động có ích cho cộng đồng, gặp gỡ những tấm gương có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nghị lực, vươn lên trong cuộc sống. Bạn trẻ cũng nên lập trình kế hoạch rõ ràng, mục tiêu phấn đấu cho tương lai. Khi sống có ích, có mục tiêu, trẻ sẽ không còn thời gian để suy nghĩ tiêu cực và thấy cuộc sống của mình nhàm chán, bế tắc nữa.

Xin cảm ơn ông!

HOÀNG LAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.