Cha mẹ làm gì khi con bị bạo lực ở trường học?

QUỲNH NHƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi con bị đánh, cha mẹ hãy giúp con lên tiếng thay vì chịu trận. Giải quyết bạo lực bằng bạo lực chỉ tạo ra một hình thức bạo lực khác.

Phụ huynh cũng… tham chiến, lợi hay hại? 

Quay trở lại với câu chuyện của phụ huynh T.H.T ở trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Bà mẹ này đã livestream tố cáo việc con gái bị bạn học đánh gây thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề, nhưng không được nhà trường giải quyết thỏa đáng. Đành rằng, việc livestream giúp bà mẹ hả giận nhưng nhiều người cho rằng, hành động của bà mẹ có thể đang làm tổn hại chính con gái mình.

Khi trực tiếp theo dõi các livestream trên mạng xã hội của chị T.H.T, dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người đồng tình với cách ứng xử của chị T về việc phụ huynh cần lên tiếng, quyết liệt xử lý tình trạng bạo lực học đường để bảo vệ con gái mình. Song nhiều người lại băn khoăn về việc, khi đẩy các thông tin bạo lực lên mạng xã hội, với cách ứng xử của các bậc phụ huynh theo cách đó, liệu có đang làm ảnh hưởng đến chính cuộc sống và tâm lý của các con mình không? Khi sự việc chưa sáng tỏ, các bên cần bình tĩnh để tìm hướng giải quyết, đúng sai như thế nào, trách nhiệm ra sao sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định theo trình tự thủ tục mà luật pháp quy định. Nếu vì xót con mà có những lời lẽ, hành vi thiếu kiểm soát, không phù hợp thì người thiệt thòi đầu tiên chính là con em mình.

Cha mẹ làm gì khi con bị bạo lực ở trường học? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, TS giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, việc người mẹ công kích trường học sẽ không đem lại giá trị giáo dục cho trẻ. Bởi sau này, khi con quay trở lại lớp học, dù đó là trường nào, lớp học nào, con cũng sẽ phải đối diện với ánh mắt tò mò, nghi kị của bạn bè và thầy cô giáo. Con sẽ khó hòa đồng với bạn bè để có một tuổi thơ cắp sách đến trường bình yên và an vui nhất… 

Theo các chuyên gia, nhiều khi tính chất vụ việc bạo lực học đường xảy ra không phức tạp, nhưng cách xử lý không phù hợp của các bậc phụ huynh và nhà trường đã dẫn đến sự việc trở nên phức tạp, nghiêm trọng thêm, thậm chí tác động xấu đến chính học sinh gây ra và cả nạn nhân bị bạo lực học đường. Như vụ việc mới xảy ra hồi đầu năm 2022, một phụ huynh ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh khi phát hiện con gái là H.G bị bạn cùng trường đánh hội đồng đã bức xúc đi tìm và dùng mũ bảo hiểm đánh lại những học sinh đã đánh con gái mình. Mặc dù nhà trường đã thống nhất với phụ huynh về việc giáo dục, răn đe tại gia đình, nhưng hai bên gia đình vẫn không có biện pháp răn đe giáo dục hợp lý. Bố mẹ nữ sinh đánh bạn liên tiếp đe dọa H.G, khiến công an phải vào cuộc xử lý. Do sợ con gái tiếp tục bị bắt nạt, mẹ nữ sinh H.G đã tổ chức livestream trên mạng xã hội để mong muốn cộng đồng giúp đỡ, bảo vệ con gái mình… 

Giáo dục từ gia đình là gốc

Chia sẻ trên trang facebook cá nhân về các giải pháp phòng chống bạo lực học đường nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, sau khi học sinh trở lại trường, bạo lực học đường lại bùng phát trở lại. Để kiểm soát tình trạng bạo lực học đường, nhà trường không chỉ cần có quy định về việc xử lý vụ việc mà còn phải giúp học sinh nhận thức một cách đơn giản, dễ hiểu nhất về thế nào là bạo lực học đường, tại sao không nên và không được làm điều đó. Thứ hai, vai trò của gia đình về việc ngồi lại với nhau để dẫn dắt con em của mình “nói không với bạo lực”. Chính các phụ huynh trở thành cầu nối, xúc tác giúp trẻ xây dựng tình bạn với nhau. Cao hơn, các phụ huynh trở thành tấm gương cho các con thấy bạo lực chưa bao giờ và không bao giờ là giải pháp. Các cha mẹ phải nhận thức được việc họ đồng hành cùng nhà trường chứ không phải phó mặc cho nhà trường. Các học sinh - chủ thể quan trọng nhất trong việc nói không với bạo lực học đường - cần được tăng kỹ năng mềm, học cách kiểm soát cảm xúc, học cách giải quyết mâu thuẫn bằng nhiều cách hơn không phải chỉ có mỗi bạo lực… Đặc biệt, khi bị bạo lực, trẻ cần phải lên tiếng, gặp riêng thầy cô hoặc người tin cậy để nói chuyện. Bạo lực không giúp bạo lực giảm bớt mà có khi tạo ra một vụ việc khác nghiêm trọng hơn.
Chị Lê Thị Thu Hà, Giám đốc truyền thông Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) thì khẳng định: Cha mẹ là người đầu tiên cần có ý thức về việc tạo dựng môi trường sống an toàn cho con trẻ trong chính gia đình, tạo cơ hội để trẻ có khả năng tương tác trong các môi trường sống khác như học đường, xã hội, đảm bảo cho trẻ có thể thích ứng và có giải pháp linh hoạt để tự bảo vệ chính mình. 

Cha mẹ làm gì khi con bị bạo lực ở trường học? - ảnh 2
Ảnh minh họa

“Như vụ việc học sinh trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh bị bạn đánh là một ví dụ. Chúng ta cần ý thức về một quy trình xử lý để an toàn hơn cho trẻ và hướng tới một xã hội văn minh, biết chịu trách nhiệm, đồng cảm thay vì việc đẩy sự việc trở nên nóng bỏng, căng thẳng hơn, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác và không đưa ra bài học rõ ràng cho các bên liên quan. Câu hỏi đặt ra là cha mẹ, giáo viên và các bên liên quan như hội phụ huynh, ban bảo vệ trẻ em tại địa phương đã làm gì để đảm bảo an toàn cho trẻ trong gia đình, làm gì để giúp trẻ có những kỹ năng để xử lý tình huống mâu thuẫn giữa bạn bè, học sinh cùng trường, thậm chí giữa học sinh với giáo viên, nhân viên trong trường và những người lớn tuổi hơn trong môi trường xã hội? Nếu con có kỹ năng nhận biết để phòng ngừa, biết cách xử lý các mâu thuẫn đó thì không rơi vào bẫy của vòng tròn bạo lực” – chị Lê Thị Thu Hà cho biết.

Theo chị Thu Hà, vụ việc này cho thấy, bố mẹ cần có kiến thức, kỹ năng được đào tạo, bổ túc để hỗ trợ cho con phòng tránh các nguy cơ bị bạo lực. Nếu không may xảy ra tình huống bị bạo hành/bạo lực, trẻ cũng biết cách xử lý. Cha mẹ cũng định hướng cách xử lý mang tính tích cực và đem lại sự an toàn cho con. “Chúng tôi nhấn mạnh vào giáo dục gia đình để giúp các thành viên có nhận thức, kỹ năng  củng cố mối quan hệ giữa các thành viên, đảm bảo gia đình là nơi an toàn, nương tựa không những cho trẻ em và cho cả cha mẹ khi gặp biến cố. Tuy nhiên vấn đề truyền thông về giáo dục gia đình cần thực hiện trên diện rộng, có mục đích cụ thể, mang tính giáo dục về xã hội cao, chạm đến cái tâm của phụ huynh, khiến họ nhìn thấy nguy cơ một cách cụ thể và gợi ý các giải pháp phòng ngừa, can thiệp. Những vụ việc cần được thu thập thông tin đầy đủ, chính xác, được các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan về pháp luật, tâm lý, giáo dục… phân tích, được tuyên truyền lại và đưa ra giải pháp cụ thể để mỗi cá nhân trong toàn xã hội nhận thức được trách nhiệm của mình trong mỗi hành động hàng ngày, góp phần giảm thiểu nguy cơ cho chính trẻ em…” – chị Thu Hà đề nghị. 

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, để tránh cho con bị bắt nạt, điều quan trọng là cha mẹ cần quan sát con để tìm ra “điểm gợn” của con với bạn bè và giải quyết cùng con. Cha mẹ có thể cho con đi học võ, luyện các tình huống phòng vệ khi bị đánh như học cách gạt tay, phản ứng tự vệ; giúp con tạo cho mình một cộng đồng bạn thân đông đảo, có nhiều hoạt động sôi nổi và hào hứng. Khi con có nhiều bạn bè, con sẽ dễ dàng tự vệ khi bị bắt nạt. Khi xảy ra việc bị bắt nạt, con cần biết tự vệ, hoặc gọi điện đến số điện thoại cứu hộ như 113 – số điện thoại công an, 111 – Tổng đài bảo vệ trẻ em. “Cha mẹ cũng hãy bình tĩnh xử lý vấn đề sức khỏe, tâm lý cho con trước khi làm các việc khác. Nếu tâm lý con quá bất ổn thì cha mẹ nên tập trung vào việc chăm sóc và giải tỏa cho con. Sau đó, để các con an tâm và khỏe mạnh, cha mẹ cần tính đến các phương án xử lý lâu dài như chuyển trường cho con nếu không phù hợp. Trước khi nghĩ đến những ức chế với nhà trường, cha mẹ cần quan tâm đến con đầu tiên. Con cũng sẽ không thoải mái nếu bố mẹ can thiệp quá sâu vào các việc tại trường lớp. Vì thế, cha mẹ nên lựa chọn cách giải quyết sao cho nhẹ nhàng và phù hợp với con nhất” – TS Vũ Thu Hương khuyên. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.