Cha mẹ phải trở thành người bạn đồng hành của con

Chia sẻ

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con học giỏi để tương lai có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp. Bên cạnh một số gia đình vô tình tạo áp lực khiến con căng thẳng, trầm cảm thì nhiều cha mẹ đã thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng con chinh phục ước mơ.

Con hạnh phúc khi được là chính mình

Gia đình anh Nguyễn Văn Bắc và chị Đào Thị Hoa (Long Biên, Hà Nội) là gia đình trí thức đáng ngưỡng mộ đối với nhiều người. Ông bà nội và bố mẹ đẻ của anh Bắc đều là những bác sĩ đầu ngành, khá nổi tiếng ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Bố mẹ anh Bắc cũng là “con nhà nòi”, hiện đang công tác ở những bệnh viện tuyến trung ương, đảm nhiệm chức vụ trưởng, phó khoa.

Thế nhưng, anh Bắc không theo sự nghiệp của bố mẹ mà làm trong lĩnh vực giáo dục. Anh Bắc tâm sự, ngay từ khi còn bé, khoảng lớp 4, lớp 5, bố mẹ anh đã cho anh tự lựa chọn ước mơ của mình chứ đã không ép con học ngành y như ông bà, bố mẹ. “Bố mẹ bảo nếu tôi yêu thích và muốn phát triển lĩnh vực nào, họ đều ủng hộ” – anh Bắc nói. Lúc đó, anh thấy mình thật may mắn vì có bố mẹ luôn tâm lý và ủng hộ ước mơ của con. Thế nhưng, đến khi vào cấp 3, anh mới định hình được nghề nghiệp mà mình yêu thích.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Lúc đó, tôi theo các bạn xấu, bỏ học chơi game. Có hôm, chơi thâu đêm suốt sáng, không đi học. Bố mẹ tôi biết chuyện nhưng không trách mắng, đòn roi mà khuyên nhủ, động viên, giúp tôi nhận ra việc làm sai trái của mình. Nhờ sự kiên nhẫn nắm bắt tâm lý cùng tình yêu thương lớn của đấng sinh thành, tôi dần tìm lại chính mình, chú tâm học tập và đặt mục tiêu thi vào đại học” – anh Bắc nói. Hiện anh đang là giám đốc một trung tâm giáo dục tư nhân lớn, chuyên đào tạo và tư vấn, giúp đỡ nhiều học sinh trong lĩnh vực kỹ năng sống và phát triển tư duy của bản thân.

Chị Đào, vợ anh là một giáo viên mũi nhọn, chuyên đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh giỏi của một trường cấp 2 có tiếng trên địa bàn quận Long Biên. Bố mẹ đều công tác trong lĩnh vực giáo dục, do đó, con gái anh chị - bé Nguyễn Hương Giang, 10 tuổi, hiện đang học lớp 5, cũng bị áp lực. “Nhiều người nói, con gái giáo viên thì phải học giỏi và gương mẫu. Bé Giang luôn cảm thấy áp lực trước ý kiến của mọi người. Nhưng vợ chồng tôi nhắc con, chỉ cần con cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, không nên để áp lực thành tích học tập đè nặng” – anh Bắc nói.

Hàng ngày, anh đều dành 15-30 phút để tâm sự, “thủ thỉ” với con như những người bạn, không hỏi “hôm nay con được mấy điểm”, “có được cô giáo khen không?” mà thay vào đó là “hôm nay con làm những gì ở lớp?”, “đi học có gì vui kể cho bố mẹ nghe nào”, hay “buổi học hôm nay con cảm thấy thế nào?”… Anh chị không chú ý nhiều đến điểm số ở lớp mà quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của con sau mỗi ngày học, để con có hứng khởi, động lực đến trường, khám phá và tìm tòi thế mạnh của mình. Có lần, Hương Giang nói với bố mẹ là thích học vẽ và muốn chơi piano, vợ chồng anh Bắc không ngần ngại lên mạng tìm kiếm thông tin về các lớp học, trung tâm uy tín để đưa con đến học thêm âm nhạc và hội họa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Trẻ có năng khiếu và thích lĩnh vực nào thì vợ chồng tôi cố gắng cân đối kinh tế, thời gian hợp lý để tạo điều kiện cho con thỏa sức sáng tạo, học tập” – chị Đào mỉm cười nói. Theo thời gian, bé Hương Giang không những vẽ đẹp, đàn hay mà còn học tiến bộ các môn văn hóa ở trường. Đến bây giờ, gia đình anh Bắc, chị Đào vẫn luôn tự hào vì phương pháp dạy con đúng đắn, đó chính là đồng hành, lắng nghe con nhiều hơn, tránh áp đặt con phải học giỏi môn này, hay giống bạn kia. Vì khi là chính mình, con làm bất cứ điều gì cũng đều thấy thoải mái, hạnh phúc và có thêm động lực, năng lượng để trau dồi học tập thêm những khía cạnh khác.

Trang bị kỹ năng mềm – cùng con chinh phục cuộc sống

Vợ chồng anh Trần Minh Long và chị Lê Thu Thảo (quê ở Thạch Thất, Hà Nội) đã lựa chọn phương pháp giáo dục bằng cách lắng nghe, thấu hiểu để trở thành “người bạn” đồng hành, sát cánh bên con. Gia đình anh chị sinh sống ở vùng quê, nơi mà hệ ý thức Nho giáo tồn tại qua thời gian, nhiều bố mẹ vẫn còn quan niệm xưa cũ như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và quan niệm trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ. Từ ông bà, bố mẹ đến họ hàng, làng xóm đều giữ quan niệm “cổ hủ” và có phần áp đặt kỳ vọng của cha mẹ lên con cái như thế. Trớ trêu thay, bố mẹ anh Long đều mong muốn con cái, cháu chắt học thật giỏi nhưng là giỏi những môn văn hóa ở trường, lý thuyết trên sách vở; còn khi anh chị ngỏ ý muốn đưa cháu đến những sinh hoạt ở những câu lạc bộ kỹ năng sống hay tham gia các hoạt động ngoài trời học tập kỹ năng mềm thì ông bà lại gạt phăng đi, cho rằng “học nhiều làm gì tốn tiền, ở nhà lo học toán văn cho giỏi còn hơn”. Vợ chồng anh Long luôn giữ quan điểm nhất quán rằng không ép con phải học nhiều để vào trường chuyên lớp chọn, con nắm vững những kiến thức cơ bản là được. Nhưng con gái anh chị luôn chăm chỉ học tập, có hôm học đến 1 giờ sáng mới nghỉ để nâng cao chất lượng học tập vì “muốn làm cho ông bà vui”.

Chị Thảo bèn bàn với chồng cho con đi học một số kỹ năng mềm, giúp con gạt bỏ suy nghĩ phải gồng mình học tập theo mong muốn của người khác và giúp con thấy cuộc sống còn nhiều lĩnh vực mà con nên học. Chị hy vọng điều này sẽ giúp con hứng thú, vui vẻ, năng động hơn. Sau nhiều tháng thuyết phục bố mẹ chồng, chị Thảo đã thành công khi được phép đưa con đến các khu vui chơi sinh thái. Ở đây bé được gặp gỡ với nhiều bạn nhỏ khác, giúp tăng khả năng giao tiếp, ứng xử trước đám đông. Có lần, con chị Thảo còn xung phong góp vui bằng một tiết mục văn nghệ, lúc đó là lần đầu tiên chị nghe thấy con hát và hát hay đến thế, chị cũng dự định sẽ cùng con khám phá và tạo điều kiện để phát triển nhiều khả năng của con hơn. Ngoài ra bé còn được học cách làm những món ăn đơn giản qua cuộc thi theo nhóm, qua đó góp phần nâng cao khả năng làm việc nhóm; bên cạnh đó, còn có hoạt động tìm hiểu về bảo vệ môi trường, thiên nhiên, động vật, giúp con thêm yêu và bảo vệ chúng hơn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn con sống vui vẻ, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Do đó, họ luôn cố gắng giúp con có ý thức học tập từ nhỏ, để có thành tích tốt, tạo đà cho sự phát triển và tự lập trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi cha mẹ lại có một cách giáo dục khác nhau. Nhiều cha mẹ đã áp đặt mong muốn, ước mơ của mình lên con một cách cực đoan, khiến con bị tổn thương, căng thẳng, thậm chí gây ra những hệ luỵ đau lòng. Trong khi đó, thực tế, con rất cần có một cuộc sống vui vẻ, có sự thấu hiểu và chia sẻ từ bố mẹ. Gia đình anh Bắc hay anh Long là hai trong số nhiều gia đình có bố mẹ tiến bộ, đã có cách giáo dục đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ cùng con. Các anh chị đã tạo môi trường, điều kiện, nền tảng cho con được học tập, khám phá những điểm mạnh, phát huy tiềm năng của bản thân, lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép, áp đặt con làm theo ý mình. Anh Bắc từng chia sẻ: “Quan niệm của cha mẹ về việc ép con sống theo mong muốn của bố mẹ là “làm thế để con thành công” cần phải thay đổi. Cha mẹ không nên “viện cớ vì con” mà làm tổn thương con, khiến con không được là chính mình, biến con thành những “chú mọt sách”. Quá trình con được trải nghiệm, rèn giũa, được đưa ra các quyết định độc lập cho tương lai của mình, và kể cả các quyết định sai nhưng sau đó cha mẹ tiếp tục đồng hành, định hướng để con biết sửa chữa, khắc phục và đứng lên từ thất bại cũng được coi là thành công lớn của con”. Đó là quan niệm đúng đắn và rất cần được nhân rộng trong nhiều gia đình hiện nay.

HÀ LAN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.