Cha mẹ ý thức đúng vai trò hỗ trợ con mùa thi

Chia sẻ

Việc học, thi là việc của con. Cha mẹ là người hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Do đó, cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay hay tính thay cho con.

Mùa thi năm nay, tôi đã tham vấn, tư vấn và trị liệu cho số lượng học sinh và phụ huynh nhiều hơn hẳn các năm trước dịch. Khi tiếp xúc, làm việc với cha mẹ và các em, tôi phát hiện các em có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi. Đa phần, mọi người hoang mang do dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh. Việc không được đến trường lớp, không tương tác với bạn bè, không chia sẻ tâm sự cùng nhau, không tham gia các hoạt động ngoại khóa… khiến các em mất đi một phần đời sống tinh thần, nhất là khi ở lứa tuổi các em, bạn bè giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Chị Mạnh LinhChị Mạnh Linh

Việc học trực tuyến sẽ giúp các em có tính tự chủ, kỹ năng tự học tốt nhưng một số học sinh không có khả năng tự học tốt lại gặp khó khăn. Các em mệt mỏi khi phải ngồi máy tính học trong thời gian dài… Thậm chí, trên internet cũng nhiều cám dỗ nên các em có thể bị sao nhãng.

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho kế hoạch học và thi của các em học sinh cũng thay đổi. Nhiều địa phương điều chỉnh lịch học, thi để phù hợp với tình hình thực tiễn, đề xuất phương án đảm bảo cho các em thuận lợi trong thi cử, vừa an toàn trong chống dịch. Đây là một lợi thế để các em có nhiều thời gian ôn luyện hơn. Mặt khác, mặt bằng kiến thức trong đề thi cũng được điều chỉnh, cân đối, đảm bảo công bằng cho các nhóm đối tượng dự thi…

Bên cạnh đó, học sinh đã bắt đầu quen dần với việc học online. Các thầy cô giáo luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ năng làm bài thi thông qua hình thức học trực tuyến. Báo chí cũng đăng định kỳ các bài hướng dẫn ôn thi THCS, THPT và đại học của các thầy cô giáo và những người có kiến thức uyên thâm, giàu kinh nghiệm thực tiễn... Đây là kho tư liệu quý giá để các em học hỏi, trau dồi trước khi “vượt vũ môn”. Năm nay, nhiều trường có chính sách xét tuyển học bạ. Điều này giúp các sĩ tử có cơ hội chọn trường phù hợp với mong muốn của bản thân và gia đình…

Tôi luôn nói với các bậc phụ huynh, việc học, thi là việc của con; việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con. Theo đó, cha mẹ nên trao đổi, nói chuyện, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con. Dù cha mẹ có bận rộn cũng không nên “giao phó” hoàn toàn mọi việc cho con, bởi con dù lớn vẫn rất cần sự quan tâm phù hợp từ phía cha mẹ. Cha mẹ nên lập kế hoạch làm việc trong tuần để con tham gia vào công việc chung trong gia đình, như rửa bát, lau nhà, nấu cơm, phơi quần áo… Làm việc nhà cũng là một cách giúp con bớt đi áp lực học, có cơ hội vận động và thư giãn… Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu diễn biến thông tin thi cử và thảo luận về mục tiêu, kế hoạch thực hiện, các chiến lược học, thi phù hợp với cách thi năm nay. Cha mẹ khuyến khích ý thức tự học và có trách nhiệm với việc học thi của con. Có như vậy, khi con hơi lệch hướng, cha mẹ đã có thể hỗ trợ con kịp thời.

Ngoài ra, khi thấy con có vấn đề bất thường: tâm lý xáo trộn, lo lắng, bất an, mệt mỏi, học quá sức… cha mẹ cần động viên, chia sẻ kịp thời hoặc có thể nhờ đến bác sỹ, chuyên gia tâm lý hỗ trợ khi cần thiết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đối với học sinh, việc tự học là kỹ năng các em cần trau dồi ngay từ nhỏ chứ không chờ đến cấp học nào mới tập luyện hoặc khi chờ có tình huống cần thiết mới thực hành. Do đó, sĩ tử dù đang ở vùng cách ly hay ở nhà học thì cũng cần nâng cao tinh thần tự học, lập mục tiêu, kế hoạch cho bản thân.

Tuy nhiên, không phải em nào cũng có kỹ năng tự học. Tôi có một vài gợi ý nho nhỏ cho các em, đặc biệt là các em học sinh vùng cách ly đòi hỏi việc tự giác học tập cao:

Đầu tiên, các em cần giữ tinh thần ổn định vì điều đó ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, tiếp thu, khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ, nội lực… Bên cạnh việc tin tưởng Bộ GD&ĐT và các sở ngành sẽ có những chính sách phù hợp về lịch thi, hình thức và nội dung thi tuỳ theo tình hình dịch bệnh tại địa phương, các em cũng cần tin tưởng vào mục tiêu, kế hoạch học tập và rèn luyện của bản thân để giảm bớt lo lắng, căng thẳng.

Thứ hai, các em cần giữ liên lạc với các thầy cô giáo, bạn học, những học sinh khoá trước… để học hỏi, trao đổi kiến thức, tận dụng internet để tra cứu nội dung, kỹ năng làm bài…

Thứ ba, các em cần đề ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể và có lịch trình thực hiện rõ ràng, kỷ luật với bản thân trong việc thực hiện các kế hoạch đặt ra. Đây là cách để các em có hướng đi chắc chắn, tự tin và dễ thành công nhất.

Tôi tin, trong mùa thi năm nay, các sĩ tử sẽ “vượt vũ môn” thành công, để từng bước chinh phục những ước mơ của mình…

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Hãy bước vào kỳ thi với một tâm thế tốt nhất, con nhé!”

Gửi con yêu!
Vậy là chưa đầy một tuần nữa con sẽ bước vào kì thi vô cùng quan trọng. Chín năm học đã trôi qua, đây sẽ là một bước ngoặt của cuộc đời con. Bao nhiêu đêm mẹ không nhớ nữa, mẹ chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn. Đến trong giấc mơ cũng là những đề thi, những lo âu, căng thẳng…

Năm nay là một năm vô cùng đặc biệt với con và các bạn. Trải qua hai năm học online do dịch bệnh, các con thật khó khăn và thiệt thòi. Học online, thi thử cũng online, mẹ thành giám thị bất đắc dĩ của con. Mẹ nghĩ đó sẽ trở thành những ngày tháng không bao giờ quên của mẹ con mình. Mẹ thương con, thương cho cả lứa học trò sắp thi rồi mà chưa được viết lưu bút, chưa được dự lễ chia tay ra trường…

Tối qua con nói với mẹ rằng: “Con chỉ muốn mẹ như mẹ của bạn trong thành phố Hồ Chí Minh, ra khỏi phòng thi, bạn không làm được bài, mẹ ôm bạn ấy khóc và nói: “Không sao đâu, có mẹ ở đây rồi”. Còn mẹ thì sẽ khác đúng không con? Mẹ luôn mạnh mẽ, nghiêm khắc trong mắt con, nên con nghĩ mẹ sẽ không thể khóc được, có khi lại trách con.

Con ạ, con có biết điều mẹ sợ nhất là gì không? Điều mẹ lo lắng nhất là gì không? Là mẹ chỉ sợ con của mẹ buồn. Chắc con sẽ thấy khó tin, nhưng thẳm sâu trong lòng mẹ là những ý nghĩ ấy. Con có biết, mỗi lần nghĩ đến giây phút có tin báo con đỗ vào ngôi trường con mơ ước là mẹ đã nghẹn ngào, nước mắt chực tuôn ra vì mẹ hiểu giây phút ấy, con của mẹ sẽ hạnh phúc biết nhường nào. Khi đó mẹ nghĩ con sẽ tự tin vào bản thân mình hơn và con tự hào vì con đã nỗ lực hết sức mình để vượt qua một thử thách. Trải nghiệm của người về đích thật là tuyệt vời phải không con?

Nhưng con ơi, nếu như giây phút con bước ra khỏi phòng thi, con nói với mẹ rằng: “Bài con làm không được tốt” thì mẹ sẽ không khóc đâu, mẹ cũng không trách con đâu mà chỉ nói: “Không sao, con trai, con đã cố gắng rất nhiều, chỉ là con thiếu một chút may mắn thôi”. Mẹ sẽ không khóc vì mẹ muốn con trai mẹ luôn vững vàng, mẹ sẽ không khóc vì vai mẹ còn gánh những lo toan, mẹ chỉ khóc khi con mẹ trưởng thành, là bờ vai tin cậy để mẹ ngả đầu vào và rơi những giọt nước mắt hạnh phúc mà thôi.

Mẹ mong con hiểu nỗi lòng mẹ lúc này và con hãy bước vào kì thi với một tâm thế tốt nhất để khẳng định mình, để cùng các bạn 9A3 của con nói riêng và THCS Thăng Long nói chung làm nên một mùa thi rực rỡ!
Mẹ yêu con!

Mẹ: Nguyễn Thị Minh Thu – Phụ huynh HS Đoàn Gia Khánh
lớp 9A3THCS Thăng Long, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.