Cha tôi

Chia sẻ

Trong tâm con lúc nào cũng khắc sâu hình bóng cha "thấp thoáng lưng còng" và tâm niệm lời cha dạy: "Đói no thơm sạch tấm lòng thẳng ngay"...

Cha tôi - ảnh 1

Lời bình

Đọc bài thơ "Cha tôi" của nhà thơ Tân Quảng đăng trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn (số 3 - 4 năm 2020) tôi rất xúc động. Thi phẩm tái hiện chân thực hình ảnh người cha cựu chiến binh vừa buông tay súng trở về lại tần tảo nắng sương với những công việc nhà nông lam lũ, cực nhọc. Qua đó tác giả gửi gắm tấm lòng tri ân và nhớ thương cha vô cùng sâu nặng.

Người cha xuất hiện giữa thiên nhiên khoáng đạt từ câu mở đầu rất ấn tượng: "Tinh sương cha đã ra đồng / Mặt trời lấp loá vỡ trong rãnh cày". Phải am hiểu kỹ công việc cày bừa cùng với sự quan sát tinh tế thi sĩ mới chắt lọc được hình ảnh mặt trời "lấp loá" gợi tả ánh sáng phản chiếu, lúc loáng lên, lúc không sau lớp đất cày vừa lật lên. Chân dung cha hiển hiện tuy người gầy chắc đanh nhưng rõ là một lão nông tri điền: "Bốn mùa chai cộm bàn tay/ Nón mê chân đất người gầy chắc đanh/ Bạc sờn áo lính mỏng manh/ Nhà nghèo vách đất mái gianh tuềnh toàng/ Rượu vài chén mặt đỏ vang/ Cha ngồi cấm cúc ngô rang thuốc lào".

Nhà thơ rất sáng tạo dùng thành ngữ dân gian "chai cộm bàn tay", "Nón mê chân đất" cùng nghệ thuật đảo ngữ "Bạc sờn áo lính" khiến lời thơ cô đọng, lột tả được sự vất vả của người trụ cột gánh trên vai gánh nặng một gia đình gần chục miệng ăn. Lối ngắt nhịp lẻ 3/3 trong câu lục gây sự chú ý về thói quen sinh hoạt quá đỗi giản dị của người cha. Khi vui chỉ vài chén rượu với ngô rang và mấy điếu thuốc lào là mãn nguyện. Nơi ở của từng ấy con người chỉ là nhà tranh vách đất "tuềnh toàng". Từ láy này được dùng rất táo bạo vì nó vốn là khẩu ngữ, được chọn đưa vào thơ gợi tả sự, trống trải, tạm bợ.

Thương con đến thắt lòng, người cha đã "Một mình đóng gạch đào ao" trong khi "Mẹ thì lăn lóc mấy sào ruộng chiêm". Tự đào ao thả cá và đóng gạch xây dựng nhà cửa hoặc công trình phụ quả là một công việc vô cùng cực nhọc, phải hao tổn rất nhiều sức lực và thời gian, vì thương con, người cha ấy sẵn sàng đảm nhận. Cảm xúc thơ ghi nhận công lao và tri ân cả cha và mẹ. Nhưng người con cảm động, kính phục nhất ở phụ thân là đã không ngừng vun bồi, động viên các con vững chí vươn lên: "Với con cha chỉ một niềm/ Gắng công đèn sách mà nên thân người". Cha không mong ước cao sang, chỉ cốt con mình học hành cố gắng "nên thân người", nghĩa là thành người tử tế, biết đối nhân xử thế.

Ngôn ngữ thơ ở đây và trong toàn bài thật dung dị, hợp với lời ăn tiếng nói quen thuộc của quần chúng nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc, rất nhân văn. Người con có hiếu biết thực hiện chí hướng của cha. Sau nhiều năm phấn đấu đã "ra thành phố" để lập thân lập nghiệp. Trong tâm con lúc nào cũng khắc sâu hình bóng cha "thấp thoáng lưng còng" và tâm niệm lời cha dạy: "Đói no thơm sạch tấm lòng thẳng ngay". Câu thơ thấm đượm triết lý sống cao đẹp của người Việt tự ngàn đời: "Đói cho sạch, rách cho thơm".

Con người dù ở hoàn cảnh nào của cuộc sống cũng cần giữ vững bản chất trong sạch, sống thẳng ngay, trung thực. Giờ đây người cha cựu quân nhân đã đi xa, con trai nhớ thương cha trào nước mắt song cố kìm nén. Nhớ cha khi thức, nhớ cả trong tiềm thức, khi ngủ trong mơ cũng gặp hình bóng cha: "Thương cha khoé mắt mặn cay/ Rưng rưng con nhớ những ngày còn thơ/ Cha đi tự bấy đến giờ/ Đêm qua lại gặp trong mơ cha về". Bài thơ đã khắc sâu tiếng lòng của người con trai nhớ thương và tri ân cha vô hạn.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.