“Chăm cha chăm mẹ, tuổi già xa xăm”

Chia sẻ

Sinh con trai hay con gái, điều cha mẹ mong muốn là các con khôn lớn trưởng thành, khoẻ mạnh, sống có ích cho xã hội và bình yên trong cuộc sống riêng. Không ít con gái sau khi lấy chồng, vẫn luôn một lòng hướng tới phụng dưỡng cha mẹ già, làm tròn trách nhiệm báo hiếu.

1

Người trong thôn mỗi lần gặp vợ chồng cụ Bình, cụ Liên vẫn thường dành những lời có cánh cho các con gái của ông bà – dù 7 cô con gái năm nay đã lên chức ông, bà. Mỗi lần ngày lễ, Tết, nhìn thấy căn nhà khang trang giữa làng lại tấp nập con cái, ô tô to nhỏ xếp hàng trước cửa, mọi người cứ xuýt xoa: “Nhà cụ Bình đẻ 7 cô con gái, mà cô nào cũng thành đạt, giàu có, con cái giỏi giang, đúng là nở mặt, nở mày”.

Cụ Liên lấy chồng từ tuổi 18, rồi sinh liền tù tì 7 cô con gái. Do cụ cũng có tâm lý sinh một thằng con trai nối dõi tông đường nên dù cụ Bình đã ra sức ngăn cản, cụ Liên vẫn thủ thỉ thuyết phục chồng sinh thêm, dù gia cảnh khó khăn, vợ chồng hai cụ chỉ trông chờ vào mấy sào ruông để mưu sinh. Sinh đến đứa thứ 7 thì cụ Liên đành từ bỏ ý nghĩ có con trai để nối dõi bởi thể lực suy kiệt.

Bảy đứa con gái lớn lên đúng kiểu “trời sinh trời dưỡng”, cha mẹ bận cày cấy mưu sinh, nên các con tự chăm sóc lẫn nhau. Sau này, đời sống khấm khá lên một chút, nhìn đàn con gái, cụ Bình cũng mong muốn các con có cơ hội thay đổi cuộc đời. Chính vì vậy, hai cụ gọi các con lại bảo: “Bố mẹ nghèo khổ cả đời, các con không thể thất học để sống cuộc đời nghèo khổ theo. Bố mẹ cố gắng chắt chiu làm ăn, để các con được học hành đến nơi đến chốn, sau này còn mở mày mở mặt”. Nhà chỉ ăn khoai, ăn muối, nhưng hai vợ chồng cụ vẫn cố gắng để các con ăn học. Bảy người con của cụ thì 5 người được học hành thành đạt, còn hai con gái đầu chịu thiệt thòi để cùng mẹ làm lụng nuôi các em ăn học.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bảy người con gái của bà Liên lớn lên, đều xinh đẹp, nết na. Hai cô con gái đầu lấy chồng gần nhà, chỉ cách bố mẹ xa nhất 1km. Cuộc sống tuy bình bình bậc trung, nhưng các cháu lại học giỏi, và thành đạt.

Năm cô còn lại thì có công việc ổn định, lấy chồng rồi định cư ở Hà Nội và cả vợ chồng đều thành đạt trong xã hội. Các con gái bàn nhau góp tiền xây cho ông bà căn nhà khang trang giữa làng, với đủ các tiện nghi. Mỗi lần thôn xóm, địa phương phát động các phong trào từ thiện, quyên góp, các con gái đều đóng góp nhiều hơn người khác. Các cháu ngoại của hai cụ cũng ăn học tử tế, nhiều người có học bổng, đi du học nước ngoài…

Năm cụ Liên sức khoẻ yếu, phải nằm viện dài ngày. Thời gian đó, các con cháu không kể gần xa đều tập trung về chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Các chị em chia nhau, nửa ở quê chăm sóc bố, còn nửa ở Hà Nội túc trực mẹ tại bệnh viện. Cụ Liên nằm viện 1 tháng, nhưng phòng lúc nào cũng đông đủ… Cụ Liên xuất viện về quê, các con cháu quây quần, ngày nào cũng đông đúc. Cứ tối đến, các con cháu quây quần bên cụ, xoa bóp tay chân, chăm sóc sức khoẻ, trò chuyện vui vẻ. Giờ hai cụ đã cao tuổi, các cô con gái cũng đến tuổi về hưu. Trong căn nhà khang trang, các con gái lại thay phiên nhau để mỗi người chăm sóc theo tuần, theo tháng. Được gần con cháu, sức khoẻ và tinh thần các cụ cũng tốt lên. Nhiều lần, cụ Bình nhìn cụ Liên rồi mỉm cười nói: “Con gái tình cảm hiếu thuận thế này, bao nhiêu con trai cũng chẳng bằng được”.

2

Vợ chồng bà Hoà sinh được 3 con, 2 gái 1 trai. Gia cảnh khó khăn, con gái đầu của bà vừa học hết lớp 9 đã nghỉ học, rồi theo chân người chú ruột sang bên Đức làm ăn. Hơn 20 năm bôn ba đất khách, con gái đầu tên Chi của bà Bình đã tự xây cho mình cơ ngơi là hai cửa hàng tạp hoá lớn, thu nhập hàng tháng tính ra tiền Việt là hàng trăm triệu đồng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày bắt đầu kiếm tiền bên nước ngoài, tháng nào chị Chi cũng gửi về cho bố mẹ lo toan cuộc sống, nuôi hai em ăn học. Nhờ đó, hai em chị Chi học hành đến nơi đến chốn, có cơ hội lập nghiệp. Khi các em lấy vợ, gả chồng, chị Chi còn tặng mỗi em một khoản tiền để lo cuộc sống gia đình. Còn với bố mẹ, chị còn tặng bố mẹ một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng để hưởng tuổi già. Chị bảo, vì ở xa không thể hằng ngày phụng dưỡng bố mẹ nên chị chỉ có thể nhờ các em chăm sóc. Muốn thế, các em phải có cuộc sống ổn định. Do đó, chị cố gắng lo cho các em để các em thay chị làm tròn đạo hiếu.

Ngày con gái của em trai bị tai nạn phải nằm viện, chị là người chi trả viện phí giúp em. Hay khi em trai mở công ty riêng làm ăn thua lỗ, chị đã giúp em trả bớt nợ nần bắt đầu lại một công việc mới. Chị muốn bố mẹ không phải lo lắng vì các con mà ảnh hưởng sức khoẻ, nên chị bao bọc lấy các em.

Mới đây, trên mạng xã hội cũng đã bàn tán xôn xao về tâm sự của một cô gái trẻ lấy chồng xa không thể phụng dưỡng được bố mẹ già. Chị kể, ngày bé, chị được bố mẹ nuôi dưỡng chăm sóc đến trưởng thành. Thế nhưng, khi trở thành một phụ nữ có công việc ổn định, có cuộc sống tốt thì chị lấy chồng, sinh con. Chị lấy chồng xa, nên thời gian về thăm bố mẹ dường như không có. Cả năm, có khi chị còn không thể về nhà thăm bố mẹ được. Đến khi bố bệnh nặng, xung quanh đầy thuốc men và dây rợ, chị mới kịp về thăm bố một lần. Nhìn bố nằm trên giường bệnh, cả một đời lam lũ mệt nhọc để nuôi con khôn lớn, đến lúc về già, con không thể bên cạnh, chị ứa nước mắt. “Bố khéo tay, khéo ăn, khéo nói, điềm đạm, là bố chứ không phải mẹ đã dạy cho con băng qua đường ray thế nào để không bị ngã, dạy con làm cá, chọn gà ngon từ khi còn bé. Bố tự hào vì có con gái, và đứa nào cũng xinh đẹp, giỏi giang. Bố dạy các con cách sống khéo léo, nhẫn nhịn ngoài xã hội… Từ hôm bố bệnh, con nắm tay bố nhiều hơn mong truyền lại những sức mạnh để bố vượt qua bệnh tật” – chị viết. Dòng chia sẻ của chị chạm tới nỗi lòng sâu kín của nhiều phụ nữ lấy chồng xa, không thể bên cạnh bố mẹ lúc đau ốm, bệnh tật, hay phụng dưỡng tuổi già.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong nhiều gia đình, ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo vẫn coi trọng con trai đã ăn sâu vào văn hoá người Việt dẫn đến việc coi con gái chỉ như “con người ta” hay “một con trai bằng mười hai cô con gái”… Nhiều gia đình sinh con liên tiếp chỉ vì mong muốn có một con trai nối dõi tông đường. Thế nhưng, thực tế, con gái hay con trai đều có thể thực hiện nghĩa vụ báo hiếu, phụng dưỡng bố mẹ già. Thậm chí, có nhiều phụ nữ lại tự khẳng định mình, vươn lên trở thành người làm chủ cuộc sống, thành đạt và có vị thế trong xã hội. Họ luôn một lòng hướng về gia đình, quê hương, yêu thương chia sẻ và phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Có những người thành đạt còn làm bố mẹ rạng danh, mở mày mở mặt với thiên hạ. Lúc đó, câu nói “con gái cái bòn” không còn phù hợp nữa.

Theo các chuyên gia, các gia đình đừng quá kỳ vọng các con phải lên “chức này, vị nọ” mà hãy dạy con sống có ích, anh chị em yêu thương nhau, giáo dục đạo đức và hiếu nghĩa trong gia đình. Có như vậy, khi các con lớn lên sẽ sống có đạo đức, hiếu nghĩa và luôn là công dân tốt cho xã hội, để tuổi già không còn phải vướng bận và đau buồn vì chuyện buồn các con gây ra.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.