Chàng rể ngột ngạt khi sống chung với mẹ vợ khó tính

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự quan tâm, để ý đến mức kỹ tính của mẹ vợ khiến anh Hưng thấy ngột ngạt, khó chịu. Sau gần 10 năm làm rể, anh chưa bao giờ được nói lên chính kiến của mình, mặc dù ở bên ngoài anh cũng là người đàn ông thành đạt.

Hai vợ chồng đi sinh nhật một người bạn về, thấy bố mẹ vợ ngồi ở phòng khách xem tivi, anh Hưng chỉ cúi đầu chào rồi đi thẳng lên phòng ngủ mặc cho vợ gọi réo rắt “lại đây ăn hoa quả đã chồng ơi”. Anh Hưng không có mâu thuẫn gì với bố mẹ vợ nhưng vì cảm thấy không thoải mái, thậm chí anh còn chẳng dám nói to, nên không có việc gì thì anh thường tránh mặt. Vợ anh - chị Lan cũng biết điều đó nhưng vì tính tình bố mẹ chị trước nay đều vậy nên cũng không biết phải làm thế nào.

Mẹ chị Lan nổi tiếng kỹ tính trong khu phố. Bà là công chức ngành giáo dục về hưu nên mọi thứ từ lời ăn, tiếng nói đến việc đi đứng đều phải chỉn chu từng chút. Nếu không vừa mắt, bà có thể nói thẳng mà chẳng nể mặt ai. Ngay từ ngày về ra mắt gia đình, anh Hưng đã sốc khi bị soi từng ly từng tý như “con dâu mới về nhà chồng”.

Chàng rể ngột ngạt khi sống chung với mẹ vợ khó tính - ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh Hưng nhớ lại thời gian đó, khi anh chị có công việc ổn định và xác định tiến tới hôn nhân, tranh thủ đợt nghỉ lễ chị Lan dẫn anh về ra mắt gia đình. Mặc dù hai gia đình chênh lệch nhau về điều kiện kinh tế, bố mẹ chị Lan đều làm công chức, nhà thành phố trong khi anh Hưng là con nhà nông dân, quê ở tỉnh xa nhưng anh rất tự tin vì bản thân mình cũng là chàng trai có hình thức, nhanh nhẹn, công việc tốt.

Trước khi về nhà chị Lan, anh Hưng có hỏi qua về tính cách của bố mẹ chị để biết trước mà tìm cách ứng xử, nhưng chị chỉ nói: “Bố mẹ em có kỹ tính một chút nhưng không quá khó đâu. Anh cứ thoải mái, đúng mực là được”. Thế nhưng, với anh Hưng buổi ra mắt hôm đó thật là hoảng hốt. Bố chị Lan nói rất nhiều, còn mẹ dường như chỉ ngồi quan sát mọi cử chỉ, hành động của anh.

Khi đến gần trưa, bà đứng lên để vào bếp nấu ăn. Vì ngồi nói chuyện với bố chị lâu quá cũng thành “hết chuyện” nên anh Hưng nhanh nhảu xin phép vào bếp để phụ mẹ vợ tương lai nấu ăn, cũng là muốn ghi điểm với bà. 

Thấy chảo nem đang rán trên bếp, anh Hưng xắn tay lấy đũa định trở thì mẹ chị quay sang nói: “Nem đã được đâu cháu? Cháu không nhìn à?”. Câu nói đó khiến anh Hưng bị “đơ” mấy giây và bắt đầu có cảm giác e ngại. Thế rồi, anh Hưng đứng đó, cứ như người thừa, vì động đến cái gì mẹ chị cũng nói “cứ để đấy”. 

Chàng rể ngột ngạt khi sống chung với mẹ vợ khó tính - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đến bữa ăn, sau mấy câu hỏi xã giao về gia đình, bố mẹ của anh, không khí lại im lặng. Anh Hưng có hỏi chuyện lại nhưng chỉ có bố chị trả lời, mà thực sự cách nói chuyện của ông cũng không hợp với anh cho lắm. Không khí bữa ăn nặng nề trôi qua, đến khi chị Lan bê mâm bát đi rửa, anh Hưng cũng đi theo để rửa giúp bạn gái. Anh thực sự không có can đảm để một mình ngồi đối diện với bố mẹ chị. Mặc dù anh chị đã làm thật cẩn thận, khéo léo nhưng vẫn bị mẹ chị từ trong nhà chạy ra “nhắc nhở”. 

Chị Lan biết được cảm nhận của anh nên động viên rất nhiều. Tuy nhiên, từ ngày đó trở đi, trong lòng anh luôn có một cảm giác “sợ” mỗi khi đối diện với bố mẹ vợ. Anh Hưng dự tính sau khi cưới hai vợ chồng sẽ ra ở riêng, thời gian đầu tạm thuê nhà rồi tích cóp dần để mua căn hộ chung cư. Thế nhưng, vì chị Lan là con một, không nỡ sống xa bố mẹ nên anh đành chiều chị về ở rể.

Ở cùng bố mẹ, vợ chồng anh Hưng không phải lo về chuyện dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước hay chăm con. Sáng ra cứ gần đến giờ đi làm mới thức dậy, xuống bếp đã có đồ ăn sáng bày sẵn, rồi hai vợ chồng thong dong đi làm vì con đã có ông bà đưa đi học. Chiều đến, khi đồng nghiệp vội vã sấp ngửa đón con, đi chợ mua đồ về nấu ăn thì vợ chồng anh Hưng về nhà chỉ việc tắm giặt, cơm canh dọn sẵn rồi chơi với con, kèm con học.

Người ngoài nhìn vào ai cũng bảo anh Hưng sướng, ở với bố mẹ vợ rõ nhàn nhã. Thế nhưng anh lại chẳng dễ chịu chút nào khi sống cùng bố mẹ vợ. Anh đi nhậu hay đi tiếp khách ở đâu về muộn một chút cũng bị mẹ vợ soi. Bà có ý tốt sợ anh uống nhiều, vất vả cho vợ con và hại sức khỏe. Nhưng thỉnh thoảng lắm anh mới uống mà mỗi lần về bà lại cằn nhằn đến mấy ngày hôm sau khiến anh “đau đầu”. Anh từ chối nhiều đến nỗi mà đồng nghiệp hay bạn bè đều trêu mỗi khi anh tham gia cuộc nhậu nào đó: “Thế được mẹ vợ cho phép rồi à”.

Chàng rể ngột ngạt khi sống chung với mẹ vợ khó tính - ảnh 3
Ảnh minh họa

Vợ chồng anh ít được đi ăn bên ngoài để đổi gió vì không được phép của mẹ vợ. Ở nhà bà nấu món gì thì cả nhà ăn món đó, không được đòi hỏi, vì thực đơn bà chuẩn bị là healthy, đảm bảo nhất cho sức khỏe. Chính vì vậy hôm nào ông bà về quê có việc thì vợ chồng anh Hưng vô cùng vui sướng, chở nhau đi ăn uống khắp thành phố cho thỏa cơn thèm. 

Thậm chí sinh nhật con, mẹ vợ không cho phép, vợ chồng anh Hưng cũng không dám tổ chức to, mặc dù hai bé rất muốn mời nhiều bạn đến thổi nến cùng. Anh có to tiếng với vợ một chút đã bị mẹ vợ lên phòng nhắc nhở, giảng dạy. Vì cảm giác không thoải mái nên gần chục năm qua, mặc dù chị Lan hai lần sinh con nhưng mẹ anh chỉ lên chơi trong ngày, chứ chưa bao giờ ở lại qua đêm.

Nhiều lúc biết chồng bức xúc, khó chịu, chị Lan tâm lý đều tìm cách để anh cảm thấy dễ chịu. Chị luôn động viên chồng nhẫn nhịn, nói rằng tính bà ngoại lo lắng và hay nói, chứ trong lòng bà rất thương anh, coi anh như con trai.

Mặt khác, chị cũng hay đưa mẹ đi mua sắm, đi tập thể dục buổi tối cùng bà để nhỏ to tâm sự, rằng chồng chị rất vui vì sự quan tâm, chăm sóc của bà. Tuy nhiên nhiều khi sự quá mức khiến anh không được thoải mái. Chị Lan đặt câu hỏi: “Nếu anh nằng nặc đòi mua nhà ở riêng, thì ông bà sẽ trống vắng và chị sẽ vất vả thế nào?”.

Nghe con gái nói xong, mẹ chị Lan ôn tồn bảo bà sẽ suy nghĩ và điều chỉnh lại cách quan tâm đến con rể. Chị Lan cũng hy vọng lần này bà sẽ thay đổi, dù một chút thôi cũng sẽ khiến không khí gia đình thêm thoải mái, vui vẻ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.