Chàng rể nhà quê làm sang cả nhà vợ ở phố

Chia sẻ

Gia đình bà Yến - ông Yên không chỉ nổi tiếng “buôn may bán đắt” ở nơi phố hội, mà còn có ba cô con gái xinh đẹp như mộng, ngoan ngoãn đều tốt nghiệp đại học rồi mới yêu đương, thành lập gia đình.

Cô Tuyết là con út, xinh nhất nhà lại “phải duyên phải số” lấy Tuyến, một anh chàng ở tận quê ông Yên. Nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra trong gia đình bà Yến kể từ khi Tuyết yêu Tuyến, đặc biệt với cái tật… nói to, cứ oang oang như loa phường của Tuyến. Nhưng điều thú vị hơn cả là chàng rể “đặc sệt” nhà quê này lại mang đến nhiều niềm vui và sự hãnh diện cho cả gia đình nhà vợ…

Ba cô con gái của bà Yến đều chung một quan điểm: Tốt nghiệp đại học cho có tấm bằng bõ công bố mẹ chăm nuôi, nhưng sau đó đều theo “nghiệp” của gia đình, đầu tư buôn bán.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hai cô chị đầu thì nàng lớn lấy bạn cùng lớp cấp 3, nàng thứ thì lấy chàng trai học cùng đại học, đều thuộc gia đình buôn bán nên khi lấy nhau về là “làm ăn riêng” ngay với cửa hàng cửa hiệu đâu vào đấy. Nàng Tuyết là con út, xinh xắn hơn cả lại yêu một anh chàng già nhất nhà, các chị nàng út đều trêu: Không hiểu “gu” của nàng ta kiểu gì mà “vớ” ngay phải ông có khi… cộng cả tuổi hai chàng rể đầu vào cũng chưa đủ. Kỳ thực thì cũng không đến nỗi như vậy, vì Tuyến, chàng rể út của gia đình chỉ hơn Tuyết 10 tuổi và hơn cô chị cả 4 tuổi mà chàng rể cả và chàng rể hai đều bằng tuổi vợ. Nhưng vì Tuyến cao, to, kiểu người to xương, nom hơi thô nên già hơn với tuổi thực. Tuyến lại không chú ý tới ăn mặc cứ một kiểu - một màu: quần ka ki suông màu bàng bạc, áo phông cổ bẻ cùng “tông”, giày da nâu hoặc đen bóng nhoáng đi đôi nào thì hỏng bỏ mới thay chứ không nay giày này, mai giày khác tùy theo phong cách như hai chàng rể đầu, nên nom đã nhom nhem lại cũ kĩ, cưng cứng người.

Đã vậy, Tuyến còn theo phong cách người nhà quê: “ăn to, nói lớn”. Tuyến đã không nói gì thì thôi, nhưng một khi đã nói thì… cả phố nghe tiếng. Ban đầu cả nhà còn ngơ ngác, phì cười, sau thì bà Yến tỏ vẻ không hài lòng, phải “bấm” ông Yên tìm cách tế nhị nhắc Tuyến nói sao cho vừa nghe kẻo xung quanh người ta chê cười nhà mình thiếu văn hóa. Nhưng chẳng hiểu sao cái khiếu hài hước của Tuyến đã chinh phục cả nhà, nhất là nàng út. Cứ nghe Tuyến nói chuyện gì Tuyết cũng lăn ra cười, rồi cả nhà thấy lạ cũng dỏng hết tai lên nghe, đặc biệt là hai ông anh rể kém tuổi hơn. Không gặp nhau thì thôi, gặp nhau là cười vỡ nhà, có hôm hàng xóm phải chạy sang hỏi xem gia đình ông Yên có chuyện gì mà rôm rả thế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ những ngày mới yêu nhau, Tuyến đã “thiết lập” một thói quen chưa từng có tiền lệ ở nhà bố vợ tương lai, đó là cứ cuối tuần mấy anh chị em lại ới nhau về nhà bố vợ tụ tập, ăn uống và trò chuyện, cười nói inh ỏi. Gia đình ngày càng gắn kết, trong nhà có công to việc lớn gì, là rể út nhưng Tuyến đứng ra lo toan gánh vác như con trai trưởng làm cả nhà “phát nể cả lên”- như lời ông anh rể cả phát biểu. Tuyến chẳng nề nà gì, một tay sắp đặt và chủ động bỏ tiền ra lo như lo cho nhà mình ở quê. Bà Yến ban đầu ác cảm và có ý chê bôi nhưng rồi dần dần chính bà lại đâm ra quý mến và cứ hôm nào không thấy con gái út nhắc tới chàng rể tương lại hoặc không thấy Tuyến gọi điện, đến chơi bà lại hỏi.

Điều lạ nhất là Tuyết thể hiện rất rõ tình yêu dành cho Tuyến nhưng cô lại chưa nói tới việc cưới xin khiến cả ông Yên và bà Yến đều thắc mắc. Ông bà cứ dò hỏi và lo lắng về việc liệu đôi trẻ có nên duyên. Tuyết biết ý, chủ động để bố mẹ bày tỏ thái độ rồi cô phá lên cười như nắc nẻ, trêu “hai ông bà già”: “Con tưởng bố mẹ chê anh ấy quê mùa, ăn mặc không hợp mốt với cả anh ý hay nói to, có thể thay loa phóng thanh nên con mới thôi”. “Thôi là thôi thế nào, nó tốt người tốt nết lại có duyên có phước, người như thế là hiếm có ở trần gian này bây giờ đấy con ạ”- ông Yên cướp lời con gái. Tuyết lại nhấm nhẳng: “Hiếm có ở trần gian này bây giờ đấy con ạ, bố tưởng cách nói chuyện này của bố là phong cách người thành phố đấy? Thế mà còn chê anh Tuyến là nhà quê. Mà anh ấy chính là từ gốc gác với bố mà ra. Mẹ yêu bố chính là yêu cái chân thực nhà quê, cái hay lam hay làm và tiết kiệm lại không hay hấp háy cô nọ cô kia bởi vì bố sợ nhất là cặp bồ sẽ tốn tiền. Thế mà mẹ lại chê anh Tuyến là cũ người. Thôi, con mệt lắm, yêu ai cho đỡ bị chê bôi thì tốt hơn!”. Hai ông bà Yến - Yên lại xúm vào vun vén phân tích cho Tuyết, Tuyết cứ ngồi khoanh tay trên bàn và lấy móng tay gõ gõ vào răng như cái tật vẫn thế từ trước tới nay mỗi khi bị bố mẹ mắng yêu chuyện gì đó.

Thế rồi, cũng đến ngày Tuyến thưa chuyện xin cưới. Tuyến chủ động xin phép được tổ chức theo nghi thức ở quê vì sau đó Tuyến và Tuyết mua nhà trên thành phố thì trước tiên Tuyết vẫn phải theo Tuyến về quê một thời gian, phải làm dâu theo cách mà tất cả các cô dâu ở mọi nơi về làng Tuyến đã từng làm như vậy. Cả nhà ông bà Yến - Yên đều gật đầu tắp lự, các anh chị của Tuyết cũng theo đó đồng ý ngay, mọi người có vẻ háo hức muốn thưởng thức cỗ quê và được một lần theo dõi từ đầu tới cuối một đám cưới theo phong cách làng quê của nhà Tuyến.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ khi yêu Tuyết, bà con lối phố đã có cảm tình với Tuyến vì Tuyến hay chào hỏi, quan tâm tới các cô, các bác xung quanh khi mọi người bày tỏ thiện cảm và sự quan tâm. Vào hôm đưa thiếp mời, thay vì nhờ các bác ở tổ dân phố đưa thiếp, chính Tuyến và Tuyết đi từng nhà đưa thiếp và ân cần mời cô bác tới dự. Tuyến còn thăm hỏi mọi nhà và nhiệt tình mời anh chị em về quê chơi. Cả phố tấm tắc khen và ai cũng thấy hồ hởi vì lần đầu tiên trong đời mới thấy một chàng rể lạ kỳ và đáng yêu, dễ mến đến thế. Tuyết như con chim sáo nhỏ chỉ cười phụ họa rồi chạy quanh Tuyến. Nhìn cảnh đó cả nhà Tuyết và các bác xung quanh đều phải bật cười thích thú.

Sau đám cưới được rước dâu với “dàn” xe đẹp và cách tiếp đón chu đáo về tận quê nhà Tuyến do chính Tuyến “tuyển chọn và bố trí” thì ai ăn cỗ xong về cũng có một túi quà nhỏ. Cả phố phải ngạc nhiên về một đám cưới quê vừa vui vẻ, vừa gần gũi lại nhộp nhịp và nhiều trò giải trí thú vị khác hẳn với đám cưới trên phố như vậy.

Sau đám cưới, Tuyết ở quê chơi và học cách làm dâu nhà quê một thời gian, được Tuyến đưa đi thăm thú các danh lam thắng cảnh rồi cả hai mua căn nhà trên phố với kế hoạch mới đã được bàn định từ trước khi tổ chức. Cả gia đình bà Yến - ông Yên được dịp nở mày nở mặt với con rể út. Tuyết không còn bị các chị chê như trước đây mà còn khen cô em của mình thật tốt phúc.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.