“Chạy đua” với thời gian kiếm tiền đón Tết ấm no

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, đây là dịp để mọi nhà sum vầy, quây quần bên nhau sau những khoảng thời gian mưu sinh vất vả lo cho cuộc sống. Thế nhưng, để có một cái Tết ấm no, sum vầy như vậy, dịp này những người lao động đang nỗ lực làm việc, tích cóp để kiếm tiền trang trải dịp Tết.

Công nhân đầu tắt mặt tối làm thêm 

Gần 5 năm qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc (quê Phú Thọ) đã phải xa quê, trải qua không biết bao nhiêu công việc miệt mài mưu sinh, lo cho cuộc sống. 35 tuổi, hiện chị Ngọc và chồng đều đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), phải chấp nhận để 2 đứa con nhỏ ở quê nhờ ông bà nội chăm nom, đỡ đần. Mấy năm xa quê kiếm sống, vợ chồng chị Ngọc luôn mong ngóng mỗi dịp Tết đến để được trở về nhà toàn tụ với gia đình, người thân một cách trọn vẹn nhất. Nhưng với những người lao động xa quê, Tết không chỉ là sự mong đợi, háo hức mà còn chứa đựng không ít nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền. Liệu rằng tiền lương tháng này đã đủ chi trả tiền nhà, tiền sinh hoạt phí chưa? Khi trừ đi các khoản đó thì còn lại bao nhiêu để tiết kiệm mua sắm Tết, gửi quà về cho bố mẹ, lo cho các con? Đây là những câu hỏi mà mỗi người lao động như chị Ngọc luôn trăn trở và thôi thúc phải làm việc cần mẫn, chăm chỉ hơn mỗi ngày, nhất là dịp cuối năm.

“Chạy đua” với thời gian kiếm tiền đón Tết ấm no - ảnh 1
Gia đình chị Ngọc đoàn tụ trong dịp sinh nhật 35 tuổi của chị

Nếu công nhân chỉ làm giờ hành chính, không làm thêm, tăng ca thì thu nhập sẽ rất thấp, vì vậy, chị Ngọc cũng như nhiều công nhân khác luôn mong muốn được tăng ca, dẫu biết có nhiều vất vả, mệt nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị Ngọc chia sẻ, nếu làm giờ hành chính thôi, chị chỉ có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng khi tăng ca, con số này có thể lên đến khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. “Dù vất vả nhưng tôi luôn muốn đi làm thêm vì chỉ như vậy mới có thêm thu nhập lo cho gia đình. Nếu ít việc, chắc chắn thưởng Tết sẽ ít đi, trong khi đó, đây lại là một khoản tôi rất trông chờ vào dịp cuối năm” - chị Ngọc tâm sự.  

Thời gian này, mỗi ngày chị Ngọc đều hăng say sản xuất, làm việc 10 tiếng thậm chí đến 12 tiếng ở công ty, cuối tuần tuy được nghỉ nhưng chị vẫn đăng ký đi làm Chủ nhật. Có thể nói, thời gian chị làm việc ở công ty, ra ngoài kiếm tiền còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Có những hôm làm ca đêm về, như những người lao động khác sẽ nghỉ ngơi để lấy lại sức, nhưng chị Ngọc chẳng những không nghỉ mà còn tìm thêm đủ thứ việc để làm, chỉ mong sao tích góp được thêm tiền gửi về quê, lo cho dịp Tết sắp tới. Chị nhận thêm việc đóng gói hàng hóa, sửa chữa quần áo..., gọi là “làm được đồng nào hay đồng ấy”. 

Hơn hết, chị Ngọc còn mang nỗi nhớ con da diết. Vì mưu sinh nên đành nén mọi nhớ nhung, nghĩ tích cực để có động lực làm việc, sớm được về thăm gia đình, con cái. May mắn là hiện giờ công nghệ 4.0 phát triển, nên chị cũng vợi bớt phần nào nỗi nhớ con nhờ các cuộc gọi video. “Gia đình chính là động lực to lớn giúp những người lao động, nhất là những người công nhân đang xa quê như mình có thêm sức mạnh làm việc, hăng say sản xuất dịp cuối năm, tất cả đều mong đón một cái Tết sum vầy thật đầy đủ, no ấm” – chị Ngọc xúc động nói.

Tăng tốc làm việc dịp cuối năm mong đủ tiền lo Tết cho gia đình

Hồng Thu (26 tuổi, quê Bắc Giang), hiện đang làm tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Thu tâm sự rằng, thời điểm cuối năm này là lúc cô bận rộn nhất, công việc chất thành đống và mình bị xoay như chong chóng trong guồng quay kiếm tiền ấy. Có vóc dáng nhỏ bé là thế nhưng Thu lại là chị cả và là trụ cột của gia đình. Gia đình Thu khó khăn. Nhiều năm nay, bố Thu bị bệnh nên chỉ ở nhà, không có khả năng lao động; mẹ tần tảo bán hàng ở chợ quê nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu; sau Thu còn có cậu em trai vẫn đang đi học. Mọi sinh hoạt phí đều đặt trên vai cô gái 26 tuổi này: “Lúc nào mình cũng tươi cười, nhí nhảnh nên chẳng ai nghĩ mình đã vất vả và cố gắng làm việc thế nào để đỡ đần bố mẹ, lo cho gia đình thân yêu”, Thu trải lòng.

“Chạy đua” với thời gian kiếm tiền đón Tết ấm no - ảnh 2
Chị Hồng Thu đang chăm chỉ làm việc mỗi ngày dịp gần Tết

Từ khi còn đi học đại học, Thu đã đi làm thêm nhiều công việc khác nhau, từ pha chế, phục vụ quán ăn đến cộng tác viên báo chí, công ty truyền thông… nên đã tích lũy cho bản thân những kinh nghiệm nhất định. Ngoài công việc chính ở công ty hiện tại, Thu còn nhận đến 4-5 công việc thêm ở ngoài với hình thức freelancer (làm tự do) và cô cảm thấy rất vui khi có cơ hội làm những việc đó, đây cũng là cách để tiết kiệm được “ống heo gửi về cho bố mẹ”. Cái khó khăn nhất khi chọn làm freelancer là việc phân bổ thời gian biểu cho bản thân hợp lý. Thời gian đầu khi chưa quen, thường xuyên làm việc quá sức, có những ngày Thu thức đến tận 5h sáng để viết bài quảng cáo cho khách hàng, sau đó khoảng 7h đã phải thức dậy chuẩn bị đi làm công viêc chính ở công ty. Làm việc cật lực trong một thời gian dài dẫn đến việc Thu bị trào ngược dạ dày, chán ăn và sút mất vài cân. “Nhưng giờ mình đã quen rồi và biết sắp xếp công việc, thời gian hợp lý hơn”, Thu chia sẻ.

Thời điểm gần Tết, Thu lại làm việc với 200% sức lực, bởi phía sau Thu còn có gia đình, còn có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm lo cho bố mẹ, lo Tết cho cả nhà.

Cũng giống như Hồng Thu, Lý Thảo (23 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một bạn trẻ năng động có thể cùng lúc làm nhiều việc, nhất là thời điểm “nước rút” cuối năm này. Tuy là người Hà Nội, không phải lo lắng đến việc thuê trọ, nhưng gia đình Thảo có hoàn cảnh chẳng mấy khá giả. Việc kiếm tiền để lo cho cái Tết ấm no là điều mà Thảo đang cố gắng mỗi ngày. Một tuần có 7 ngày thì cả 7 ngày Thảo đều về nhà sau khi hoàn thành hết công việc lúc 10h tối. Bởi khi tan làm ở công ty, Thảo còn nhận lời làm gia sư Toán và cả Tiếng Anh cho học sinh tiểu học, với lịch trình kín tuần, không có ngày nghỉ.

Còn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng Thảo luôn phải từ chối nhiều cuộc hẹn với bạn bè, khi thì chiều cuối tuần đi uống cà phê, lúc thì tiệc sinh nhật bạn, tất cả đều xếp sau mục tiêu kiếm tiền cuối năm của Thảo. “Nhiều lúc nghĩ thấy chạnh lòng nhưng mình còn trẻ, mình có sức khỏe, nên thời điểm này mình dồn sức chăm chỉ lao động rồi sau này thư giãn sau cũng chưa muộn. Nghĩ đi nghĩ lại, mình được sống cùng gia đình ở đây, là một điều may mắn hơn rất nhiều so với người lao động khác ngoài kia đang phải xa quê, xa bố mẹ, con cái để tiếp tục guồng quay mưu sinh tại mảnh đất Thủ đô này”, Thảo trải lòng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.