“Chạy trốn” con

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Người ta hay nói rằng con cái có thể là cái duyên, cũng có thể là “cái nợ” của cha mẹ. Nếu cha mẹ và con cái có duyên tiền kiếp, thì đứa con sau này tìm đến cha mẹ, mang lại vẻ vang cho gia đình, báo đáp công lao cha mẹ, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ rất tốt.

 Ngược lại, nếu có “nợ” kiếp trước, đứa con sẽ là “phá gia chi tử”, là nỗi đau buồn cho cha mẹ suốt cả cuộc đời. Lý thuyết mà đúng như vậy, thì đứa con trai 34 tuổi hiện nay của ông bà Trần chính xác là “của nợ”, ông bà loay hoay mãi mà chưa biết trốn nợ ra sao.

Ông Trần năm nay 70 tuổi, bà Trần 68, ông bà kết hôn 36 năm nay, có hai cậu con trai. Cậu con trai cả 36 tuổi, hiền lành, học giỏi, có công ăn việc làm tốt, vợ con đàng hoàng và đang sống chung cùng bố mẹ vợ. Nếu cậu trai cả là niềm tự hào của ông bà, thì cậu con trai thứ hai, kém cậu cả 2 tuổi, lại là nỗi đau, nỗi nhục, nỗi khiếp sợ của ông bà mà không biết đến bao giờ ông bà mới có được sự thanh thản trong lòng.

Ông Trần là sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Bao nhiêu năm đi công tác, việc sinh con, chăm sóc, dạy dỗ con đều do một tay bà Trần đảm nhiệm. Hiện nay, ngoài lương hưu hơn 8 triệu, ông bà còn thu nhập thêm do có dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, bởi nhà ông bà ở tầng một, phía trước cơi nới được, làm bãi coi xe. Buổi tối ông nằm trên chiếc giường cá nhân, gần phòng để xe, khi có khách gọi cửa, bấm chuông là ông lồm cồm bò dậy mở cửa cho khách. Khách thì đi về thất thường, nên ông kêu rất mệt. Vậy mà hiện nay ông bà nuôi thêm 6 miệng ăn, đó là hai vợ chồng cậu con trai và 4 đứa cháu nội.

“Chạy trốn” con  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Con trai thứ của ông có tính ngang ngược từ bé. Lười học, bỏ học, tụ tập đánh nhau, trốn học, dọa cả thầy cô, con ông bà đều có. Tất cả những gì gọi là “tệ nạn xã hội”, con trai ông bà đều… xung phong đi đầu. Mới học lớp 5 đã hút thuốc lá phì phèo. Lên lớp 7 đã biết đi uống rượu cùng các bạn qua đêm. Trong người lúc nào cũng có vũ khí, nhẹ thì côn, gậy, nặng thì dao nhọn, mã tấu.

Không ít lần ông bà đã phải đến xin lỗi người ta và xin được “bồi thường” do con trai ông bà gây gổ, đánh con người ta nặng tay. Sang cấp ba, con trai ông bà bắt đầu vướng vào chuyện trai gái, yêu đương. Đã một vài lần con trai ông rủ bạn gái trốn đi nhiều ngày để được “yêu nhau cho thoải mái”, khi không còn tiền ăn tiêu, hoặc chán nhau thì lại quay về. Ông bà nhắc nhở, khuyên răn, dọa nạt, con trai đều bỏ ngoài tai. Không ít lần cậu con trai còn đấm, đá ông vì ông dám cản trở điều cậu ấy đang thích làm, hoặc cậu ấy xin tiền mà không cho.

Trước khi thi tốt nghiệp phổ thông thì con trai ông bà trốn nhà đi, nửa năm sau cậu ấy về, dắt theo một cô gái “tóc xanh tóc đỏ”, giới thiệu là “vợ của con”, cô ấy sắp đẻ. Tìm hiểu mới biết, cô gái mà con trai ông bà “chọn làm vợ” cũng là cô gái hư hỏng, lêu lổng, lười làm, ham ăn và ham chơi. Cũng đúng thôi, người ta bảo “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, con trai ông làm sao quen được những cô gái tử tế, chăm học, sống có trách nhiệm? Cũng là “xứng đôi vừa lứa”. Đã đến mức ấy, ông bà đành đồng ý cho con trai làm đám cưới. Ông cay đắng lắm khi mình là sĩ quan cao cấp mà giờ phải ngồi cùng mâm với “ông thông gia” xăm trổ đầy người, nói tục như ranh và có gương mặt bặm trợn, người yếu bóng vía không dám nhìn lâu.

“Chạy trốn” con  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cưới nhau xong, cả hai vợ chồng con trai và con dâu vẫn duy trì cuộc sống chơi bời, đàn đúm, đánh tá lả ăn tiền, nhậu nhẹt thâu đêm, chẳng chịu làm ăn gì. Cậu con trai cả thấy em như vậy, sợ ảnh hưởng đến con mình, nên đã xin bố mẹ cho ra ở riêng, thật ra là đến nương nhờ bên ngoại. Sau hơn mười năm, nay con trai và con dâu đều 34 tuổi, cả hai vẫn không làm gì ra tiền, nhưng họ đã kịp sinh cho ông bà 4 đứa cháu.

Con trai ông bà giờ có thói quen, sáng dậy nói với đứa con lớn “xuống nhắc ông đưa tiền cho bố cháu đi chơi”, ông không đưa thì con trai ông có thể chửi bới, thậm chí đè ông ra mà lục túi, lấy tiền. Cả ngày lẫn đêm, ông nhặt từng đồng lẻ trông coi xe, nhưng con trai vơ một nhát có thể hết sạch. Con dâu ông bà thức khuya xem youtube, tiktok, phim hài, sáng ngủ dậy muộn, vậy là lục tủ lạnh xem có gì ăn thì ăn. Bốn đứa con sống ra sao, vợ chồng cậu ấy không quan tâm, bởi chúng biết ông bà lo hết. 

Họ hàng khuyên ông bà buông con cháu ra, kệ chúng muốn làm gì sinh sống thì làm, nhưng ông bà không dám làm vậy vì sợ con trai đánh. Con trai cả ông bà nói muốn nhờ luật pháp trừng trị em trai mình, đưa em đi cải tạo. Tuy nhiên, con trai ông bà chỉ bắt nạt bố mẹ, chửi bới vợ con, lười làm, ham chơi, chứ không làm gì phạm pháp, làm sao luật pháp có thể giúp được.

Mấy đồng đội cũ khuyên ông bà báo cáo chính quyền vì tội con trai ông bà hành hung, dọa nạt bố mẹ, cũng coi như là bạo lực gia đình, nhưng ông bảo xấu hổ, con mình mà mình không dạy được, để nó đánh cho thì sao dám kêu ai. Có người khuyên cho vợ chồng con trai ra ăn riêng, ở riêng, hàng tháng ông bà hỗ trợ bao nhiêu là tùy, còn chúng tự phải lo, nhưng ông bà bảo chúng nó không nghe đâu, nói nhiều nó nổi  nóng, lại đánh cho thì thiệt thân. Kể đến câu này, người cha 70 tuổi ấy đã khóc nấc lên vì cảm thấy tủi nhục, bất lực. Ông nói, cũng mong được nghe “các bác phân tích, góp ý, xem có cách nào giải thoát tình trạng hiện nay chứ không tôi chết không nhắm mắt được”. Ông bảo, giá không có “bà ấy” và mấy đứa cháu còn non dại, ông đã “làm mồi thuốc chuột hay mồi bả chó, kết liễu đời mình cho xong”.

Nghe câu chuyện của đôi vợ chồng vị khách tuổi “thất thập cổ lai hy”, tất cả chúng tôi đều cảm động. Tất nhiên, chúng tôi hiểu, những đứa trẻ ngoan hay hư, một phần là do trời sinh tính, nhưng phần nhiều do cách giáo dục của gia đình. Cậu con trai hiện nay có thể là kết quả của việc chiều chuộng, buông lỏng quản lý, không giáo dục nghiêm khắc ngay từ khi con nhỏ, bé không vin, cả gẫy cành, nghĩa là lỗi ở ông bà khách của chúng tôi. Tuy nhiên, nói điều ấy lúc này làm gì. Điều quan trọng là hướng dẫn suy nghĩ và  gợi hướng hành động cho ông bà. 

“Chạy trốn” con  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trao đổi, trò chuyện rất lâu với ông bà, có thêm thông tin về hoàn cảnh gia đình, quê quán, nguồn cội, khả năng tài chính, cũng như sự đồng thuận của hai ông bà, chúng tôi đã đề xuất một phương án để ông bà tham khảo và tự quyết định.

Trước tiên, ông bà cần xác định rằng phải buông để con trai, con dâu tự đứng dậy làm người. Ông bà không thể sống mãi để cưu mang con cháu. Nếu cứ bao cấp, lo thay, làm đỡ con cái, một mai ông bà già yếu, nằm một chỗ, sẽ còn khổ nữa. Thứ hai, không sĩ diện nữa, không che giấu hoàn cảnh của mình, không ai trách móc hay cười chê gì ông bà đâu. Nỗi đau lớn nhất là bị con trai đánh đập, cướp tiền, sống dựa, chứ người ngoài nghĩ sao, kệ người ta.

Thứ ba, phải nghĩ đến tương lai 4 đứa cháu mà buộc cho bố mẹ chúng phải làm người, nếu không, tương lai 4 đứa trẻ là bụi đời, trẻ em đường phố, trộm cắp, lêu lổng, vi phạm pháp luật… Cuối cùng, đừng quên nghĩ đến cuộc sống an toàn, đến sức khỏe thể chất và tinh thần của hai vợ chồng và việc đối xử công bằng với cả vợ chồng cậu con trai cả nữa.

Hãy bán ngôi nhà hiện tại, theo như ông bà nói cũng được 4 tỉ. Hãy họp với 4 đứa con trai và dâu, nói rõ rằng cả đời bố mẹ đi làm nhà nước, không giàu có gì, có được ngôi nhà này cũng là may mắn. Giờ bố mẹ già yếu, gần đất xa trời, muốn bán đi, chia cho mỗi đứa một ít, bố mẹ chỉ giữ lại cho mình một ít để dưỡng già. Các con phải tự lo cho cuộc sống của mình và lo cho các cháu. Bố mẹ sẽ về quê sinh sống cho không khí trong lành, trồng cây rau, nuôi con gà cho vui chân, vui tay.

Lương hưu của bố mẹ cũng đủ để sinh sống ở quê, khi mọi thứ đồ ăn thức uống cũng an toàn và rẻ hơn. Ông bà có thể quyết định hỗ trợ thêm vợ chồng cậu con trai thứ hai nhiều hơn cậu con cả một chút vì vợ chồng cậu ấy đông con. Việc sau đó vợ chồng cậu con thứ hai ở đâu, làm gì để có tiền sinh sống… là việc của chính họ. Ở đâu cũng vậy, chỉ người lười mới chết đói chứ có sức khỏe, kể cả làm xe ôm, giao hàng, bốc vác, trông coi quán hàng… cũng có thu nhập mà. Đừng quên, con trai và con dâu ông bà đã 34 tuổi rồi.

Sở dĩ chúng tôi đề xuất ông bà hướng đi này bởi biết ông bà ở quê còn có nhà đất khá rộng rãi, xung quanh là anh em ruột đang sinh sống, quần tụ. Cả về mặt sức khỏe, tâm lý, đạo lý, thì việc người già về quê sinh sống cũng là phù hợp. Ông bà gật gù, hứa sẽ suy nghĩ thêm, bởi vẫn lăn tăn câu nói của người đời “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” để nói về những người ra đi, khi thất bại mới quay về quê… Để tăng cường quyết tâm cho người đàn ông 70 tuổi, tôi nói vui một câu rằng “tầm này sĩ diện gì nữa, mình đang phải chạy trốn con mà!”.

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.