CHỊ ẤY ĐANG PHẢI TRẢ GIÁ CHO LỐI SỐNG CỦA MÌNH

Chia sẻ

Chị Hương (tên đã thay đổi), có người chị gái song sinh là Hoa, năm nay cả hai đã ngoài 40 tuổi. Họ giống nhau như hai giọt nước, vì là song sinh cùng trứng, nhưng hai người có số phận hoàn toàn khác nhau. Chị Hương tự nhận mình có số phận may mắn, và bao năm nay cứ thương người chị gái long đong cả đời về chuyện tình duyên.

Chị Hương học xong lớp 12 thì nghỉ học ở nhà một năm, sau đó theo người bà con vào miền Nam kiếm việc làm. Tuy nhiên, được đúng một năm, chị Hương trở lại quê nhà, với lý do “không hợp cách sống trong ấy”. Đúng dịp quê chị bắt đầu có khu công nghiệp, chị vào làm cho một công ty của nước ngoài chuyên sản xuất thiết bị điện tử, điện lạnh. Lương không cao, nhưng công việc không quá khó khăn, vất vả, lại được làm gần nhà, sáng đi, tối về, Chủ nhật được nghỉ, nếu đi làm được tính lương gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt, có nhiều chị em cùng xã cũng vào làm, nên việc đi làm rất vui.

Ba năm sau chị gặp, yêu thương và kết hôn với một đồng nghiệp nam, quê ở tỉnh xa. Ban đầu gia đình chị cũng chê anh quê xa, nhà nghèo, phải ở nhà thuê, nếu lấy nhau, cả hai sẽ vô cùng vất vả. Mọi người nói rằng người có nhan sắc như chị, nên lấy một anh nào đó chững chạc, có kinh tế ổn định, có nhà cửa đàng hoàng thì tốt hơn. Nhưng chị nói rằng chị yêu cái tính, cái nết của anh ấy, chị cũng nghèo thì tại sao lại chê anh ấy nghèo, cứ lấy rồi bảo nhau làm ăn, chắt chiu, thì cũng đâu vào đấy thôi vì “nghèo thì lâu chứ giàu mấy chốc”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh chị lấy nhau xong thì ở tạm một gian nhà của bố mẹ chị cho, nhưng mọi sinh hoạt, ăn uống đều riêng hết. Khó khăn bội phần mà anh chị đều vượt qua. Năm sau anh chị sinh con gái đầu lòng, đồng thời dọn ra ở nhà thuê để mẹ anh ấy ở quê ra tiện chăm sóc cháu nội. Anh ra sức làm thêm, làm chính, làm ở công ty, làm ở nhà vì có nghề sửa chữa đồ điện và điện tử, thu nhập cũng tăng. Chị nghỉ sinh con, nhưng cũng chịu khó thức đêm làm nồi xôi, nồi sắn luộc bán cho công nhân ăn sáng, cũng có đồng ra đồng vào. Anh chị khá lên được là nhờ sau đó tham gia vụ “cò đất”, mà bây giờ gọi là kinh doanh bất động sản. Chị bảo chẳng hiểu sao dân nội thành ùn ùn kéo về xã chị mua đất, họ ôm cả đất đồi, đất ao, đất còn trũng. Một số cán bộ, công chức tranh thủ dắt mối, bán đi bán lại, cũng kiếm được tiền chênh lệch kha khá. Chị là người làng, không lẽ ngồi đấy cho người ở nơi khác họ về làm cò đất kiếm tiền? Chị bảo, không có vụ ấy thì có lẽ giờ anh chị vẫn ở nhà thuê, chứ lương công nhân sao đủ mua đất, mua nhà. Giờ thì khá rồi, chị có ki-ốt bán tạp hoá ngay cổng công ty ngày trước chị làm. Anh vẫn là kỹ sư làm trong khu công nghiệp, đồng thời cũng bán hàng điện tử, điện lạnh trên mạng và sửa chữa, bảo hành cho khách luôn. Tuy vẫn là những “người lao động”, nhưng cuộc sống của anh chị tạm gọi là dễ thở.

Chị chỉ canh cánh bên lòng, thương người chị gái song sinh, bốn mươi tuổi không chồng, không nghề nghiệp, sống lang bạt nay đây mai đó, có đứa con mà không dám nhận.

Dù hình hài giống nhau, nhưng tính cách hai chị em không giống nhau. Chị Hương hiền lành, có phần nhút nhát, thì chị gái chị là chị Hoa nhanh nhẹn, mồm mép tép nhảy, tự tin, xông xáo. Ngày còn học cấp ba, chị Hoa đã nhiều người theo đuổi, từ những bạn trai cùng lớp, cùng khối, đến cả các thầy giáo trẻ chưa có vợ, các anh các chú trong làng… Ngày đó con gái mà yêu đương sớm thường bị các thầy cô ác cảm, bố mẹ lo lắng. Chính vì nhiều người theo đuổi nên chị Hoa xao nhãng học tập, tí nữa thì trượt tốt nghiệp. Trong lúc chị Hương vào Nam tìm việc, thì chị Hoa đã đi theo một người đàn ông có vợ, làm nghề lái xe cho công ty. Bố mẹ ngăn cản, chị trốn theo anh ta. Bố mẹ thuê người theo dõi, biết chỗ hai người thuê trọ, đã xông đến đánh cho chị một trận thừa sống thiếu chết, túm tóc lôi về. Vậy mà được vài hôm chị lại trốn nhà, và người đàn ông kia cũng bỏ việc, họ đi đâu không ai biết. Người làng đồn rằng chị theo ông kia, ông ấy “chơi chán” thì bán sang kia biên giới rồi. Bố mẹ thất vọng, chán nản, đã nói rằng “coi như không có đứa con như thế”. Nói thì nói vậy, chứ chị Hương biết ông bà vẫn canh cánh bên lòng mong biết tin của chị Hoa.

Mấy năm sau, khi vợ chồng chị Hương đã có đứa con gái đầu lòng hơn 3 tuổi, chị mới “có tin” về chị gái mình. Buổi sáng, vừa mở cổng định đem xôi đi bán, chị Hương phát hiện một cái bọc quần áo, bên trong gói một đứa bé mới sinh, kèm theo là lá thư viết tay. Nhìn nét chữ, chị biết đó là thư của chị Hoa, chị gái chị. Chị nhìn quanh không thấy có ai, gọi thật to “chị Hoa ơi”, cũng chẳng ai thưa. Mở thư đọc, chị Hoa nhắn gửi thế này: Chị biết bố mẹ và cả nhà giận chị lắm, nhưng số chị nó khổ vì tình, giờ chị không có mặt mũi nào về nhà mình nữa. Đứa con này là của chị với một người mà chị yêu thương, nhưng họ không thể cùng chị nhận con, nuôi con. Chị gửi em nuôi cháu, cho nó được sống, khai sinh cho nó như con của em. Chị sẽ đứng từ xa, nhìn thấy em đón cháu chị mới đi vì chị không muốn con mình bị đẩy đi, đẩy lại, rồi đưa vào trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Khi em đọc lá thư này, chị đã nhìn thấy em và chị cũng sẽ ra đi ngay. Chị sẽ ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội việc làm và xây lại cuộc đời…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lá thư này, chị Hương chỉ chia sẻ với chồng và hai người thống nhất làm thủ tục nhận con nuôi. Con trai mang họ của chồng chị và là em trai của bé gái đầu lòng. Việc đứa con nuôi chính là con đẻ của chị Hoa, là cháu gọi chị Hương bằng dì ruột, cho đến giờ vẫn không ai biết. Chàng trai năm ấy giờ đã đi nghĩa vụ quân sự, cao lớn, đẹp trai, ai cũng khen “giống bố”!!!

Còn chị Hoa, chị gái chị Hương thì sau đấy mấy năm, đã có tin tức. Sau khi sinh con, bỏ lại, theo người đàn ông có vợ sang “nước bạn” làm thuê, chung sống, hai người lại kéo nhau vào Tây Nguyên. Sống với nhau đâu được vài năm, người đàn ông kia bỏ rơi chị, quay trở lại với vợ con. Chị lang thang từ Buôn Mê Thuột sang Đà Lạt, từ Đà Lạt trôi dạt về Đồng Nai, rồi Bình Dương, Bình Phước. Nghề nghiệp của chị gần như “không có gì”, chị sống bằng nghề đi theo những người đàn ông và làm cho họ vui, chị được nuôi ăn, cho tiền cho đến khi họ không còn nhu cầu nữa. Chị có nhiều đàn ông theo, đã được ngủ từ nhà nghỉ ven rừng đến khách sạn bốn, năm sao. Chị cũng vài lần có thai, nhưng đều phải bỏ vì không biết sinh sống nuôi con ra sao khi phải nghỉ sinh con mà không “đi làm”. Chị chưa được ai tỏ tình, cầu hôn đàng hoàng, và tất nhiên chưa bao giờ mặc áo cô dâu…

Mấy năm lại đây, chị đã có tuổi để có thể lang bạt theo tình yêu, chị chọn nghề chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện lão khoa của thành phố, ở nhà trọ. Nghe một vài người quen nói trông chị ấy xuống sắc và yếu lắm. Cứ nghĩ đến một ngày chị gái ốm đau, bệnh tật, già nua, không nhà cửa, không chồng con, không người thân thích… thì chị Hương lại thấy quặn thắt tim đau. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, cả thành phố nháo nhào, không biết cuộc sống chị ấy ra sao.

Trò chuyện với chị Hương khá lâu, chúng tôi chúc mừng anh chị có cuộc sống yên bình, ngày càng khá giả. Chúng tôi bày tỏ xúc động về tình cảm của chị dành cho chị gái của mình cũng như những trăn trở cho tương lai của chị ấy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng động viên chị rằng, bản thân chị không thể làm gì hơn nữa, bởi gánh nặng gia đình, chồng con, đồng thời chị ấy cũng đang nuôi đứa con của chị gái mình… cũng là tốt rồi. Mỗi người là một hoạ sĩ, vẽ lên chân dung cuộc đời mình, không ai làm thay, vẽ hộ được. Những gian nan, vất vả hiện nay mà chị Hoa, chị gái chị Hương phải gánh chịu là sự trả giá cho những năm tháng thanh xuân không tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu.

Trách thì trách vậy chứ chúng tôi cũng cùng chị Hương lập kế hoạch cho gia đình đi tìm kiếm, tiếp cận, động viên chị Hoa trở lại quê nhà, chị em nương tựa vào nhau mà sống tiếp. Nếu còn sức khoẻ, chị Hoa có thể làm bất cứ việc gì để sống mà không phải phiền luỵ đến ai. Còn chuyện trao trả đứa con hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là bố trí cho chị ấy một sự “trở về” nhẹ nhàng, không gây sốc và sớm ổn định cuộc sống mới sau đại dịch Covid và sau “đại dịch của cuộc đời” mình.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.